Từ trường hợp của "Những thứ họ mang", quy trình dịch giả - biên tập viên lại được đặt ra nóng hổi. Nhiều ý kiến nghi ngờ về một sự thỏa hiệp bắt buộc khi dịch giả là cấp trên hoặc có uy tín lớn hơn biên tập viên.

TIN BÀI KHÁC

Dù có thể không tồn tại một bản dịch hoàn hảo, nhưng rõ ràng vẫn có những bản dịch được nhiều người ca ngợi và yêu thích.

Đi sâu thêm về việc làm thế nào để có một bản dịch tốt hơn, chúng tôi đã tìm hiểu về quá trình dịch thuật, với mong muốn làm sáng tỏ một số điều kiện như: cơ hội tiếp cận của dịch giả Việt Nam với thông tin nước ngoài (như việc nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã làm) và quy trình thẩm định: biên tập viên - dịch giả

{keywords}
Một số tác phẩm dịch mắc lỗi

Với những tác phẩm quan trọng, phải chọn dịch giả

{keywords}

 Ông Nguyễn Cảnh Bình, giám đốc công ty sách Alpha

"Tôi nghe loáng thoáng có người nói chuyện cấp trên - cấp dưới giữa dịch giả và biên tập, nhưng thực tế không phải như vậy" - ông Nguyễn Cảnh Bình, giám đốc công ty sách Alpha nói.

"Tùy từng cuốn sách mà nội dung của nó sẽ có những người quyết định khác nhau. Ví dụ, chúng tôi bị la ó về cuốn Cộng hòa của Platon. Rất nhiều bạn trẻ la ó vì sử dụng nhiều từ Hán - Việt như tiểu bối, quả bối... Nhưng bản thân ông Đỗ Khánh Hoan là một dịch giả có tên tuổi, thứ hai, ông yêu cầu không được sửa gì cả. Nên chúng tôi thuận theo yêu cầu đó.

Thông thường, với những tác phẩm quan trọng, phải chọn dịch giả. Nói chung ở VN hiện nay, dịch giả là người có kinh nghiệm, trình độ hơn biên tập viên. Công ty sách buộc lòng phải lựa chọn người có trình độ trong việc dịch, còn biên tập viên thuần túy là sửa câu chữ tiếng Việt, chứ không phải ở góc độ sửa tiếng nước ngoài được cho dịch giả."

Để hạn chế sai sót, kinh nghiệm của ông Bình chia làm 3 công đoạn: dịch - hiệu đính - biên tập, trong đó phần hiệu đính được thuê ngoài để kiểm tra bản dịch.

Dịch giả Lê Hồng Sâm - người rất được ủng hộ trong phần phát biểu tại tọa đàm "Dịch thuật trong thực tế xuất bản", đã từng dịch những đầu sách triết học nổi tiếng và đồ sộ tại NXB Tri Thức (Sự thống trị của nam giới, Émile hay là về giáo dục, Những lời bộc bạch) - cho biết:
"Tại NXB Tri thức, khi tôi dịch "Những lời bộc bạch", biên tập viên đó vốn là học trò của tôi. Nhưng quan trọng sách dịch tốt, ít lỗi sai thì do dịch giả là chính. Chúng tôi phải làm việc kĩ lắm".

Biên tập viên tốt phải biết lắng nghe

{keywords}
Dịch giả Lương Việt Dũng

"Tôi cho rằng nhiệm vụ của biên tập viên và dịch giả là khác nhau. Không ai bắt biên tập viên phải giỏi hơn dịch giả.

Trong tiếng Nhật, người ta không gọi những người làm công tác chỉnh sửa các bản dịch ở NXB là biên tập viên. Với họ, biên tập viên chỉ là người làm việc với ngôn ngữ được viết ra bằng chính ngôn ngữ đó - tức là "edit". Còn những người sửa các bản dịch thì họ dùng từ hiệu đính" - dịch giả Lương Việt Dũng chia sẻ.

"Thông thường ở các NXB nước ngoài (như ở Nhật chẳng hạn, hoặc khi tôi đọc các bản dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh xuất bản cho thị trường Mỹ), nhiệm vụ của biên tập là làm sao làm cho độc giả dễ tiếp nhận bản dịch, hơn là việc soi xem nó sai ở đâu hoặc đúng ở đâu. Việc soi sai - đúng thuộc về một đội ngũ khác.

Tôi cho rằng biên tập viên tốt là biên tập viên phải biết lắng nghe, tức là biên tập viên không có định kiến. Lúc đó mới có thể nói chuyện được với nhau."

Một diễn đàn mở cho dịch thuật?

"Tôi nghĩ những người làm công việc chuyên môn liên quan đến dịch thuật (người dịch, nhà xuất bản…) có lẽ cần đoàn kết trong một tổ chức, hội hay câu lạc bộ dịch thuật chẳng hạn, kiên quyết bảo vệ uy tín và công việc của mình, để thị trường bớt đi những ấn phẩm còn nhiều sai sót một cách vô trách nhiệm.

Lĩnh vực nào cũng cần có môi trường lành mạnh để cho thế hệ tương lai nảy mầm và phát triển tốt hơn". - Dịch giả Lý Lan trên báo Văn nghệ trẻ.

"Việt Nam nên có một diễn đàn để những người làm công tác dịch thuật có thể chia sẻ với nhau. Trong một thứ tiếng cụ thể hoặc giữa các thứ tiếng khác nhau, đôi khi có thể đem lại những sự tham khảo rất tốt. Tôi nghĩ chúng ta còn thiếu thứ không khí học thuật kiểu như vậy.

Lập được một Hội đồng nghề nghiệp cũng tốt, nhưng phần lớn các dịch giả Việt đều coi mình là dịch giả nghiệp dư. Rất ít người có thể nhận mình là dịch giả chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp có nghĩa là chỉ làm việc đó, sống bằng nghề đó. Tôi cho rằng một diễn đàn tự phát sẽ tốt hơn, không bị ràng buộc bởi định kiến hay một chuẩn mực của một nhóm nhỏ nào đó - Dịch giả Lương Việt Dũng trả lời báo VietNamNet.

Hồ Hương Giang