- Higuchi Ichiyo đã viết tác phẩm "Một mùa thơ dại", được các nhà phê bình đánh giá như một "Kiệt tác của trò chơi làm người". 


24 mùa xuân là toàn bộ cuộc đời của cô gái thơ Higuchi Ichiyo - thiên tài của nền văn chương Nhật Bản cuối thế kỉ 19. Sáng tác ở độ tuổi còn rất trẻ, nhưng những tác phẩm của Ichiyo có sự sâu sắc kì lạ, có vẻ đẹp trong trẻo, ngây thơ và cả sự cách tân trong cái cách nàng nhìn xã hội Nhật Bản thời kì đó.

Sự nghiệp sáng tác của Ichiyo chỉ tồn tại vỏn vẹn 4 năm, từ năm 20 tuổi đến năm 24 tuổi - khi bị mất vì bệnh lao một cách nhanh chóng. Nhưng khoảng 20 truyện ngắn, chừng 4.000 bài thơ và vài tiểu luận cùng một bộ nhật ký nổi tiếng đã ra đời. Đó là những gì Ichiyo kịp tạo dựng trong cuộc đời mệnh yểu.

{keywords}

 "Một mùa thơ dại" của Ichiyo - một "Kiệt tác của trò chơi làm người".

Sự ngưỡng mộ, sau cái chết của nàng lại càng dâng cao. Các truyện ngắn lừng danh của Ichiyo lần lượt được dựng thành phim nghệ thuật và đài phát thanh thì lật những trang nhật ký của Ichiyo ra và đọc với giọng đầy truyền cảm. "Một mùa thơ dại" được xem như tác phẩm nổi bật nhất, được gắn với nhận xét rằng, đây quả là "Kiệt tác của trò chơi làm người".

Tác phẩm kể về những đứa trẻ lớn lên trong một khu phố đèn đỏ đầy náo động, bạo lực và trụy lạc. Chúng nhanh chóng tiếp nhận cái văn hóa ấy một cách hồn nhiên và ngây thơ, tiếp nối thế hệ đi trước của mình. Tỏa sáng hơn một chút so với những đứa trẻ con nhà lao động ham thích tranh giành và đánh nhau, là thế giới của cô bé Midori xinh đẹp - em gái một kỹ nữ nổi tiếng và cậu bé Nobu hiền lành lặng lẽ, con trai của một nhà sư phàm tục.

Một mùa thơ dại cũng là tình yêu thơ dại giữa hai đứa trẻ. Nobu (hay còn gọi là Shouta/Shinnyo) tin rằng lớn lên cậu bé sẽ mua Midori, nhưng khi Midori thực sự vấn tóc lên và bước vào con đường kỹ nữ, cô cũng xấu hổ với vẻ người lớn của mình và không thể gặp Nobu theo cách bình thường được nữa. Dễ tổn thương trước sự thay đổi của thời thế, con người, Nobu đã chọn con đường tu hành thanh tịnh. 

{keywords}

Nhân vật Midori trong một sản phẩm truyền thông hiện đại.


Nhà phê bình Nhật Chiêu nói, Nobu là nhân vật cô đơn nhất. Nobu cô đơn và xa lạ ngay giữa gia đình của mình, giữa khu phố, giữa thời đại. Một phần do những hoàn cảnh ấy không cần có anh, một phần do bản chất quá mẫn cảm, quá thanh khiết của anh.

Trước mặt anh đã từng chỉ có Midori, bởi sau lưng anh là gia đình kì lạ với một người cha kì lạ. Thân là sư nhà chùa, nhưng cha Nobu phàm ăn tục uống, tham lam ích kỉ. Ông bắt vợ bán hàng xén, bắt con gái xinh đẹp đứng bán quán trà để thu hút khách thập phương. Xã hội và gia đình không thích hợp với bản tính của Nobu, nhưng chúng vây bọc lấy anh từ thời thơ ấu và mang Midori đi mất khi anh đến tuổi trưởng thành. 

"Shouta hỏi ngược lại thì Midori buồn bã, không trả lời. Đủ thứ chuyện xảy ra khiến nó không thể nói với ai, không thể chia sẻ tâm trạng cùng ai. Gò má nó nóng bừng. Đặc biệt là dù không thể nói cụ thể là gì nhưng nó cứ thấy trái tim mình cô đơn nhỏ nhoi, không thể nói ra sự xấu hổ không ngừng trong lòng, khi nảy sinh suy nghĩ không thể nhớ gì về một Midori của ngày hôm qua. 

Nếu mà được, nó chỉ muốn ở trong một căn phòng tối, không gặp ai, không bị ai trò chuyện hỏi han gì đến, cứ thế một mình. Được vậy thì cho dù có chuyện vui như vầy cũng không ngại ánh mắt người xung quanh đến mức khổ tâm như thế này. Lúc nào cũng có thể chơi búp bê với chị, hay chơi đồ hàng thì vui sướng biết bao. 

Ừ ghét lắm, làm người lớn thật bực mình. Tại sao phải lớn lên? Nó muốn quay trở về những ngày của hai tháng, mười tháng hay một năm trước. Cứ nghĩ đến chuyện đã lớn, lại thêm không quen với việc Shouta cứ ở đây hỏi han này nọ khiến nó bực bội".

Một buổi mai mờ sương, ai đó đã để lại một đóa thủy tiên giấy trên thềm nhà nàng. Không có lời nhắn nào trong hoa nhưng Midori vẫn đem đặt nó vào bình, ngắm nhìn trìu mến, nàng thấy nó không hoàn hảo chút nào tuy phảng phất buồn, trong dáng vẻ khô lạnh và cô đơn. Và rồi không biết từ đâu nàng nghe rằng sau ngày đó Nobu vào một tự viện, mặc lấy chiếc áo đen”.

Tác phẩm kết thúc vào lúc Nobu trước ngày khoác áo tu, để lại một đóa hoa thủy tiên vàng bằng giấy nơi thềm nhà Midori như một tình yêu bị tước đoạt.

Nước Nhật đề cao sự nghiệp văn chương của Ichiyo bằng việc cho in chân dung của bà lên tờ tiền giấy có mệnh giá lớn thứ hai trong hệ thống tiền tệ Nhật, tờ 5000 yen. Tem có chân dung hoặc tranh vẽ nhân vật trong tác phẩm của Ichiyo cũng được phát hành nhiều lần. Các tác phẩm của bà được dựng thành phim truyền hình, điện ảnh và phim hoạt hình anime.

Vân Sam