- Người phụ nữ cả đời không mấy khi rời xa vùng quê Ontario vừa được Nobel văn chương xưng tụng là bậc thầy truyện ngắn chỉ nhờ những câu chuyện về người bình thường.
Thành tựu lớn lao của nữ văn sĩ Alice Munro có thể làm ngạc nhiên bất cứ ai về một sự thật kỳ diệu rằng: Chúng được kết tinh từ những điều bình thường nhỏ bé nhờ sự nhạy cảm nơi con tim và một nỗ lực phi thường không ngừng nghỉ của ý chí.
Nữ văn sĩ Alice Munro. Ảnh AP
Bà sinh ngày 10 tháng 7 năm 1931 trong một gia đình có cha là nông dân, mẹ là giáo viên. Họ sống tại một thị trấn nhỏ có tên Wingham thuộc vùng Ontario, Canada. Nơi miền quê vắng vẻ, mọi người phải làm việc vất vả trên những cánh đồng cằn cỗi và thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông. Năm lên 10 tuổi, cô bé Anne Clarke Laidlaw bắt đầu giấu ước mơ văn chương của mình vào những giờ lánh đi một mình để viết những câu chuyện nho nhỏ về cuộc sống, về căn bệnh đau khớp kinh niên của mẹ.
Năm 1949, sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà được học bổng cho phép học ngành báo chí và ngôn ngữ Anh tại đại học Western Ontario. Trong ba năm sinh viên, bà làm nhiều công việc kiếm sống từ bồi bàn, hái thuốc cho tới thủ thư. Cùng thời gian này, bà xuất bản truyện ngắn đầu tiên The Dimensions of a Shadow (tạm dịch Những chiều kích của cái bóng). Năm 1951, bà bất ngờ rời đại học để cưới người bạn sinh viên James Munro. Họ có với nhau 3 con gái trước khi rời Ontario tới Victoria vào năm 1963, để mở một hiệu sách cho đến nay vẫn còn hoạt động. Cả hai chia tay năm 1972, bốn năm sau bà tái hôn với nhà nghiên cứu địa lý Gerald Fremlin.
Năm 1968, bà cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tay Dance of the Happy Shades (Điệu vũ chiếc bóng hạnh phúc) lập tức thắng giải Governor General’s Award, giải thưởng văn chương cao nhất ở Canada. Thành công tiếp tục đến với bà vào năm 1971 với tiểu thuyết Lives of Girls and Women (Cuộc đời những cô gái và những đàn bà). Cuốn tiểu thuyết được kết lại bằng những truyện ngắn nhỏ có liên quan tới nhau, thực tế, là thể hiện ước mơ của bà khi bắt đầu dấn thân vào đường văn: trở thành tiểu thuyết gia bằng cách thực hành truyện ngắn.
Nhưng sự thật là trước con đường dài, bà đã nhận ra tất cả vẻ quyến rũ của bước đi đầu tiên ngỡ sẽ dẫn bà đi xa hơn. Vẻ quyến rũ dẫn tới đam mê, và đam mê đốt lên ngọn lửa nuôi dưỡng ý chí chinh phục con đường viết truyện ngắn kéo dài suốt năm thập niên. Con đường mà đến sau này khi hồi tưởng lại trong một lần trả lời phỏng vấn, bà phải thốt lên “đó là một cuộc đua thật tuyệt vọng, tuyệt vọng”. Khắc nghiệt và hun hút như chính những con đường nứt vỡ ở quê bà sau mỗi mùa đông.
Trốn chạy, tập truyện ngắn của Alice Munro xuất bản tại VN năm 2012.
Hành trình dài mà bà đã đi, gồm hơn 40 tác phẩm tính cho tới cuốn mới nhất Cuộc sống yêu dấu xuất bản năm 2012 trước khi bà tuyên bố nghỉ hưu, được nhiều ý kiến nhìn nhận là đã mang lại một cuộc cách mạng mới cho thể loại truyện ngắn.
Như một phản đề của lối viết cường điệu hóa bi kịch, tất cả những gì bà làm là đi tìm vẻ đẹp lộng lẫy của những cái hàng ngày, chất thơ của những điều bình dị. Thực tế, đây là một bài học vô cùng khó nuốt đối với các nhà văn bởi nó đồng nghĩa với việc phải dấn sâu hơn vào những điều ẩn giấu trong nội tâm. Không chỉ tinh tế trong việc nhìn thấy chúng thể hiện trên ngôn ngữ và hành vi, bà còn giữ cái nhìn không phán xét.
Trong các tác phẩm nổi tiếng như: Bạn nghĩ bạn là ai? (1978), Những mặt trăng của sao mộc (1982) và đặc biệt là Tiến tới yêu đương (1986), bối cảnh cho những truyện ngắn của bà thường không đi xa hơn vùng quê Ontario, nơi có những thị trấn mà “chuyện gì rồi sớm muộn ai cũng biết” và có xu hướng thúc đẩy con người đi vào mâu thuẫn giữa rời bỏ và ở lại, chán ngán và yên ổn, yêu thương và ghét bỏ.
Nhân vật của bà thường được nhìn nhận và khám phá trong các mối quan hệ mà họ giữ vai trò là những người cha, người mẹ, người chị, người yêu hay người chồng…Trong đó chủ đề về mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà được bà thể hiện trong nhiều truyện ngắn khác nhau. Điển hình như truyện ngắn Những cơn hứng mô tả một cặp vợ chồng tưởng đã gần gũi và thân thuộc, vẫn có những khoảnh khắc khiến họ bàng hoàng nhận ra đã không hiểu gì về nhau sau bao năm chung sống.
Các chủ đề khác được bà quan tâm là bệnh tật và cái chết khiến cuộc sống là một cõi tạm hư vô. Nhiều truyện ngắn của bà cũng thể hiện sự biến ảo và không chắc chắn của ký ức. Cấu trúc truyện ngắn của bà thường đặc biệt bằng cách được bắt đầu ở một địa điểm không xác định nào đó, trước khi quay ngược về quá khứ hoặc đẩy nó tới tương lai, để khi kết thúc chúng luôn trở thành một bức tranh xinh xắn nhỏ bé của đời sống và có lịch sử riêng của chính nó.
Minh Chánh