Huỳnh Vĩnh Sơn, trong tác phẩm đầu tay gây chú ý của mình, đã viết một câu khá nổi tiếng: "Mình đang nói dối để kiếm tiền".
Chắc hẳn người đọc chưa thể quên vụ việc lùm xùm trong giới viết sách trẻ gần đây, cuộc "đối đầu" giữa độc giả Trần Ngọc Thịnh và cuốn sách "Xách ba lô lên và đi" của tác giả trẻ Huyền Chip (Khánh Huyền). Trước khi thực hiện bộ sách đó, có thể nói Khánh Huyền đã làm một cuộc đối đầu thật sự, đối đầu với tính ì, tính thụ động của người trẻ, thách thức chính mình và chứng tỏ bản thân như một cô gái dám làm, dám nghĩ .
Nhưng sau khi tập sách ra mắt, một cuộc đối đầu khác đã xảy ra, cuộc đối đầu của một người muốn đi tìm sự thật. Chưa bàn đến tính đúng sai của nghi vấn, chỉ thấy rằng người trẻ của ngày hôm nay, rõ ràng đã bắt đầu không ngại những cuộc đối đầu quyết liệt trên con đường xác lập niềm tin.
Cuốn sách viết về tâm sự của một người trẻ làm nghề thời thượng: copywriter |
Huỳnh Vĩnh Sơn (sinh năm 1987), trong tác phẩm đầu tay gây chú ý của mình, mới đây đã viết một câu khá nổi tiếng: "Mình đang nói dối để kiếm tiền".
Tác phẩm đầu tay của anh - "Ý tưởng này là của chúng mình" - là một cuốn sách viết về tâm sự của một người trẻ làm nghề thời thượng: copywriter - người viết ngôn lời trong nền công nghiệp quảng cáo. Cuốn sách tập hợp 100 bài viết nhỏ ở dạng blog xung quanh thứ nghề nghiệp sản sinh từ cuộc sống hiện đại này.
Cùng với các ngành truyền thông khác, quảng cáo đang khoác trên mình thứ vỏ bọc mỹ miều và thu hút, nhưng ẩn sâu bên trong nó - cùng với đam mê sáng tạo - là sự phức tạp của đối nhân xử thế, là tính thách thức của thời đại số đang quay vòng chóng mặt; và một câu hỏi lớn về đạo đức làm nghề.
Người trẻ mê sự hào nhoáng, không ngại thách thức, dám quan sát, dám học hỏi và chuyển động, nhưng rốt cuộc... cuối cùng, nếu muốn đi tiếp, đi chắc và đi xa, rồi họ cũng phải đối mặt với câu hỏi về lương tâm và đạo đức. Một câu hỏi được phát đi từ sâu thẳm bên trong.
Tác giả trẻ Huỳnh Vĩnh Sơn trong tác phẩm đầu tay về truyền thông quảng cáo |
""10 năm qua ăn cơm Agency đủ rồi S. ơi. Cứ phải ngồi nghĩ ra cả trăm cái idea, để làm gì chứ? Tìm cách nói cho hay, cho hấp dẫn để bán được hàng cho cái nhãn nước này dù mình biết bên trong nó là cả tỷ thứ đường hóa học. Uống cho nhiều vô rồi em coi, sắp có một thế hệ trẻ Việt Nam tiểu đường rồi đó!"
Sau độ 5 năm trong nghề, họ bỗng thấy cái mình làm chẳng những vô nghĩa mà còn phần nào trái với lương tâm. Mình đang nói dối để kiếm tiền. Cuối cùng thì một cái nước mắm làm từ 100 con cá La Hán cũng không thể hàn gắn được gia đình, cuối cùng thì miếng băng vệ sinh có bổ sung DHA đi nữa cũng không thể cho người con gái vụt chốc thành đạt được..." (Trích trong "Ý tưởng này là của chúng mình")
Xã hội Việt Nam sau những năm tháng quay cuồng bởi đồng tiền và áp lực làm giàu, đang bắt đầu đứng trước những câu hỏi lớn để xác lập lại giá trị và niềm tin để sống. Từ mọi ngành nghề, người ta liên tục thấy xuất hiện những vấn đề được đặt ra, như thể: đâu là lương tâm nghề nghiệp, đâu là giá trị lõi và động lực phát triển bền vững, đâu là sự thật sau những lời nói và hình ảnh bóng bẩy ngọt ngào...
Người Việt trẻ là nước Việt trẻ. Động lực của sự phát triển bắt đầu từ đó.
Hồ Hương Giang