- "Nếu thành lập bảo tàng về bác Giáp, nó phải thân thiện như hàng xóm của chúng ta vậy. Ta có thể vào và bày tỏ cảm xúc bất cứ lúc nào", bà Wendy Erd, cán bộ Bảo tàng Pratt (bang Alaska, Mỹ) chia sẻ.


Thật thú vị nếu Việt Nam có bảo tàng Võ Nguyên Giáp

Vợ chồng ông Peter Kaufman và Wendy Erd, hai chuyên gia bảo tàng đến từ Mỹ đã có gần 20 năm sống và làm việc tại Việt Nam. Họ có bố mẹ nuôi là người Việt, hai cụ cũng đã có 30 năm tham gia kháng chiến nên những câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp họ đều nằm lòng. Đúng lúc Đại tướng ra đi, họ lại mang những ký ức về ông kể cho vợ chồng ông Peter nghe.

Với kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực bảo tàng nhiều năm, khi phóng viên đề cập tới việc nên hay không thành lập bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Wendy đã thốt lên rằng thật thú vị nếu Việt Nam có bảo tàng Võ Nguyên Giáp.

Trong và sau ngày Đại tướng về cõi vĩnh hằng, bà Wendy vẫn thường nghe bạn bè nhắc về Tướng Giáp với hình ảnh một con người bình dị, yêu thương mọi người, sống rất mực thước.

{keywords}
Ngôi nhà 30 Hoàng Diệu là địa điểm thích hợp nhất để thành lập bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Theo bà Wendy, vợ chồng bà cảm thấy mình là người Mỹ vô cùng may mắn khi có mặt tại Việt Nam thời điểm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi. Bà đã chứng kiến dòng người dài tưởng chừng như bất tận khi tới viếng cũng như tiễn đưa Đại tướng về cõi vĩnh hằng. Và cho tới bây giờ, hàng ngày bà vẫn đi qua con đường Hoàng Diệu để trở về, tối tối, vẫn có những ngọn nến được thắp lên phía ngoài nhà Tướng Giáp. Điều này chứng tỏ rằng dù Đại tướng có ra đi nhưng ông đã để lại một tiếng ngân rất lớn. Lòng người hướng về ông là cả một sự chân thành xuất phát từ con tim. Sự ảnh hưởng của ông với đồng bào là có thật.

"Lịch sử cần một quãng thời gian để lắng xuống và có độ lùi nhất định để đánh giá, nhưng với trường hợp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đây là thời điểm thích hợp nhất để thành lập bảo tàng về Người",  bà Wendy nói.

Làm bảo tàng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp có cả cơ hội và thách thức. Để thể hiện một Võ Nguyên Giáp với cái nhìn đa chiều từ một vị tướng tài ba, kiên quyết nơi chiến trường đến một con người bình dị và nhẫn nhịn trong cuộc sống quả là một thách thức không nhỏ.

Nhà 30 Hoàng Diệu thích hợp nhất để thành lập bảo tàng

Khi nhận lời trả lời phỏng vấn của phóng viên, bà Wendy nói rằng trong đầu bà đã nghĩ ngay tới việc biến ngôi nhà 30 Hoàng Diệu thành bảo tàng để kể những câu chuyện xúc động và có tính giáo dục cao với cộng đồng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhà Tướng Giáp ở nằm trong tổng thể rất đẹp, gần Lăng Bác, gần Bảo tàng lịch sử quân sự. Ngôi nhà đó rất ấm áp, giản dị một cách tự nhiên, nó mang dấu ấn lịch sử rõ nét. “Chắc mọi người cũng đồng ý với tôi rằng, chỉ cần đến ngôi nhà đó thôi, chúng ta sẽ cảm thấy chủ nhân của nó vẫn hiện diện đâu đó gần gũi và thân thương”, bà Wendy nói.

Ông Peter kể rằng, thầy dạy dưỡng sinh của ông ở Việt Nam dù mới 30 tuổi nhưng khi nghe tin Tướng Giáp qua đời đã vô cùng xúc động. Anh chia sẻ rằng mình vô cùng hụt hẫng, một cảm giác nghẹn đắng nơi cổ họng dù rằng chỉ biết về Tướng Giáp qua lời kể của bà, của mẹ.

Một trường hợp khác là một người bạn già của ông ở Việt Nam đã nằm viện nhiều ngày. Bà rất yếu nhưng khi nghe tin Đại tướng qua đời, bà đã khỏe lại trong vòng 2 tiếng và yêu cầu bằng được con cái đưa bà tới viếng Đại tướng. Sau đó bà lại trở vào bệnh viện và dưỡng bệnh tiếp.

Nói như vậy để thấy rằng, Tướng Giáp trong mắt mọi người từ già tới trẻ đều rất đáng kính. Việt Nam mất đi Tướng Giáp là một tổn thất lớn với dân tộc, vì một phần ký ức dân tộc của Việt Nam gắn liền với ông.

{keywords}

Ông Peter nói Tướng Giáp được coi là vị tướng sống lâu cuối cùng trong thời đại của Hồ Chí Minh. Điều này có nghĩa là những người cùng thời với ông cũng đã cao tuổi lắm.

Vì thế, đây là thời điểm tốt để những người cùng thời với Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ những ký ức về ông bởi chỉ chậm chút nữa thôi, họ cũng không thể chống lại được quy luật sinh lão bệnh tử của tạo hóa. Mà những ký ức được kể của những con người sống động thì tốt hơn rất nhiều so với chúng ta ngồi nghiên cứu tài liệu và suy đoán.

Bà Wendy nói vì chưa được vào thăm căn nhà của tướng Giáp nên không thể biết trong đó có bao nhiêu phòng, các phòng bố trí ra sao nhưng bà cho rằng không gian nhỏ hay lớn không quan trọng lắm. Bà từng đi nhiều bảo tàng to rộng nhưng xem xong bà cảm thấy mệt mỏi vì cái gì cũng được trưng bày một cách tràn lan.

Có một câu nói mà người Mỹ thường nói và tạm dịch ra tiếng Việt như thế này “Chính trong không gian chật hẹp, sức sáng tạo của ta lại càng lớn”. Với không gian chật hẹp, người ta phải suy tính một cách kỹ càng nên kể câu chuyện gì trong đó và phải luân phiên trưng bày như thế nào cho hợp lý. Bảo tàng phải như người hàng xóm của chúng ta.

Tướng Giáp từng có những quyết định quan trọng trong đời mình mà có ảnh hưởng tới cả một dân tộc. Vậy bảo tàng Võ Nguyên Giáp nếu thành lập cũng nên có một câu hỏi kiểu như “Bạn đã từng có quyết định quan trọng nào trong cuộc đời của mình chưa?”… Đó chính là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. 

"Ngay cả trong khuôn viên của nhà Tướng Giáp, chúng ta có thể trích dẫn những câu nói, những kỷ vật được lựa chọn một cách kỹ càng. Chúng tôi sẵn sàng tham gia tư vấn cho bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nếu được mời. Chúng tôi sẽ rất vinh dự. Được kể về câu chuyện xúc động về một con người mà cả dân tộc Việt Nam và thế giới coi trọng thì có vinh dự nào hơn thế", vợ chồng bà Wendy chia sẻ.

Tình Lê