Một người đàn bà chỉ viết truyện ngắn, thích sống ẩn dật tại một nơi heo hút của Canada mà cái tên của nó thôi, nghe đã rất chán: “Người ta nói vui rằng mã bưu điện tại đây, N0G 2W0, chính là viết tắt của cụm từ “No one goes to Wingham, Ontario”: chẳng ai buồn đến Wingham, Ontario!

 Alice Munro: Bậc thầy của vẻ đẹp hàng ngày

Alice Munro, chủ nhân mới nhất của giải Nobel Văn chương.

Sao bà lại không viết truyện dài, tiểu thuyết? Sao bà lại không ở một đô thị ồn ã để tìm kiếm “lửa sống” ngùn ngụt của những thể tài văn chương ấy? Sao mà một nơi tẻ nhạt chẳng ai buồn đến, lại có thể sinh ra một nhà văn với những câu chuyện làm lay động tâm can con người?

Mới đầu, khi nghe tin lần thứ ba, Haruki Murakami không đoạt giải, rất nhiều người đã thất vọng, thậm chí còn lên án uỷ ban xét giải của Nobel Văn chương “có vấn đề”. Họ cũng có tư duy “vùng miền” chăng? Vì nghe nói đã ba lần Nhật Bản đoạt giải Nobel, cho lần nữa thì… phí của. Cần phải là một nơi khác mà Canada thì đây quả là lần đầu tiên thật. Hay năm ngoái giải Nobel trao cho Mạc Ngôn thật là ngoài sức tưởng tượng vì giá trị của văn chương đích thực chắc chắn không thể là sự dối trá dù có bao biện cỡ nào.

Nhưng đọc lại Mạc Ngôn, bàng hoàng vì có thể thấy được một xã hội Trung Quốc điên loạn, tàn ác và nhu nhược. Đó là lý do mà Nobel Văn chương 2012 đã dành cho Mạc Ngôn, một người tự đi tìm cánh cửa thổ lộ với thế giới về sự đày đoạ và thống khổ mà dân tộc ông đang phải gánh chịu như một kiếp nạn.

Giải Nobel, kỳ thực không chỉ lĩnh vực văn chương mới gây nhiều tranh cãi. Cả trong lĩnh vực khoa học, việc trao cho một cá nhân hay tập thể cũng cần phải được thay đổi cho phù hợp vì ngày càng có nhiều công trình khoa học mà một nhóm nghiên cứu và hỗ trợ lẫn nhau, nhưng người được giải, người không. Tuy nhiên, điều không công bằng này hiện nay vẫn chỉ gây bất bình đối với cá nhân, Nobel vẫn là giải uy tín nhất thế giới. Cứ xem con số theo dõi buổi truyền hình trực tiếp trao giải và mật độ báo chí thế giới quan tâm đến nó thì biết, ngày càng tăng chứ chưa bao giờ giảm.

Trở lại với Alice Munro. Bên cạnh một Murakami với những yếu tố “hoang đường” – người kiến tạo những giấc mơ khác đời sống thực để con người tạm vượt lên đời sống khốn khó thì Munro lại thủ thỉ kể một câu chuyện khiến chúng ta bị giằng xé khôn nguôi về kiếp người. Cả hai nhà văn đều lấy vấn đề của triết học để lý giải cho cuộc đời con người rất nhiều rối rắm và những mâu thuẫn nội tại không bao giờ giải quyết được. Một người xây những giấc mơ và một người thấu thị kiếp sống chính mình qua những câu chuyện kể.

Thế giới khôn cùng và con người vẫn sống như thế. Cho nên, nhà văn, ở góc độ nào, câu chuyện kể của anh ta cũng được lắng nghe nhiều nhất, vì đó không chỉ là câu chuyện kể, mà còn là những lời tự thú về một kiếp người – tiểu vũ trụ bơ vơ giữa cõi trần gian ảo mộng, điên đảo này.

Một Nobel cho Alice Munro lấp lánh những câu chuyện kể thú vị về kiếp người.

Theo SGTT