- Người nổi tiếng sử dụng scandal để đánh bóng tên tuổi là thất sách cuối cùng khi không thể dùng các giá trị tích cực để tạo lập chỗ đứng cho bản thân.

Scandal showbiz đang liên tiếp xảy ra, thu hút mối quan tâm mạnh mẽ của công chúng, báo VietNamNet có cuộc trò chuyện với thạc sĩ phân tích sáng tạo phê bình Bùi Trà My nhằm phân tích về những hệ lụy của nó với cá nhân nói riêng và xã hội nói chung.

{keywords}

Scandal showbiz ảnh hưởng không nhỏ tới tương tác cộng đồng.


Nạn nhân của một nền giáo dục không đầy đủ

Chị nhìn nhận vấn đề người nổi tiếng bằng các scandal liên tục đã tác động tới đám đông, và sau đó là truyền thông như thế nào?
 
- Chúng ta có thể hiểu nôm na như thế này, trong mối quan hệ nói trên, hãy tưởng tượng truyền thông là chủ nhà, người nổi tiếng (hoặc quản lý của họ) là đầu bếp, thông tin là món ăn tiếp đãi, công chúng là khách tới chơi. 

Đầu bếp có thể nấu hay hoặc dở. Một người chủ nhà tốt sẽ tiếp đãi chúng ta bằng những món ăn ngon, sạch sẽ. Một người chủ nhà ác ý sẽ mời chúng ta những món scandal dở tệ không đáng ăn. Chúng ta, những công chúng tự do có đầy đủ quyền để chọn ăn món ngon và khước từ món dở. Nhưng không phải ai trong số bình dân đại chúng cũng được trang bị đầy đủ kiến thức, năng lực để đánh giá và đưa ra lựa chọn tốt nhất.
 
Phải thừa nhận rằng, scandal thực sự tạo ra được hiệu ứng truyền thông, người đã nổi tiếng sẵn được biết đến nhiều thêm, và người chưa nổi tiếng thì cũng trở nên nổi tiếng. Các ngôi sao giải trí sử dụng scandal để đánh bóng tên tuổi là một chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, vấn đề là có nhiều người đã lạm dụng nó một cách thiếu tinh tế, nếu không muốn nói là thô thiển và độc hại đối với công chúng. 
 
Công chúng khi không tách mình ra khỏi đám đông thường có xu hướng nhẹ dạ, cả tin, thích sự phóng đại cực đoan. Đặc biệt ở Việt Nam, mọi người lại khá tin vào báo chí và hầu hết tự động “tiêu hoá” thông tin một cách vô thức. Thông tin ập đến chúng ta hằng ngày có cả tinh hoa nhưng phần nhiều là “rác”, các scandal nửa mùa kỳ thực chỉ là một trong số những loại rác ấy mà thôi. Nhiều trang tin, tờ báo nhận tiền để bày rác lên bàn ăn mời công chúng, tần suất ngày càng dày. Nếu như một trong những chức năng của báo chí là giáo dục, định hướng cho người dân, thì tương đối nhiều ấn phẩm báo chí đang dạy cho người dân cách “tiêu thụ rác”!

“Ăn rác mãi rất khó thấy ngon”

{keywords}

Đàm Vĩnh Hưng trong nhiều trường hợp là tâm điểm của scandal.


Với một cá nhân cụ thể thường xuyên là tâm điểm của scandal như Đàm Vĩnh Hưng, đám đông và truyền thông đã tác động ngược lại anh ta như thế nào? Nhiều người đặt ra giả thiết Đàm Vĩnh Hưng đôi khi khá chủ động với scandal hay các phát ngôn gây sốc trên báo chí. Sự chủ động này chắc hẳn có giới hạn? 
 
- Qua một số bài phỏng vấn, cá nhân tôi chủ quan nhận thấy Đàm Vĩnh Hưng là một ca sỹ có mục tiêu, chiến lược rõ ràng và dường như có mối quan hệ tốt với giới báo chí. Ở một chừng mực nào đó, Đàm Vĩnh Hưng có khi vừa đóng vai trò là chủ nhà, vừa là đầu bếp đưa thông tin đến công chúng. 
 
Gần đây có 3 sự kiện liên tiếp Đàm Vĩnh Hưng là nhân vật chính: phản ứng với nhận xét của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, xuất hiện tại đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đêm nhạc hoá thân bác sỹ trung tâm thẩm mỹ Cát Tường.
 
Trong cả ba sự việc, ta đều thấy được sự chủ động lựa chọn cách tiếp cận công chúng của Đàm Vĩnh Hưng, nhưng anh không thể kiểm soát hoàn toàn được 100% báo chí và công chúng. Đặc biệt, khi mạng xã hội hiện nay đang dần trở thành nguồn nhận tin chính của nhiều người, bất kỳ ai cũng có thể trở thành “nhà báo” và sức lan toả trên mạng là rất nhanh. Đây là bài học không chỉ với Đàm Vĩnh Hưng mà còn với những người làm báo ở Việt Nam. “Ăn rác mãi rất khó thấy ngon”…
 
Khi cá nhân làm xảy ra scandal và sau đó là sự miệt thị đáp trả của đám đông mạng 2.0, các yếu tố bạo lực ngầm đã nảy sinh như thế nào?
 
- Trong trường hợp này có hai đối tượng chịu ảnh hưởng của hình thức bạo lực tượng trưng (bạo lực ngầm): đám đông và cá nhân người nổi tiếng.
 
Như đã nói từ đầu, tâm lý đám đông thường bất ổn. Khi đứng trong một tập hợp như thế, tiếng nói có thể lớn hơn nhưng năng lực tự bảo vệ cá nhân cũng đồng thời bị giảm đi. Các cá nhân đứng trong đám đông bỗng nhiên trở thành đối tượng dễ bị tổn thương, tâm lý của họ bị truyền thông, người nổi tiếng và doanh nghiệp tận dụng để “bán hàng”. Họ tiêu thụ hình ảnh người ca sỹ, diễn viên, click tăng lượng view tăng giá trị quảng cáo cho trang tin, họ nhận được vô số bài PR, quảng cáo khuyên bảo về lối sống mà thực chất là kích thích mua hàng, … Tóm lại, một cách vô thức, công chúng bị giáo dục để tiêu dùng.
 
Còn người nổi tiếng, sử dụng scandal để đánh bóng tên tuổi là thất sách cuối cùng khi họ không thể dùng các giá trị tích cực có lợi cho cả 3 bên để tạo lập chỗ đứng cho bản thân. Bằng việc phơi sáng mình trên truyền thông đại chúng như thế, họ đã tự đẩy mình vào vị trí dễ bị tổn thương nhất. Đám đông có nhau, còn người nổi tiếng chỉ có một mình. Cơ thể của họ bị vật chất hoá. Đời sống của họ bị thương mại hoá. Và những scandal chỉ góp phần làm cho những điều đó ngày càng nghiêm trọng thêm mà thôi…

Báo chí nên tạo ra xu hướng tích cực

{keywords}

Bùi Trà My là Thạc sỹ phân tích sáng tạo phê bình (Goldsmiths, ĐH London), Cử nhân Báo chí - Truyền thông (ĐHQG Hà Nội). Hiện tại, chị đang cùng với Viện nghiên cứu Xã hội Kinh tế Môi trường tư vấn và thực hiện dự án "Đọc báo tỉnh táo": Tập huấn nâng cao khả năng phân tích và tư duy phê phán cho học sinh, sinh viên trong ứng xử với truyền đông đại chúng.


Xin cảm ơn Bùi Trà My vì những chia sẻ của chị!

Hồ Hương Giang