Ký ức người lính là tập hợp của những người đang sống viết về thế hệ vàng của Việt Nam. Đó là thế hệ mà có 3 cái nhất: chiến đấu hy vinh vẻ vang nhất, tình yêu và tình người đẹp nhất, hưởng thụ thấp nhất.


Sau hơn 17 năm thai nghén và thực hiện, sáng 11/1 tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam, Công ty CP Truyền thông Nghĩa tình Đồng đội và Trung tâm Hỗ trợ Nhân đạo Nghĩa tình đồng đội ra mắt công trình sách Ký ức người lính (tập 1).

Ký ức người lính là tổng kho tư liệu rất giá trị, là bản trường ca bất tận về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong các cuộc trường chinh đầy hy sinh, thử thách và rực rỡ chiến công, là sản phẩm văn hóa tinh thần đặc biệt, góp phần vào công tác giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống và bản sắc dân tộc tốt đẹp của cha ông.

{keywords} 

Nhạc sĩ Đào Hữu Ký, Ban tổ chức công trình sách Ký ức người lính cho biết, để ra mắt được cuốn sách này là cả một chặng đường khó khăn và thử thách. 18 tháng ròng rất nhiều người làm việc mà không nhận một đồng thù lao nào cả nhưng hết thảy đều chung sức đồng lòng, miễn sao cho ra được cuốn sách để tri ân những người lính.

Theo NS Hữu Ký, điều khó khăn nhất trong quá trình thực hiện cuốn sách này là việc tìm được ra người kể về ký ức của mình. Có khi tìm được ra rồi nhưng khi đến gặp, vì lý do sức khỏe, họ không còn kể được nữa. Hoặc có những người vẫn minh mẫn, nhưng để động viên họ kể tường tận câu chuyện ký ức của mình là rất khó. Khó vì để họ kể về quá khứ chiến đấu hào hùng của mình cũng là bắt họ phải nhớ lại những năm tháng đau thương khi phải chứng kiến nhiều đồng đội mình ra đi, nằm lại nơi chiến trường.

Cuốn sách có một điều đặc biệt là chưa biết được tập nào sẽ là tập kết thúc bởi còn người lính nào tham gia kể về ký ức của mình thì sẽ còn những tập tiếp theo của công trình Ký ức người lính. Viết ký ức này không chỉ dành tri ân người lính mà còn để cho thế hệ mai sau biết được quá khứ hào hùng của dân tộc.

TS.Lê Doãn Hợp - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên UVBCH TW Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông - Chủ biên Công trình vô cùng xúc động cho biết, với tư cách là một người lính, một người tham gia chiến trận, dù 38 năm đã trôi qua nhưng những gì chúng ta viết về hai cuộc kháng chiến vĩ đại vẫn chưa tương xứng với với sự hy sinh của chiến sĩ đồng bào cả nước.

“Tất cả những điều được coi là bình dị trước đây nhưng có thể sẽ là vĩ đại, vô giá với hôm nay và mai sau. Tôi nghĩ để một số người viết vể cả một tổng kho lịch sử hào hùng của một dân tộc anh hùng thì rất khó và chưa có như 38 năm qua đã chờ đợi. Nhưng cả một dân tộc cùng viết thì hoàn toàn có thể làm được, nhờ đó chúng ta sẽ có một tổng kho tư liệu vô giá, là bản trường ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong chiến tranh ái quốc, làm tư liệu giáo dục truyền thống, phim ảnh, thơ ca, nhạc họa cho muôn thế hệ mai sau. Nếu chúng ta không làm nhanh điều này, những cứ liệu vô giá của dân tộc sẽ theo chân những người lính về với đất mẹ, chôn vùi vĩnh viễn những giá trị lịch sử vô giá mà chúng ta không bao giờ lấy lại được. Đây lại là một tổn thất lớn lao nữa của dân tộc.”, ông Hợp nói.

Theo nhận định của TS Hợp, Ký ức người lính là tập hợp của những người đang sống viết về thế hệ vàng của Việt Nam. Đó là thế hệ mà có 3 cái nhất: chiến đấu hy vinh vẻ vang nhất, tình yêu và tình người đẹp nhất, hưởng thụ thấp nhất. Đó là giá trị vô giá chúng ta để lại cho thế hệ sau.

Trong tập 1 Ký ức người lính vừa ra mắt, bạn đọc sẽ tìm thấy những câu chuyện, những kỷ niệm sâu sắc, cảm động của các nhân chứng lịch sử - người trong cuộc về các chặng đường trường chinh chống giặc ngoại xâm và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Đó là những cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều quân chủng, binh chủng trên các chiến trường: Bình Trị Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Tây Nguyên, Nam Bộ, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Đoàn tàu không số trên biển, chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” v.v… bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, lực lượng dân quân, du kích, tự vệ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã không tiếc máu, xương, tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng quân xâm lược.

 

Tình Lê