- Bộ phim Saving Mr.Banks cho thấy cách để một người có thể chữa lành những ký ức tổn thương hằng giấu kín, qua câu chuyện tranh đấu giữa hai người kể chuyện xuất sắc của thế giới văn chương và điện ảnh.

Ông là Walt Disney, người đã xây vương quốc thần tiên dành cho cả các em nhỏ lẫn người lớn từ trên màn ảnh ra đến các công viên chủ đề. Trên ngai vàng của đế chế quyền lực nhất nhì Hollywood, ông chịu khó để ý từng chi tiết nhỏ để không làm hủy hoại hình ảnh những bộ phim được xếp hạng dành cho mọi lứa tuổi mà ông sản xuất. Dù chỉ là việc giấu đi thói quen hút 2 điếu thuốc mỗi ngày, (mà Tom Hanks, người vào vai ông, đã phải đấu tranh lắm mới đưa được vào phim cảnh duy nhất ông cầm điếu thuốc trên tay).

{keywords}
Tom Hanks trong vai Walt Disney.

Còn bà, nữ văn sĩ P.L Travers, người đã sinh ra cho thế giới văn chương nhân vật cô bảo mẫu Mary Poppins có phép màu, đi vào giấc ngủ của trẻ em sau mỗi tối được ba mẹ ngồi đầu giường đọc cho nghe. Suốt nhiều năm, bà cương quyết bảo vệ trí tưởng tượng của bà và bạn đọc về các nhân vật trong loạt truyện Mary Poppins, chống lại mọi nỗ lực hay ý đồ hình ảnh hóa chúng trên sân khấu và màn ảnh.

Hai con người gặp nhau trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Ông vì muốn hoàn thành lời hứa với các con sẽ đưa Mary Poppins lên màn ảnh, đã nỗ lực thuyết phục bà trong suốt hơn 20 năm để bà chấp thuận chuyển nhượng tác quyền. Còn bà miễn cưỡng đồng ý vì chuyện cơm áo đã đến hồi kiệt quệ.

{keywords}
Emma Thompson trong vai P.L Travers.

Saving Mr. Banks (tựa Việt: Mr. Banks, ra mắt tại VN từ ngày 21/2) tập trung vào khoảng thời gian hai tuần bà Travers khăn gói đến Los Angeles làm việc về kịch bản trước khi chấp nhận ký hợp đồng tác quyền. Cuộc gặp gỡ giữa hai con người trong guồng máy rất chuyên nghiệp của ngành công nghiệp điện ảnh ở Hollywood tưởng chừng tẻ ngắt, nhưng bộ phim đã khéo léo làm lộ ra những ngọn nguồn bí ẩn của sáng tạo, đôi khi chúng được khơi mở từ chính những vết thương mà người sáng tạo muốn chữa lành.

Được kể song song với câu chuyện quá khứ xoay quanh một cô bé đối diện bi kịch của gia đình, câu chuyện vì thế không ngừng tạo ra chất men kích thích khiến người xem không ngừng tò mò kết nối các sự kiện, và khám phá chiều sâu tâm lý đã thúc đẩy các nhân vật có những hành động, sở thích khó hiểu trên thực tế. Từ chuyện ghét người Mỹ, tránh xa những trái lê, không ưa hoạt hình của Travers, cho đến sở thích chỉ gọi ai đó bằng cái tên thân mật của Disney.

{keywords}
Colin Farell (trái) trong vai Travers Goff.

Hành trình đi tìm hiểu căn nguyên thái độ phản đối quyết liệt của Travers không chỉ khiến Disney hiểu bà hơn, mà cũng khiến khán giả...hiểu ông hơn. Câu chuyện nhỏ phía sau hậu trường của Mary Poppins, bộ phim thành công của hãng Walt Disney hồi năm 1964 (đoạt 5 giải Oscar) đã cho thấy một phần tích cách làm nên thành công của ông: biết lắng nghe, biết hài hước, luôn kiên định và nhẫn nại trước những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua.

Saving Mr. Banks khép lại bằng một cái kết không hẳn là có hậu, nhưng toát lên một không khí thanh thản, nhẹ nhàng mà hiếm có bộ phim nào làm được. Như thể một vết thương hằn sâu trong ký ức nay được chữa lành, không bởi phép màu khiến người ta thay đổi được quá khứ, mà bởi nó đã được hiểu và được san sẻ bởi những người xung quanh sau nhiều năm giấu kín. Bí ẩn của sáng tạo lại chính nằm ở suối nguồn yêu thương được khơi mở. Một kết thúc đem lại cái nhìn lý giải cho người xem về nguồn gốc ra đời của hai tác phẩm, một điện ảnh và một văn chương, trong cùng một bộ phim.

{keywords}
Được sản xuất với kinh phí 35 triệu USD, phim hiện đã thu về hơn 100 triệu USD trên toàn thế giới.

Đây cũng là lần đầu tiên xưởng phim Walt Disney phá lệ làm một phim có tính chất bi kịch sau nhiều năm chỉ làm hoạt hình và mới chỉ có bốn phim thuộc dạng phiêu lưu hành động được xếp hạng PG-13 là Pirates of the Carubbean: The Curse of Black Pearl (2003), Prince of Persia (2010), John Carter (2012) và The Lone Ranger (2013). Trong mắt nhiều người, Saving Mr. Banks còn đáng xem ở khía cạnh tài năng diễn xuất của Tom Hanks và Emma Thompson (vai P.L Travers), cũng như phần nhạc nền xuất sắc của Thomas Newman.

Minh Chánh