“Nymphomaniac” (Người đàn bà cuồng dâm) là bộ phim thu hút nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây. Trong phim có chứa nhiều cảnh nóng, đề cập tới yếu tố tình dục một cách sống sượng, thô bạo, bất kể được đánh giá là thuộc dòng phim nghệ thuật, chính thống.
Những nhà phê bình hiện vẫn đang tranh cãi gay gắt về bộ phim này. Nhiều người nói mỉa mai rằng, họ không thể phân biệt tác phẩm là một bộ phim nghệ thuật hay một bộ phim khiêu dâm.
Poster gây choáng của Nymphomaniac.
Cuối tuần qua, bộ phim “Nymphomaniac” của đạo diễn Lars Von Trier đã chính thức ra rạp. Bộ phim gây sốc, vì xuất hiện dày đặc những cảnh quan hệ tình dục táo bạo và trần trụi. “Nymphomaniac” nói riêng và nhiều bộ phim có chứa những cảnh sex táo bạo nói chung đã đặt ra vô số câu hỏi về cách thực hiện bộ phim, cũng như quan điểm của các nhà phân tích khi quyết định công chiếu rộng rãi.
Nữ diễn viên Charlotte Gainsburg (giữa) trong một cảnh quay nóng bỏng của "Nymphomaniac".
Người đàn bà cuồng dâm thu hút nhiều sự quan tâm và cả tranh cãi từ khi còn trong giai đoạn sản xuất. Ấn tượng đầu tiên đến từ cái tên Lars von Trier, một đạo diễn luôn tạo nên phong cách lạ và gây sốc trong các tác phẩm của mình, như Antichrist hay Melancholia. Ông cũng nổi tiếng khi bị đuổi khỏi LHP Cannes 2011 vì phát biểu bày tỏ sự thông cảm với trùm phát xít Hitler.
Người đàn bà cuồng dâm được chia làm 2 phần, mỗi phần có độ dài khoảng hai giờ. Phim kể về một người phụ nữ trung niên tên là Joe (Charlotte Gainsbourg), sau khi bị đánh tơi tả, cô được một người đàn ông tên là Seligman tìm thấy ở ngoài con hẻm trước căn hộ của mình. Ở đây, cô đã hồi tưởng về quá khứ của mình, một người đàn bà nghiện sex đã quan hệ với hàng trăm người đàn ông. Bộ phim có những cảnh quay đẹp cùng với sự diễn xuất tuyệt vời của Stacy Martin - cựu người mẫu, đóng vai Joe lúc còn trẻ.
Bất cứ ai muốn nhìn thấy “những nơi nhạy cảm” trên phim thì cũng không phải để ý quá kỹ, bởi nó quá nhiều và quá “thật”. Lúc đầu bộ phim bị phản đối gay gắt, không được phép công chiếu tại các rạp. Sau đó, các nhà phân tích đã nhìn nhận lại. Phim có chứa quá nhiều cảnh sex, chân thực và thô bạo, nhưng không gợi dục, nó có chứa yếu tố nghệ thuật và tính nhân văn. Và Người đàn bà cuồng dâm vẫn được xếp vào dòng phim nghệ thuật chứ không phải thuộc phim khiêu dâm.
Hay nói như ông Trần Hinh – Chủ nhiệm bộ môn Nghệ thuật học (khoa Văn học – ĐH KHXH&NV): “Cần phải hiểu rằng, mục đích chính của việc sử dụng sex trong phim là để khơi gợi những suy ngẫm sâu xa trong người xem, làm nổi bật những nét tính cách của nhân vật và phục vụ cho ý đồ nghệ thuật. Cảnh nóng lúc này như một thủ pháp nghệ thuật giúp khắc họa những diễn biến tâm lý tình cảm của nhân vật, hơn là để câu khách một cách rẻ tiền”.
Cũng giống như các phim mới ra rạp gần đây (Blue is the warmest colour – Xanh là màu nóng nhất, Stranger by the Lake - Khách lạ ven hồ), Người đàn bà cuồng dâm liệu có đang báo hiệu sự xuất hiện một xu hướng, một thị hiếu nào mới lạ trong dòng phim nghệ thuật? Một dòng phim mới nói về sex, bàn về sex, coi sex như một đề tài tất yếu của đời sống điện ảnh.
(Theo Lao Động)