- Việc một chương trình ca nhạc có thương hiệu bất ngờ tuyên bố hủy diễn bởi lý do không bán được vé cho thấy đời sống âm nhạc ở Hà Nội đang có vấn đề. Điều đó thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ phía nhu cầu và thẩm mỹ cũng như thị hiếu khán giả, đồng thời còn ở cách làm của nhà tổ chức.

Chương trình nhiều, khán giả vẫn bị "đói"

Không phải Sài Gòn, Hà Nội mới chính là "bến đỗ" lý tưởng nhất cho những chương trình ca nhạc lớn tổ chức chỉ với mục đích kinh doanh mà vẫn "hạ cánh" an toàn, thậm chí còn hân hoan trong niềm vui "đại thắng" về mặt tiền bạc.

Nghe có vẻ hơi ngược nhưng thực chất Sài Gòn đúng là mảnh đất hứa cho ca sĩ tạo dựng tên tuổi, nơi đây đủ những ồn ào trong đời sống showbiz, đủ những chương trình lớn nhỏ lung linh trong ánh đèn sân khấu, đủ những phòng trà, vũ trường, quán cà phê ca nhạc, những sự kiện… cùng cả một hệ thống truyền thông chỉ phục vụ cho mảng giải trí luôn biết cách tung hô, thổi phồng những "hiện tượng" âm nhạc, cho dù tài năng có thể chưa xứng nhưng nói hoài cũng thành quen…

Tất cả những yếu tố đó đảm bảo nghệ sĩ có thể hoạt động và sống tốt bằng nghề. Song, nếu nói đến những chương trình lớn, nhà tổ chức dám đầu tư tiền tỷ mà không cần nhà tài trợ vẫn yên tâm bảo toàn nguồn vốn đồng thời còn có lãi thì chỉ có Hà Nội mới cho nhà đầu tư, tổ chức nghệ thuật sự an tâm.

{keywords}
Anh Thơ - Trọng Tấn

Có nhiều lý do, nhưng một trong đó chính là mặt bằng đời sống vật chất của người Hà Nội và Sài Gòn đứng ở mức tương đối cao so với mặt bằng chung cả nước nên nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật đương nhiên cũng cao trong khi, đời sống showbiz của Hà Nội chưa đủ hấp dẫn và đáp ứng.

Đứng ở góc độ nghệ thuật giải trí, cá nhân tôi cho rằng người Hà Nội vẫn còn bị "đói". Và vì thế, họ luôn mong chờ những chương trình âm nhạc với những tác phẩm, những ca sĩ nổi tiếng được tổ chức. Cho nên, nếu như người Sài Gòn có thể chỉ phải bỏ một khoản tiền nhỏ từ một vài trăm ngàn và hiếm khi lên tới tiền triệu thì người Hà Nội thường xuyên phải bỏ tiền triệu, thậm chí tới vài triệu đồng để có được tấm vé trên tay.

Làm show ở Hà Nội rất dễ thắng 

Trong quá khứ, nhiều chương trình làm ở đâu đó thì khó khăn nhưng hễ ở Hà Nội là đại thắng, chẳng hạn Gala của những năm cuối 1980, đầu 1990, hay cố ca sĩ Ngọc Tân đã thường xuyên tổ chức live show thuộc dòng nhạc trữ tình sở trường của anh và rất thành công, trở thành thương hiệu lớn.

Hiện nay, vẫn nhiều nghệ sĩ có thể coi là đã có thương hiệu đảm bảo tổ chức show có khán giả như nhạc sĩ Quốc Trung khi kết hợp với Thanh Lam, Tùng Dương, nhạc sĩ Lê Minh Sơn với đặc sản âm nhạc dân gian đương đại; các chương trình thuộc dòng nhạc xưa - sến và các ca sĩ hải ngoại nổi tiếng như Chế Linh, Khánh Ly, Thu Phương, Bằng Kiều… Gần đây nhất, nhạc sĩ Đỗ Bảo cũng đã thành công khi thực hiện chương trình riêng.

Đáng chú ý, dòng nhạc cách mạng vẫn được coi là "nhạc quốc doanh" không bầu sô nào muốn nhảy vào kinh doanh. Song gần đây với liveshow của hai tên tuổi Trọng Tấn - Anh Thơ đã tạo một cái nhìn hoàn toàn khác trong mắt bầu sô về dòng nhạc này.

{keywords}
Hồ Quỳnh Hương - Lê Hiếu trong đêm nhạc Đỗ Bảo.

Như vậy, rõ ràng thị trường không thay đổi, thậm chí đang báo hiệu một sự đa dạng hơn về dòng nhạc nhưng đồng thời cũng phân khúc rõ ràng hơn. Tức là, vẫn còn nhiều đất cho các bầu và chương trình, nhưng sẽ thất bại nếu không hiểu được khán giả. Khi chương trình ca nhạc mang tính chất kinh doanh có nghĩa âm nhạc đã là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt. Lúc đó, người bán sẽ bán được nhiều nếu bán cho khách cái khách muốn chứ không phải cái người bán hàng muốn. Một thành phố gần chục triệu dân như Hà Nội nhưng không phải ai cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé.

Theo dõi khá nhiều chương trình trong nhiều năm qua tôi cho rằng Hà Nội có chừng khoảng trên 1 vạn người (không kể lượng khách vãng lai) thuộc đối tượng khán giả thường xuyên của các chương trình ca nhạc lớn. Trong khi đó số người này lại phải chia ra nhiều phân khúc, chiếm đại đa số là fan hâm mộ cuồng nhiệt của dòng nhạc xưa - sến và các ca sĩ hải ngoại, số còn lại chia cho các dòng nhạc khác…

Các nhà tổ chức khai thác dòng nhạc xưa tương đối có nghề. Họ khéo chọn khoảng cách giữa hai chương trình, không quá dài, không quá ngắn, đủ để khán giả có thời gian phục hồi kinh tế đồng thời tiếp tục có nhu cầu giải trí. Vì nếu để ý sẽ thấy tất cả các chương trình thuộc dòng nhạc này, hầu như khán giả là những gương mặt quen. Nếu tổ chức liên tiếp thì có giàu đến mấy khán giả cũng không thể theo đầy đủ được. Như thế có nghĩa khi tổ chức chương trình cần xác lập được đối tượng khán giả là ai? nhu cầu của họ cần gì? nếu xếp lạc chỗ sẽ rất dễ dẫn đến trường hợp khán giả của anh không tìm thấy cái họ cần, trong khi khán giả của dòng nhạc khác họ lại không tin là anh có thể đảm bảo chương trình đáp ứng nhu cầu của họ.

Xác định nhầm đối tượng là một yếu tố dẫn tới thất bại. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác cũng chi phối ít nhiều sự quan tâm của khán giả. Chẳng hạn như một lý do tưởng không mấy liên quan là hiện tại đang vào mùa du lịch nhiều khán giả của chương trình sẽ không có mặt ở HN, thậm chí họ đang ở nhà nhưng chương trình chưa đủ sức hấp dẫn nên họ sẽ không tham gia để dành nguồn kinh phí cho những hoạt động khác.

Show ca nhạc phải 'đấu' với truyền hình thực tế

Một nguyên nhân khác là thời điểm hiện hay quá nhiều chương trình ca nhạc truyền hình thực tế, thậm chí chồng sóng lên nhau trên truyền hình. Những chương trình này có thể không hợp gu khán giả nhưng nhà tổ chức biết cách làm những chiêu trò tạo sức tò mò cuốn hút đa dạng đối tượng người xem. Điều đó góp một phần nguyên nhân giữ chân khán giả ở nhà. Việc nhận diện thương hiệu và khẳng định thương hiệu là điều rất quan trọng. Chiếu chèo làng quê Việt Nam có cặp câu đối đáp rất hay ai cũng thuộc: "Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?" - "Không xưng danh thì ai biết là ai".

Trong xã hội thông tin hiện nay điều này đặc biệt đúng. Để làm tốt điều này nhất thiết phải đề cao vai trò của truyền thông. Nếu không có hoạt động truyền thông thông tin của chương trình sẽ gần như nhanh chóng bị chìm vào một biển thông tin khác. Ở đây truyền thông không chỉ đơn thuần là sử dụng báo chí và mạng xã hội đăng tải tin tức mà rộng hơn thế, nó có nhiệm vụ làm thế nào phải truyền được cho nhiều người biết về chương trình nhất. Cho nên, truyền thông còn bao gồm các băng rôn, poster, tờ rơi, xe lưu động, tin nhắn qua điện thoại, thư gửi qua email… tức là tất cả các hoạt động liên quan tới việc quảng bá chương trình.

Riêng lĩnh vực này các nhà tổ chức của dòng nhạc khác cần tham khảo cách làm của các bầu sô nhạc hải ngoại - xưa - sến. Họ sẵn sàng bỏ hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng cho tổng chiến dịch truyền thông.

Trong khi hạn chế của quy chế cấp phép quảng cáo băng rôn ở Hà Nội hiện nay mỗi chương trình chỉ được cấp phép khoảng 20 cái treo đúng chỗ quy định mà nhu cầu của bầu sô là băng rôn phải rợp các đường phố, đặc biệt là các điểm ngã tư đông người. Họ liên tục treo và chấp nhận băng rôn có thể sẽ bị thanh tra cắt, tịch thu đồng thời phạt tiền theo quy định. Mặt khác, họ cho cả một đội ngũ nhân viên đến phát hàng chục vạn tờ rơi đến tận tay đối tượng khán giả của chương trình, chủ yếu là người hoạt động kinh doanh buôn bán và giới trí thức có kinh tế.

Cùng với đó, ở mảng báo chí và mạng xã hội sẽ liên tục đăng tải những tin tức về chương trình ở mọi khía cạnh có thể khai thác. Tất nhiên, việc nhận diện và khẳng định thương hiệu qua hoạt động truyền thông chỉ là cách để mọi người biết đến sự có mặt của một chương trình, đồng thời tạo sức hấp dẫn thu hút khán giả đến với chương trình đó. Còn chương trình có thành công hay không, có thể giữ khán giả trong nhiều chương trình tiếp sau nữa hay không thì chương trình còn phải khẳng định thương hiệu nghệ thuật.

Chằng hạn như Tùng Dương đã khẳng định được thương hiệu của mình trong tổ chức show ở Hà Nội. Tuy nhiên nếu không tỉnh táo thì sẽ mất khán giả bất cứ lúc nào. Có lẽ vì thế, bên cạnh những show đề cao cá tính âm nhạc riêng biệt với những bài nhạc sở trường, Tùng Dương vẫn khéo léo tổ chức những chương trình thiên về hát tình ca với những ca khúc trữ tình bao gồm cả nhạc xưa để chiều lòng khán giả.

Tóm lại, dù là nghệ thuật nhưng đã kinh doanh thì không thể nằm ngoài quy luật cung - cầu. Cần nắm bắt đối tượng khách hàng và số lượng những người này để cung cấp những thứ họ cần. Đồng thời, bản thân trong “cung” nhà tổ chức đã phải tự cân đối sao cho đảm bảo có hiệu quả kinh tế sau khi đã đáp ứng được nhu cầu. Đã nằm trong quy luật này thì không có chỗ cho những thử nghiệm trừ phi nhà tổ chức chấp nhận mạo hiểm có thể thắng cũng có thể mất số tiền lớn mà phần mất nhiều hơn.

Nói như vậy không có nghĩa rằng những chương trình thử nghiệm không quan trọng, thậm chí nó rất được quan tâm ở các nước phát triển thể hiện bằng việc nhiều quỹ sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho những hoạt động này, nhưng vị trí của nó ở chỗ khác. Những chương trình hoặc loạt chương trình phải đóng cửa, một phần chưa giải quyết được mối quan hệ giữa cung và cầu. 

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long