- "Thiên đường cho con" là một cuốn tiểu thuyết cảm động về một gia đình từng bị chia lìa cả về tư tưởng và địa lý.
Biển - người đàn ông sinh ra ở dải đất miền Trung nắng gió nặng lòng yêu Việt Nam tha thiết. Nhưng một ngày, anh vướng phải một tình huống tréo ngoe, bị buộc phải vượt biên đến Canada bỏ lại mẹ già vò võ một mình. Tại đây anh làm quen và giúp đỡ cô gái điếm Katherine - vốn là một cô gái ngoan đạo những bị cưỡng hiếp từ tuổi thành niên nên trượt dài vào con đường tăm tối. Họ sinh ra O'Shean - cậu con trai xinh đẹp và tốt lành như thiên thần. Nhưng rồi tai họa liên tiếp ập đến với anh và cậu bé.
Tác phẩm ra mắt tháng 6/2014 |
"Thiên đường cho con" là cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Hữu Nam, tác giả của "Thạch thảo kỳ duyên", "Tôi, Gốm" và "Trốn chạy"... Cuốn tiểu thuyết được cảm tác dựa trên một câu chuyện có thật về một người phải rời bỏ xứ sở ra đi vì một lý do đặc biệt. Hai mươi năm sau, anh trở về quê hương cũng bởi một lý do đặc biệt không kém - món quà cuối cùng cho đứa con bất hạnh.
"Thiên đường cho con", theo cách nghĩ của người đàn ông ấy là những gì gần gũi thân thương, giản dị và chân thành nhất. Thiên đường không phải là nơi phương xa xứ lạ, mà ở chính nơi có những người ruột thịt thân yêu. Một cuốn tiểu thuyết đậm vị Việt Nam, giúp trái tim người đọc quay trở lại Việt Nam trong bối cảnh nhiều người hướng ngoại.
Mâu thuẫn được đẩy lên cao trào khi người bà và người cháu lai không tìm được tiếng nói chung. Vẫn giữ nhiều quan niệm cũ, bà không thích "người Tây" mắt xanh mũi lõ, trong khi đứa trẻ nhạy cảm lập tức nhận ra rằng nó bị từ chối. Nó trở nên ghét bỏ bà. Đứng giữa hai người ruột thịt, trái tim Biển không yên vì nhức nhối, nhất là khi ngày sống của O'Shean đang được đếm lùi.
Bằng một giọng văn ấm áp, giàu cảm xúc, đôi chỗ dùng thừa từ và thiên về tả cảm, một số phần trong câu chuyện gợi cho độc giả nhớ đến "Hãy chăm sóc mẹ" - một tác phẩm nổi tiếng vượt ra ngoài biên giới Hàn Quốc của Shin Kyung Sook. Trường đoạn xúc động nhất trong câu chuyện là khi trái tim hai người đàn ông - Biển và O'Shean - trở lại với gian bếp của bà. Lúc đó ba thế hệ chụm lại giữa mâm cơm đạm bạc của mảnh đất miền Trung nghèo khó. Nhưng họ hạnh phúc.
Chỉ một vài trang mô tả kĩ lưỡng và có quan sát về người bà nhọc nhằn trong gian bếp, cuốn sách lập tức có điểm sáng sau nhiều đoạn tả tình, tả cảm u buồn. Có lẽ thiên đường không chỉ là mảnh đất quê hương, mà thiên đường bắt nguồn từ chính trong ngôi nhà, căn bếp của mỗi gia đình, nơi những đứa trẻ được an tâm sống trong sự hòa hợp và hạnh phúc của những người thân thuộc, dù không cần giàu có.
Những đứa trẻ gắn bó với niềm hạnh phúc tỏa ra từ người thân, mạnh mẽ hơn bất cứ sự giàu có và xa xỉ nào.
Tình cha con xúc động trong tranh của Pascal Campion |
"Trong phút chốc anh bỗng nhận ra đây mới thật sự là thiên đường dành cho O’Shean. Thằng bé chờ bà đi chợ về. Nó theo bà vào bếp. Nó hoa cả mắt khi cả núi công việc cứ bày ra trước mặt khó mà làm cho xuể. Bây giờ nó mới hiểu bà nhọc nhằn thế nào, chịu thương chịu khó thế nào. Cái chén, cái đĩa, bát, đũa, muỗng được xếp ngăn nắp và khô ráo trên những cái kệ bằng nhựa. Cái nồi, niêu, xoong, chảo được treo trên những cây đinh đóng chặt vào tường. Những lọ tiêu ớt, bột ngọt, mắm, muối cũng được xếp ngay ngắn vào một cái ngăn riêng.
...Bà dành thời gian ở gian bếp nhiều hơn bất kỳ ở đâu khác trong nhà, trước sân, ngoài vườn. Chỉ có nơi này mới gợi lên trong bà những kỷ niệm êm đềm, những phút giây sum vầy, những hương vị ngọt ngào của tình yêu thương. Cái gian bếp nhỏ nhắn và xưa cũ này là nơi bà giãi bày những nỗi đơn côi của một người vợ nhớ chồng, một người mẹ mong con và bây giờ là một người bà yêu cháu. Cái không gian chật hẹp này là nơi bà thể hiện tình yêu tha thiết đối với những người thân ruột thịt của mình."
Vân Sam