“Tôi và những lãnh đạo khác trong BQL dự án đã gắn bó với Hoàng Thành Thăng Long từ những ngày khai quật viên gạch đầu tiên, bất kể khi thi công phát hiện những di vật gì, chúng tôi đều báo cáo với cán bộ di sản. Chúng tôi trân trọng những di sản của ông cha để lại còn không hết, nói gì tới xâm hại”, ông Đỗ Thiều Quang, phó giám đốc BQL dự án tư xây dựng nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình (mới) khẳng định.
Mới đây, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã gửi công văn tới các cấp liên quan nêu thực trạng bị xâm hại của Hoàng Thành Thăng Long (Khu di sản), khẩn thiết kêu cứu Di sản thế giới này.
Trong đơn kêu cứu, 3 Hội đã kịch liệt phản đối và nếu làm như thế là vi phạm Luật di sản văn hóa, vi phạm Công ước bảo tồn Di sản Thế giới của UNESCO và vi phạm cam kết bảo vệ tính toàn vẹn và nguyên trạng toàn bộ vùng lõi của Khu di sản.
VietNamNet trao đổi với ông Đỗ Thiều Quang, phó giám đốc BQL dự án tư xây dựng nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình (mới) xung quanh những thực trạng mà đơn kêu cứu của 3 Hội đã nêu.
Ảnh chụp hố khai quật D2, D3 chiều 29/7
Các nhà khoa học đang rất bức xúc trước thực trạng Khu di sản đang bị biến thành một công trường với ngổn ngang vật liệu xây dựng và phế thải, nhà vệ sinh đặt phản cảm, bộ phận di sản khảo cổ nằm dưới con đường giáp ranh giữa Nhà quốc hội và Khu di sản bị phá hủy nghiêm trọng, ông có thể nói gì về điều này?
Tôi xin khẳng định rằng, chúng tôi đang làm rất đúng những quy định trong Biên bản bàn giao mặt bằng hiện trạng khu di tích C-D của Khu di sản.
Tháng 4 vừa qua chúng tôi đã được phê duyệt triển khai dự án 18 Hoàng Diệu này trong đó có một vài khu vực khảo cổ. Chúng tôi triển khai song song với việc bảo tồn Khu di sản đồng thời triển khai hạ tầng kỹ thuật.
Giai đoạn 1 để bảo tồn Khu di sản chúng tôi tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng (san lấp hố khảo cổ, làm hệ thống giao thông tạm, trồng cỏ bên trên…Chúng tôi đang gấp rút làm ngày đêm để tháng 8 tới đây có thể hoàn thành. Đây cũng là giai đoạn quan trọng để làm bước đệm cho giai đoạn 2 của dự án để phát huy toàn bộ giá trị của Khu di sản.
Việc đặt nhà vệ sinh đúng là vấn đề nhạy cảm nhưng lại là hoạt động không thể tách rời của con người. Nơi chúng tôi đặt nhà vệ sinh thực chất cũng là nơi trước đây cũng từng có nhà vệ sinh. Chỉ có điều do nhu cầu sử dụng lớn của cán bộ công nhân nên số lượng nhà vệ sinh đặt nhiều hơn. Mặc dù vậy, hàng ngày chúng tôi đều cho người vệ sinh sạch sẽ không hề làm ảnh hưởng tới khu di tích.
Nhưng chúng tôi thấy việc đặt nhà vệ sinh này là cần thiết bởi nếu không có khu vực nhất định, người ta cứ phóng uế bừa bãi thì môi trường ở đây còn kinh khủng hơn nhiều.
Về việc 3 hội có kiến nghị rằng BQL dự án đang xâm phạm, phá hủy nghiêm trong Khu di sản - đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa Nhà Quốc hội là hoàn toàn chưa hiểu được nguyên tắc làm việc của chúng tôi.
Những hố khai quật ở khu vực C-D của Khu di sản trong biên bản làm việc ký ngày 9/5/2014 giữa BQL dự án với Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long thì Trung tâm này có trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn các hố khảo cổ bao gồm bơm nước, bảo vệ di tích, di vật cho tới khi hoàn thành việc lấp hố này.
Việc chưa san lấp các hố khảo cổ bằng cát gây một số khó khăn trong thi công và ảnh hưởng tới an toàn lao động nên chúng tôi buộc phải xây một bức tường cao gần 3m để ngăn cách khu vực di sản với khu vực thi công công trình Nhà Quốc hội. Nếu như việc lấp cát vào các hố khai quật song song với việc chúng tôi đang thi công thì sẽ không cần tường chắn nữa và việc thi công đơn giản hơn nhiều.
Đây cũng là cách chúng tôi bảo vệ di sản và bảo vệ tính mạng cho công nhân. Sau khi hoàn thành, bức tường này sẽ bị phá bỏ nền được san bằng với phần nền đã lấp cát của các hố khảo cổ, một lớp cỏ mềm mại sẽ được trồng để đảm bảo sự hài hòa giữa cảnh quan xung quanh.
Con đường giáp ranh như trong đơn nói là đường cứu hỏa của Nhà Quốc hội là không chính xác. Thực chất đây chính là con đường nằm trong phạm vi Khu di sản, nó hỗ trợ cho việc thăm quan Khu di sản sau này rất nhiều.
Một con đường từ Khu di sản dẫn tới tầng hầm của Nhà Quốc hội – nơi sau này sẽ trưng bày các di vật khảo cổ của Khu di sản sẽ khiến khác thăm quan thuận tiện. Mối quan hệ giữa nhà Quốc hội và khu di tích Hoàng thành sẽ rất thân thiện bởi không có hàng rào, không có ngăn cách, mà rất hài hòa.
Còn vật liệu xây dựng vứt ngổn ngang một phần do vật liệu xây dựng công trình 18 Hoàng Diệu đang trong giai đoạn nước rút, vật liệu về hàng ngày rất nhiều, còn một phần do chính phế thải là phần chúng tôi tháo dỡ các nhà tạm, nhà cũ nằm trên phần đất di tích. Phần phế thải này phải chờ định giá thì mới có thể thanh lý được.
Thưa ông, có hay không việc sau khi bàn giao khu C- D cho BQL dự án, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội gần như bị vô hiệu hóa, vào tác nghiệp bảo tồn rất khó khăn?
Điều này là hoàn toàn không đúng. Không ai gây cản trở với việc các cán bộ của Trung tâm bảo tồn vào tác nghiệp bảo tồn cả. Trong biên bản bàn giao mặt bằng Bộ tư lệnh Cảnh vệ có trách nhiệm bảo vệ, quản lý toàn bộ mặt bằng. Các cán bộ nhân viên của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long sẽ được cấp thẻ ra vào khu vực C –D. Lực lượng của Trung tâm sẽ phải túc trực ở cổng để giải quyết việc ra vào đối với cán bộ của mình.
Ngay cả bản thân tôi và anh em trong BQL dự án mỗi khi ra vào cũng phải xuất trình thẻ. Đây là nguyên tắc không thể không thực hiện.
Hố khai quật D4-D6
Cán bộ công nhân viên thuộc BQL dự án có được nhắc nhở thường xuyên việc về việc mình đang thi công bên cạnh một di sản thế giới?
Chúng tôi là người hơn ai hết nhiều được tưng viên gạch, từng vị trí giá trị của Khu di sản. Chúng tôi là những người đâu tiên khảo sát tại khu vực này, bất cứ khi nào phát hiện ra di vật nào, chúng tôi đều báo cáo với các nhà khoa học để xác định niên đại, giá trị của nó. Chúng tôi trân trọng những gì cha ông ta để lại còn chưa hết nói gì tới việc xâm phạm hay phá hoại.
Công nhân lao động trên công trường thường xuyên được nhắc nhở tới việc thi công, cuối ngày, những hạng mục thi công đều được dọn dẹp sạch sẽ.
Việc trong đơn kiến nghị 3 Hội có nói rằng công nhân xây dựng tự do ra vào khu di sản, quanh các hố khảo cổ trong diều kiện không có cán bộ bảo tồn giám sát nên không tránh khỏi những va chạm làm một số di tích, di vật các hố khảo cổ bị xê dịch và có thể mất mát, chúng tôi rất cần bằng chứng. Ai? Trong thời gian nào? Mất cái gì. Cứ nói chung chung như thế rất ảnh hưởng tới chúng tôi và tôi hoàn toàn phản đối.
Cán bộ di sản đã được cấp thẻ để ra vào bảo vệ các hố khảo cổ, họ cũng phải có trách nhiệm trong việc cùng chúng tôi bảo vệ Khu di sản.
Văn phòng USNECO đã có văn bản gửi USNECO Hà Nội phải giải trình về sự việc Hoàng Thành Thăng Long trong thời gian gần đây. Nếu Khu di sản có nguy cơ bị UNESCO rút khỏi danh sách Di sản Thế giới, dưới góc độ một người dân bình thường, ông nghĩ gì?
Hơn ai hết, tôi hiểu rõ giá trị của Khu di sản này. Việc ngồi trả lời những câu hỏi của chị nêu ra cũng là trách nhiệm công dân của tôi đối với Khu di sản. Tôi vẫn bảo lưu ý kiến rằng chúng tôi không làm xâm hại gì tới những giá trị mà ông cha ta để lại. Mọi thứ nơi đây đã gắn bó với tôi hơn 10 nay và chúng tôi đã rất cẩn trọng trong việc thi công để đảm bảo gìn giữ những di sản quý báu. Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển luôn là một bài toán khó mà các bên phải thực sự đồng thuận và hợp tác thì hiệu quả mới cao được.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Tình Lê