- Ông Hải Thụy - Giám đốc công ty giải trí Thụy Nguyễn - đơn vị từng tổ chức nhiều show ca nhạc như đêm nhạc Thanh Tuyền, đêm nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh, đêm nhạc Vinh Sử... cho biết chưa bao giờ đóng tiền tác quyền cho VCPMC vì họ tự ấn định tỷ lệ phần trăm giữ lại chưa thỏa đáng.
Khánh Ly về nước hát sau bao năm xa cách là câu chuyện vui đối với nhiều khán giả yêu mến tiếng hát của bà. Nhưng người ta chỉ kịp vui cho lần trở về đầu tiên suôn sẻ, thành công cả cho ban tổ chức và thỏa mãn tai nghe của đại đa số khán giả bỏ tiền mua vé (hoặc được tặng vé) vào rạp nghe danh ca cất tiếng hát.
Lần thứ hai trở về - 3 tháng sau đó, show của Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng lại dính lùm xùm ở khâu tác quyền. Những gì mọi người thấy là nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) theo sát show Khánh Ly như hình với bóng chỉ vì "tiền tác quyền".
Trịnh Vĩnh Trinh - Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. |
Live concert Khánh Ly hồi 9/5 tại Hà Nội, đơn vị tổ chức đã nộp cho VCPMC 5% của 65% tiền bán vé, tương đương số tiền bản quyền là 260 triệu đồng. Còn lần này qua trao đổi, VCPMC đưa ra con số gần 178 triệu đồng cho show ở Hà Nội và đơn vị tổ chức không chịu.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng rất cứng rắn khi tiếp tục vào Đà Nẵng đòi tiền nhưng lần này không thành công vì không chứng minh được tư cách đại diện hợp pháp cho các tác phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Giữa VCPMC và công ty Đồng Dao - đơn vị tổ chức hai show Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng đến giờ vẫn chưa thống nhất thỏa thuận về việc thương thảo tiền tác quyền.
Đây không phải trường hợp hiếm gặp vì trước đó chuyện nhập nhằng tác quyền show Chế Linh cũng từng được mổ xẻ trên các mặt báo.
Đêm nhạc Chế Linh cũng từng vướng phải lùm xùm chuyện tác quyền. |
Ông Hải Thụy - Giám đốc công ty giải trí Thụy Nguyễn - đơn vị từng tổ chức nhiều show ca nhạc như đêm nhạc Thanh Tuyền, đêm nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh, đêm nhạc Vinh Sử... cho biết chưa bao giờ đóng tiền tác quyền cho VCPMC vì họ tự ấn định tỷ lệ phần trăm giữ lại chưa thỏa đáng.
Ông Hải Thụy tiết lộ: "Thông thường khi tổ chức các show ca nhạc ở các tỉnh, những đơn vị tổ chức như tôi đóng tiền bản quyền cho các Sở VH-TT-DL sở tại theo ba rem niêm yết 250.000 đồng/1 bài hát. Còn đối với các chương trình ở Hà Nội, VCPMC luôn đưa ra các mức giá khác nhau".
Cũng theo ông Thụy, trước đêm diễn Thanh Tuyền tại Hà Nội hay mới đây là đêm nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh, đơn vị tổ chức của anh đều được VCPMC mời lên làm việc nhưng cả hai đều không đi đến mức giá thống nhất. Ông này nói: "Bên VCPMC mặc cả từng đồng một từ 1,5 triệu xuống còn 1 triệu, thậm chí thấp hơn.
Như vậy có thể hiểu là VCPMC đưa ra mức thu theo phần trăm trích dẫn của mình nhưng khi đi thương thảo họ vẫn có quyền hạ giá xuống. Ngoài ra có sự vô lý ở đây là khi tính tiền phí bản quyền họ tính theo phần trăm doanh thu bán vé nhưng trong khi chương trình của người ta chưa diễn ra xong mà đã có được mức doanh thu để thu phí thì quả là vô lý", ông Thụy bức xúc.
Vì chuyện thu tiền bản quyền còn nhiều bất cập và chưa thống nhất nên thời gian qua một số đơn vị tổ chức biểu diễn đã có mánh khóe "xù" tiền tác quyền. Cụ thể là trước khi tổ chức một show diễn họ lập ra một công ty mới sau show diễn giải tán đóng cửa, không mua hóa đơn thuế và không bao giờ khai báo thuế.
Thực tế một số đơn vị tổ chức biểu diễn không hợp tác, chây ì và đến bây giờ vẫn chưa chịu đóng tiền tác quyền âm nhạc hoặc có nơi nghiến răng đóng tiền cho được việc nhưng trong lòng mang theo những ấm ức khi thấy các đơn vị tổ chức khác thương lượng được mức phí thấp hơn dù quy mô tổ chức và bán vé là như nhau.
Vẫn biết việc thu phí tác quyền là thỏa thuận dân sự, thuận mua thì vừa bán nhưng một khi nó được thu qua một trung tâm duy nhất đại diện cho rất nhiều các nhạc sĩ thì nó cần phải có một sự thống nhất nhất định, phải có tiêu chuẩn chung để đảm bảo sự công bằng cho mọi cá nhân, tổ chức muốn sử dụng bài hát cũng như đảm bảo tính chuyên nghiệp cho một trung tâm như VCPMC.
Trong một diễn biến liên quan đến việc không thống nhất về thu tác quyền, ngày 11/8, công ty Đồng Dao dẫn chứng cũng với nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bà Trịnh Vĩnh Trinh thu trực tiếp của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam cho chương trình Như cánh vạc bay tại Hà Nội ngày 6/7/2011 với mức phí 18 triệu đồng/27 ca khúc, tính trung bình 667.000 đồng/1 tác phẩm. Hay như VCPMC thu của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam cho chương trình Dư Âm diễn ra tại Hà Nội ngày 18/7/2013 với mức phí 8.500.000 đồng/17 ca khúc của các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Thuận Yến, Nguyễn Ánh 9, Nguyễn Văn Tý, Phú Quang, Đoàn Chuẩn. Tính trung bình là 500.000 đồng/1 tác phẩm. |
Sơn Hà