- Dòng sách tản văn lãng mạn thuần cảm xúc của các tác giả trẻ tiếp tục xác lập thêm một cột mốc mới, 10.000 bản in đợt đầu tiên cho "Có ai giữ giùm những lãng quên" - của nam ca sĩ Jun Phạm.
Có ít nhất 300 độc giả tuổi teen đã đứng xếp hàng chen chúc giữa không gian chật hẹp của trung tâm thương mại chờ đợi buổi ra mắt sách trước cả tiếng đồng hồ. Càng lúc đám đông càng ồn ào hơn. Tâm trạng háo hức hiển lộ rõ trên những khuôn mặt trẻ măng khấp khởi chờ đợi nhân vật chính xuất hiện. Quang cảnh không khác trong các bộ phim thần tượng của Hàn Quốc bao nhiêu.
Những người không theo dõi âm nhạc tuổi teen sẽ khó có thể biết được Jun Phạm là ai. Chàng trai sinh năm 1989 này là thành viên của nhóm 365 - "gà nòi" của nữ ca sĩ/diễn viên/nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và cũng là nhóm nhạc thần tượng duy nhất còn lại tại Việt Nam - sau một thời gian âm nhạc boyband nổi lên và lại thoái trào.
Jun Phạm với cuốn sách in bản đầu 10.000 - một con số đáng mơ ước với nhiều nhà văn Việt Nam |
Jun Phạm tên thật là Phạm Duy Thuận, vốn là sinh viên Đại học Kinh tế trước khi gia nhập nhóm 365. Những người có định kiến với thế giới showbiz sẽ ngạc nhiên trước đều này: chàng trai 25 tuổi có kiến thức nền tảng khá vững, nói lưu loát tiếng Nhật và hiện đang theo học tiếng Thái Lan. Jun Phạm yêu thích văn hóa, con người Nhật Bản, và là một "con mọt sách" trong giới showbiz. Anh đặc biệt yêu thích sách của Murakami Haruki và dường như cũng hiểu được điểm mạnh và điểm yếu trong văn phong của tác giả này.
Jun Phạm thổ lộ, trước đây anh "là một người thích kinh doanh, thích nấu ăn, và sau đó trở thành một người thích hát. Bây giờ không hiểu sao lại muốn trở thành người thích viết, nhưng cuối cùng cũng chỉ là một người thích mộng mơ". Jun Phạm đã ra mắt cuốn sách đầu tay "Nếu như không thể nói nếu như" (2012) và trở thành bestseller năm đó. Cuốn sách đã tái bản trên 10 lần, lọt vào Top 10 cuốn sách bán chạy nhất trong hội chợ sách Tp HCM 2014. Tháng 8/2014, Jun Phạm lại tiếp tục xác lập thêm một cột mốc mới, 10.000 bản in đợt đầu tiên cho cuốn sách thứ 2 - "Có ai giữ giùm những lãng quên".
Không thể phủ nhận một lượng fan khoảng gần 1 triệu trên Facebook của 365 đã đóng góp đáng kể vào con số này, nhưng công bằng mà nói, sách của Jun Phạm không phải là thứ đáng để đem ra mỉa mai về cái gọi là "thị trường sách". So với những cây bút được xếp cùng dòng như Anh Khang, Hamlet Trương hay Iris Cao, Jun Phạm đã đi xa hơn những bè bạn của mình.
Lựa chọn cách hành văn không hoa mỹ mà đi theo hướng chân thực, giàu cảm xúc và suy ngẫm về tình người, nhưng cũng nhẹ nhàng, pha chút hóm hỉnh dễ thương, "Có ai níu giùm những lãng quên" rất biết tiếp cận những xúc cảm đời thường theo một cách rất "người", rất nhân văn, tha thiết với con người và xã hội.
Có thể thấy 3 mảng chính được đề cập trong tập tản văn này: gia đình, xã hội và tình yêu đôi lứa. Trong đó phần gia đình và xã hội, Jun Phạm đã xây dựng được một thế giới riêng, góc nhìn riêng, làm rõ được cá tính của mình.
Trong cuốn sách, anh kể lại (và cũng là muốn giữ lại) những hồi ức bên người thân, đặc biệt là những kỉ niệm về người mẹ đã mất. Hiện tại Jun Phạm nói người anh yêu nhất là cha mình. |
Người đọc sẽ thấy bất ngờ khi biết một ca sĩ thần tượng lại có cái nhìn rất chậm, trân trọng quá khứ, trân trọng những khoảnh khắc nghèo đói trong gia đình, dám đề cập đến tình yêu đất nước, cái nghèo của một tầng lớp người dân trong xã hội - cũng như sự vội vã, bàng quan và bi quan đang xâm lấn trên mảnh đất Sài Gòn. Có thể kể đến "Bà chính khách điên", "I'm from Vietnam", "Biết đủ để hạnh phúc" hay "Té ra con chị cũng có tên cơ đấy!". Cũng không thể không nhắc đến những đoạn viết về người mẹ đã khuất của Jun, thấm đẫm tình yêu và sự tiếc nhớ khoảng thời gian không bao giờ trở lại - như tác giả nói là "có bao nhiêu tiền cũng không mua được".
Kí ức nặng, chất chứa cả buồn/vui/hạnh phúc, nhưng tác giả trẻ tự nhắc mình sẽ luôn mang theo trong hành trang của cuộc đời. Vì anh cho rằng "Quá khứ là một điều cần phải lưu giữ dù muốn dù không, bởi đó là gốc rễ, là nguồn cội cho những thăng hoa của cuộc đời. Tôi không quên rằng mình đã đánh mất đi rất nhiều thứ mà chẳng thể quay đầu lại nhặt".
Trích tản văn: "I'm from Vietnam" Tôi chẳng biết người khác như thế nào? Chứ riêng bản thân tôi mà đi ra nước ngoài, có người nào khen tôi giống Hàn Quốc là tôi cảm thấy vô cùng sỉ nhục. Tôi sẽ nói với họ ngay tôi là người Việt Nam và người Việt Nam ai cũng sạch sẽ và tươm tất như thế. Chứ không phải đen đuốc, gian trá mới là người Việt Nam. Tôi cũng vô cùng ghét giới trẻ ngày nay luôn miệng chê bai giống nòi bằng câu cửa miệng: "Việt Nam mà anh! Việt Nam mình là vậy!". Nó như thể một câu nói khẳng định dân tộc ta là một dân tộc bất tài. Trong khi cùng một câu nói: "Hàn quốc mà anh! Nhật Bản mà chị! Singapore mà em!" lại hoàn toàn khác nhau về nghĩa. Quái lạ thật! Thay vì nói câu: "Việt Nam mà anh! Việt Nam mình là vậy!" thì có thể dùng câu: "Từ từ Việt Nam sẽ như người ta thôi!" hoặc "Rồi có ngày nước mình sẽ thay đổi!", có phải câu nói trên vừa mang ý nghĩa chấp nhận cái sai của mình một cách nhẹ nhàng mà cũng bao hàm ý nghĩa nước ta sẽ không ngừng phát triển từng ngày sao! Có một cô giáo mà tôi vô cùng yêu quý đã từng nói với tôi rằng: "Con đừng bao giờ chê bai bản thân mình, nếu con làm vậy thì chẳng ai tôn trọng con cả". Điều này thật đúng với bản thân mà cũng đúng cho cả một dân tộc. |
Hồ Hương Giang