– Theo nhạc sĩ/ca sĩ Thanh Bùi thì vấn đề bản quyền ở nước ngoài rất được coi trọng, được sự bảo vệ từ chính phủ.
Vấn đề bản quyền ở Việt Nam rất nghiêm trọng
Là một nhạc sĩ từng làm việc nhiều năm với thị trường âm nhạc quốc tế, anh thấy vấn đề bản quyền ở nước ngoài như thế nào?
Bản quyền ở nước ngoài, đặc biệt là những nước có nền âm nhạc phát triển như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Úc đều rất được chú trọng. Chính vì thế mà các trung tâm bảo vệ bản quyền lớn đều thuộc chính phủ, họ có quyền lực rất mạnh. Chỉ cần sử dụng một ca khúc không xin phép là đi tù như chơi. Chính điều này đã giúp cho người nhạc sĩ đảm bảo được sức sáng tạo của mình.
Ví dụ với bản thân Thanh, với 30 ca khúc được bán cho các nghệ sĩ quốc tế, cứ 3 tháng Thanh lại nhận được tiền đổ về tài khoản một cách đều đặn và không thiếu một đồng nào. Điều này mang đến cho Thanh sự ổn định về tài chính, nhờ vậy mà mình mới có động lực để tiếp tục viết nhạc.
Thực ra, một số quốc gia xung quanh khu vực Đông Nam Á cũng có những vấn đề nhất định về bản quyền, nhưng không nghiêm trọng như Việt Nam. Tuy nhiên, họ nhận ra được rằng mình có vấn đề và đang cố gắng tháo gỡ những vấn đề đó.
Anh có thể chia sẻ cách mà anh làm việc cùng với các cơ quan bảo vệ bản quyền?
Thế này nhé, Thanh có một người quản lý, người này cũng đồng thời làm quản lý cho một loạt các nhạc sĩ khác như Thanh. Ví dụ, khi đối tác bên Hàn Quốc có một dự án âm nhạc mới và cần bài, họ sẽ liên lạc với quản lý. Sau đó, người quản lý sẽ gom bài từ những nhạc sĩ của mình, trong đó có Thanh.
Giả sử sáng tác của Thanh được chọn sử dụng thì bản quyền bài hát đó sẽ được đưa vào hệ thống bảo vệ của APRA (Hiệp hội bảo vệ quyền biểu diễn Úc). Hiệp hội này sẽ là cơ quan làm việc trực tiếp với một Hiệp hội có chức năng tương tự bên Hàn Quốc để thu tiền từ bản quyền ca khúc của Thanh từ thị trường này.
Tất nhiên, khoản tiền sau khi thu về sẽ được chia đều cho những cá nhân, tổ chức có liên quan chứ Thanh không được nhận hết. Ngoài ra, với mỗi sáng tác của Thanh thì vai trò người quản lý cũng rất quan trọng, bởi đây là người đã góp phần đưa nó đến với công chúng. Do đó, liên quan đến vấn đề bản quyền của nó luôn phải có đủ chữ ký của cả hai người, nếu không là ra tòa đó (cười).
Quá trình này nghe thì có vẻ phức tạp nhưng vì tất cả mọi người đều làm việc rất chuyên nghiệp, lại có sự bảo vệ chặt chẽ từ chính phủ thế nên hoạt động rất trơn tru, không có vấn đề gì cả. Tiền cứ đều đặn mà vào tài khoản thôi.
5 tỉ đồng cho một ca khúc
Ở nước ngoài, người ta định giá tiền bản quyền của ca khúc như thế nào?
Thực ra, mỗi nước sẽ có một cách tính riêng. Ví dụ như ở Hàn Quốc, vì CD bán chạy nên phần trăm tiền bản quyền thu được từ việc bán đĩa rất là cao. Hoặc là ở nước ngoài, vì radio rất phổ biến, thế nên mỗi khi ca khúc được phát trên kênh này thì số tiền trả về cũng khá. Với các nhạc sĩ/nhà sản xuất hạng A, người ta tính 250.000 USD (5 tỉ đồng) cho việc sáng tác, sản xuất một ca khúc là chuyện bình thường. Sau đó, người ta vẫn được nhận thêm tiền hoa hồng bản quyền. Thậm chí, hoa hồng một bài “Top 1 hit” của thế giới có khả năng lên tới 5 đến 10 triệu USD cũng không có gì lạ.
Đã quen với cách làm việc ở nước ngoài như vậy, khi trở về Việt Nam anh có cảm thấy bỡ ngỡ, hẫng hụt?
Ngạc nhiên thì có, nhưng bức xúc thì không. Bởi đây là một thị trường âm nhạc hoàn toàn mới, không thể so sánh được với những thị trường đã có 70, 80 năm hoạt động ổn định được. Hơn nữa, nếu mình cứ ôm cái tâm trạng tiêu cực thì không thể làm được việc gì.
Nhưng Thanh tin là mọi chuyện sẽ thay đổi. Bởi 3 năm trước, không ai hỏi Thanh về vấn đề này cả, còn giờ thì khác. Cần phải có thời gian.
Theo anh, sự lộn xộn về vấn đề bản quyền ở Việt Nam hiện nay mang đến những tác hại như thế nào?
Nhiều tác hại lắm. Đầu tiên, những người nhạc sĩ sẽ không còn sức sáng tạo, không còn đam mê với công việc của mình nữa. Khi đó, họ làm việc như trả bài vậy, viết cho nhanh để kiếm tiền, rồi lại tiếp tục viết. Điều này sẽ khiến cho chất lượng các tác phẩm không được cao, dẫn đến giới trẻ sẽ quay lưng lại với chính âm nhạc nước nhà.
Là người làm việc với trẻ em hằng ngày, tôi nhận thấy rất rõ thực trạng này. Các em bảo chỉ thích nghe nhạc nước ngoài, hoặc là nghe lại nhạc xưa vì nó hay.
Bên cạnh đó, các nghệ sĩ nước ngoài dù rất muốn nhưng cũng sẽ không làm việc với chúng ta. Năm ngoái, ca khúc Where did you go wrong do Thanh và 3 người bạn đồng sáng tác, thu âm trong hơn 4 tháng, sau khi ra mắt đã trở thành hit. Tuy nhiên, số tiền thu về từ ca khúc này rất ít. Với Thanh thì không sao, vì mình hiểu. Nhưng với những người bạn của Thanh thì khác, số tiền đó không xứng với công sức mà họ bỏ ra. Do đó, họ thà viết cho đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản còn hơn, vì thù lao rất xứng đáng.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ!
Linh Phạm