- Vở múa Sương sớm, từng được khán giả đón nhận vào năm 2011 - 2012, bất ngờ trở lại với nhiều mới mẻ qua phần nhạc "sống" mang hơi thở đương đại, cùng mục tiêu dài hơi nhằm tạo điểm đến giới thiệu nghệ thuật Việt cho du khách.
Những gì thể hiện trên sàn tập trước ngày trở lại cho thấy, mọi hồn vía của vở diễn trước tiếp tục được giữ lại. Chỉ trong chừng 60 phút, Sương sớm khuấy động mọi giác quan từ âm thanh, hình ảnh đến mùi vị, đưa người xem trôi bồng bềnh về một miền quê sống động với những con người cần cù trong lao động và mê đắm, thủy chung trong tình yêu. Họ vắt kiệt sức mình trên ruộng đồng để một ngày tiếng chày giã gạo vang lên khắp nơi báo hiệu hội mùa rộn rã tươi vui lại đến.
Một cảnh trong vở múa Sương sớm. |
Trong vẻ đẹp nửa thực nửa mơ, miền quê mà Sương sớm tái hiện có lẽ gần với ký ức hơn là thực tại. Nhưng đồng thời, lại là lời ngợi ca phổ quát, tới những miền văn minh lúa nước, nơi có nỗi khắc khoải mong chờ của tình yêu đơn sơ mà chân thành, có tiếng ru ngọt ngào của người mẹ, người chị, người em, có bàn tay vun xới ruộng đồng tốt tươi. Đây đó lướt qua trên sân khấu và thoáng qua tai, là hình ảnh dung dị của chén cơm, đôi đũa, tiếng chổi sớm, tiếng nước đọng sau hè hay mùi nhang chùa lãng đãng.
Trong lần trở lại này, Sương sớm đặt mục tiêu sẽ "sống" lâu hơn trên sàn diễn. Câu chuyện rõ ràng là không đơn giản ở khả năng tiếp cận khán giả lẫn phân phối vé của nhà sản xuất. Nhưng ngay bản thân người sáng tạo và trình diễn cũng nhận thực vở múa cần phải có sức sống nội tại của chính nó, để tất cả không trôi đi theo quỹ đạo làm xơ cứng mọi cảm xúc, hay nói cách khác là diễn thuộc lòng theo kiểu "trả bài".
Đạo diễn Tấn Lộc, người dựng vở cùng với ba biên đạo là Ngọc Anh, Ngọc Khải, Thanh Phương, cho biết nhân tố mới đưa vở diễn trở lại sân khấu lần này là cơ chế ứng tác giữa dàn diễn viên và dàn nhạc. Thay vì múa trên nền nhạc thu sẵn, gần 20 diễn viên của vũ đoàn Arabesque sẽ phải "đối thoại" và thấu hiểu được những âm thanh, tiếng đàn thoát ra dưới bàn tay của bốn nhạc công.
Và ngược lại, âm nhạc cũng tìm thấy nguồn cảm hứng qua diễn biến của câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ múa đương đại, vốn rất giàu tính thể hiện. Đạo diễn âm nhạc - nhạc sĩ Nhất Lý cho biết việc ông đang làm là rất đặc biệt đối với một vở múa, dù ông đã từng làm với các loại hình nghệ thuật khác. Trong Sương sớm, ông thu âm lại cả những tiếng động trên sàn tập để sử dụng cho vở diễn. Những âm thanh điện tử và các nhạc cụ dân tộc (sáo, tiêu, khèn, đàn tranh...) cũng được ông hòa thanh để thể hiện những thang âm Nam bộ.
Dưới sự chi phối của cơ chế ứng tác, sự cộng hưởng giữa ngôn ngữ hình thể và nhạc "sống" được kỳ vọng sẽ tạo ra bất ngờ ngay trong từng đêm diễn. Sáng tạo của cả ê kíp trình diễn từ đó được phát triển qua sự hợp tác, đồng thời mang lại những sắc thái biểu cảm khác nhau ngay trong từng đêm diễn. Có lẽ đây cũng chính là điều mà khán giả mong đợi, vở diễn sẽ không trở thành một phiên bản "chết" ngay trong đêm đầu công diễn và sẽ có sức sống hơn qua thời gian.
Dưới đây là một số hình ảnh do ê kíp dựng vở cung cấp:
Minh Chánh