- "Đài TH cần quảng cáo để nuôi đài. Công ty quảng cáo thì bất cần chất lượng, miễn có spot quảng cáo để lấy lợi nhuận", nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn nói.
Không đủ quảng cáo, phim đừng mơ lên sóng
Phim dở, người trong cuộc có hay?
Khán giả "phát điên" vì phim Việt
Phim TH: Vết thương cũ trên cơ thể bệnh tật
Quyền Linh: sợ phim Việt chẳng còn dám diễn
Rùng hết cả mình vì phim Việt
Phim Việt mất giá
Không cần chất lượng, chỉ cần
lợi nhuận
Với tư cách là một nhà biên kịch, theo dõi các bộ phim truyền hình phát sóng gần đây, ông có thấy đúng là một bộ phận lớn đang rất có vấn đề về khâu kịch bản như nhiều người nhận xét không?
Theo dõi các diễn đàn, tôi thấy
khán giả phản ứng là đúng chứ không có gì là sai hết. Do số lượng phim truyền
hình đang bùng nổ một cách quá sức trong khi người làm lẫn phương tiện, sự đầu
tư đều ít. Từ 300 tập/năm, hiện nay cả nước sản xuất gần 2000 tập phim thì làm
sao có người kịp được. Vấn đề đó cách đây vài năm thì rất quan trọng nhưng bây
giờ nó lại nằm ở chỗ khác. Đó là tất cả đều bị chi phối bởi spot quảng cáo. Do
đó, có những phim rất dở nhưng lại phục vụ đúng yêu cầu quảng cáo nên đương
nhiên nó chiếm lĩnh ở các giờ vàng.
Điều này không thể đổ lỗi cho
nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên được bởi đây là mối quan hệ giữa đài truyền hình và
các công ty quảng cáo. Đài TH cần quảng cáo để nuôi đài. Công ty quảng cáo thì
bất cần chất lượng, miễn có spot quảng cáo để lấy lợi nhuận. Chính đó mới là cái
chuẩn và dựa trên cái chuẩn đó, họ chi phối chuyện làm phim. Nếu không coi
chuyện quảng cáo là gốc thì không thực tế vì nói thật là đài cũng phải có thu.
Nhưng nếu coi việc lấy spot quảng cáo để nuôi đài mà loại trừ tất cả các yếu tố
khác đi thì là mình đã đi giật lùi rồi.
Nhưng đây lại đang là thực tế
nhức nhối, khi spot quảng cáo là tiêu chí số 1?
Qua Huyền sử Thiên đô (NBK
Nguyễn Mạnh Tuấn là tác giả kịch bản của phim này - PV), tôi có cơ hội tiếp cận
với tất cả các đài, chủ yếu là hai đài truyền hình tại TP.HCM và HN mà ở đây là
VTV. Họ không cần chất lượng. Xét về góc độ chính trị, họ nói nào là phim phải
phục vụ chính trị, xã hội. Đó là họ nói thế thôi nhưng trên bàn nói chuyện sòng
phẳng với nhau về việc phát phim thì chỉ có lợi nhuận.
Họ nói Bí thư tỉnh uỷ rất
hay, không có vấn đề gì cả nhưng Bí thư tỉnh uỷ tôi phát, tôi lỗ. Còn
Cô gái xấu xí bị phản đối không ít nhưng mỗi lần phát sóng tôi thu 1 tỉ. Họ
lấy cơ sở đó ra thì mình chẳng cãi được vì quyết định giờ vàng không phải ông
Tổng giám đốc hay ông Tổng biên tập mà là bộ phận kinh doanh, khai thác phim
truyện của Đài. Mà họ thì không đặt vấn đề chất lượng lên trên.
Cảnh trong "Chạy án", một trong những bộ phim truyền hình được đánh
giá tốt.
Các anh các chị nói phim phải có
chất lượng nhưng khi phát sóng, mỗi phim các anh các chị bảo hay mà chúng tôi
đều bù lỗ vài trăm triệu trong khi đó theo chỉ tiêu của nhà nước, mỗi năm chúng
tôi phải nộp bao nhiêu tiền, lại phải nuôi quân của đài mà lại chỉ chiếu những
phim như Bí thư tỉnh uỷ thì không được. Đây chính mới là cái gốc của vấn
đề.
Từ 300 tập phim sản xuất mỗi năm
mà tăng lên 2000 tập thì chắc chắn là phải khủng hoảng thiếu rồi. Nhưng quan
trọng nhất bây giờ là nhà đài và các công ty quảng cáo đang thao túng. Họ đặt ra
tiêu chí phim làm ra không phải để tuyên truyền mà là khẳng định sự lựa chọn của
họ. Do vậy những phim nhà nước bỏ tiền ra đầu tư như Bí thư tỉnh uỷ bây
giờ rất hiếm. Những phim đó nếu phát lên mà không có quảng cáo thì chỉ có lỗ đến
đại lỗ. Bởi vậy họ sẽ chỉ thiên về dòng giải trí.
Vừa rồi có một số đạo diễn nói
rằng phim có nội dung giáo dục, tuyên truyền xã hội là thứ yếu mà giải trí mới
là chính vì phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong... cũng lấy tiêu chí giải trí
lên hàng đầu. Nói thế là không đúng. Tiêu chí giải trí được đặt lên hàng đầu
nhưng phim của họ đều đạt chất lượng giáo dục hết. Anh nói phim Hàn chỉ có giải
trí là không đúng vì tỉ lệ phim giải trí tào lao của họ chiếm tỉ lệ rất thấp còn
phim đạt chất lượng, có ý nghĩa giáo dục và có tác động tích cực trong xã hội
rất nhiều. Còn phim giải trí của mình là nhí nhố.
Công ty quảng cáo không cần
những bộ phim đứng đắn
Đề cập đến góc độ biên kịch.
Làm biên kịch cần nhiều kinh nghiệm sống, sự trải nghiệm và khả năng viết tốt
mới có thể cho ra những kịch bản có tác động xã hội. Trong khi đó hiện nay có
quá nhiều nhà biên kịch mới ra trường, viết lách chưa đâu vào đâu, kinh nghiệm
sống chưa nhiều. Ông nhìn nhận như thế nào về lực lượng biên kịch trẻ hiện nay
cũng như kịch bản phim giai đoạn này?
Nếu quan tâm đến văn học bạn sẽ
thấy trong văn học, những mô típ về văn học cũng cạn rồi. Lượng mô típ trong
phim truyền hình nhiều tập lại ngốn rất nhanh vì mỗi tập phải có một mô típ, các
mô típ này lại liên hệ với nhau. Do vậy nó mới dẫn đến tình trạng không chỉ VN
mà cả thế giới bây giờ đều cạn đề tài. Khi bùng nổ sáng tác, kịch bản của thế hệ
trẻ, đầu tiên khi các em mới xuất hiện thì rất sinh động do họ mang vốn sống tự
nhiên vào kịch bản còn về mặt mô típ cũng không mới.
Ví dụ như Phía trước là bầu
trời chẳng hạn. Đó là một bộ phim rất sinh động. Ưu thế của các cây bút trẻ
là nắm được kỹ thuật rất nhanh. Có khi họ cũng chẳng học trường nào đâu, chỉ cần
xem vài bộ phim là nắm được kỹ thuật rồi nên viết rất nhanh, rất khoẻ. Nhưng sau
giai đoạn trình bày những vốn sống của anh thời sinh viên, trong những nhà trọ
thì cần kiến thức, vốn sống nhiều hơn khi chuyển sang viết kịch bản về những vấn
đề khác. Hết vốn thì nhai lại. Nhai lại mà tay nghề không cao thì sẽ nhàm.
Điều quan trọng nhất khi đề tài đã mòn, cấu trúc cũng đã cạn thì anh cần kiến thức cao hơn và vốn sống rộng hơn. Vốn sống để cuộc sống trong tác phẩm rộng hơn. Còn kiến thức để phân tích, lý giải, tổng hợp để người xem tâm phục khẩu phục. Nếu không có những điều này thì tất cả sẽ nhạt nhoè, gò gượng, sống sít thôi. Các biên kịch trẻ phải tự ý thức về việc đó.
Nhiều người cũng có ý thức đấy
nhưng khi đơn đặt hàng quá nhiều, nhiều hơn cả thời gian để họ nạp điện nên họ
cứ cắm đầu cắm cổ viết. Vài ba ngày viết xong một tập mà mỗi tập được trả 5-6,
thậm chí 10 triệu thì tội gì mà phải dừng để nạp. Do vậy có thể thấy các nhóm
biên kịch bây giờ đa phần viết cẩu thả và có dấu hiệu cạn vốn. Không ai giáo dục
được điều này hết vì lợi nhuận có tác dụng kích thích rất mạnh.
Do vậy muốn đạt đến chất lượng
tốt nhất thì phải nhờ vào cửa nhà đài. Phải có một quan điểm khác đi về chuyện
phát sóng phim. Nếu vẫn còn lấy lợi nhuận từ quảng cáo làm gốc thì không làm
cách nào được. Khi những phim vớ vẩn mà vẫn lên sóng được thì một là những bộ
phim này vẫn tiếp tục xuất hiện, hai là những phim tử tế, phim hay không có đất.
Mà các công ty quảng cáo cũng không cần những bộ phim đứng đắn. Họ chỉ cần những
phim nhí nhố mà ở trong đó dứt khoát phải có những em chân dài có tên có tuổi để
dễ có quảng cáo.
Thương hiệu Adidas
thấp thoáng trong phim Saigon Yo!
Ngay cả những người tâm huyết bây
giờ cũng không thiên về sản xuất phim có đầu tư lớn nữa vì những phim như vậy
muốn phát sóng rất khổ sở như trường hợp của Huyền sử Thiên đô chẳng hạn.
Họ lấy lý do là phim của anh đầu tư lớn quá. Nếu phim của anh làm 200 triệu mỗi
tập thì có 100 tập tôi cũng phát. Còn phim của anh 1 tỷ mỗi tập thì phát sóng là
tôi lỗ. Bởi chuẩn ăn chia bây giờ thường là 180 triệu/tập nên làm quá lên thì
anh lãnh đủ.
Với cách làm ăn như thế này thì
các nhà đầu tư làm phim lớn không làm vì nếu đầu tư lớn thì chỉ có lỗ. Các đài
họ không hề thông cảm với anh chuyện anh đầu tư lớn hay không. Họ chỉ quan tâm
đến việc anh đầu tư càng ít càng tốt và bán quảng cáo càng nhiều càng tốt.
Vậy theo ông, nguyên căn dẫn đến việc cho ra lò hàng loạt bộ phim truyền hình yếu kém hiện nay là nằm ở đâu?
Chúng ta bàn về đạo diễn, diễn
viên, biên kịch.. đều không sai nhưng chìa khoá để mở vấn đề ở đây là mối quan
hệ giữa lợi nhuận và nhà đài mà lợi nhuận ở đây là các công quảng cáo. Do vậy ở
nước ngoài họ không để các công ty quảng cáo sản xuất phim. Còn ở mình, khi các
công ty quảng cáo sản xuất phim thì tất nhiên họ phải làm phim thiên về quảng
cáo.
Hạnh Phương