Toyota Classics 2014 sẽ kỉ niệm một phần tư thế kỷ ra đời bằng với sự trở lại tối 18/11 tới đây tại Nhà hát TP.HCM, trong chuỗi lưu diễn tại 7 quốc gia châu Á. Năm nay, lần đầu tiên, bên cạnh âm nhạc cổ điển “tinh tuyền” với Mozart, chương trình sẽ bày thêm “món” mới gây không ít tò mò và cả tranh cãi…

Sau những Dàn nhạc Vienna, Dàn nhạc giao hưởng Đông bắc Đức, Dàn nhạc thính phòng Praha…, lần này linh hồn của đêm nhạc là Dàn nhạc giao hưởng Covent Garden Soloists  tới từ Nhà hát Giao hưởng vũ kịch Hoàng gia London – Vương quốc Anh, cùng nhạc trưởng bậc thầy người Tây Ban Nha.

{keywords} 

Nghệ sĩ Pamela Tan Nicholson - mẹ và là người ảnh hưởng tới phong cách biểu diễn của thần đồng violon Vanessa Mae.

Điều đáng nói ở đây là, trong mỗi chương trình của dàn nhạc Giao hưởng Covent Garden Soloists, diễn xuất, thời trang, thậm chí cả công nghệ được sử dụng nhiều cách khác nhau, tạo thành một cuộc “phiêu lưu”- đây sẽ là điều mới lạ với công chúng âm nhạc cổ điển tại Việt Nam. Chương trình còn có sự kết hợp của cặp song tấu độc đáo Pamela Tan Nicholson (mẹ và là người ảnh hưởng tới phong cách biểu diễn của thần đồng violon Vanessa Mae) và Vasko Vassilev (được xem là thần đồng violon ở Bulgaria), trong những bản nhạc phim được chuyển thể. Và cũng là lần đầu tiên ở sân khấu cổ điển Toyota, những bản concerto nhạc phim sẽ được trình diễn cùng với sự hỗ trợ của hiệu ứng ánh sáng ấn tượng- vốn chỉ quen thấy trên các sân khấu nhạc giải trí!

Chính bởi điều này, chương trình chưa khai màn, đã gây nhiều tò mò, thậm chí tranh cãi trong giới mê cổ điển. Không ít dân cổ điển toàn tòng lắc đầu : tôi chỉ thích truyền thống. Nhưng một bộ phận khác hồ hởi, họ thích thông điệp văn hóa được gợi lên từ “thực đơn” gia giảm này : “Cổ điển là của mọi người”. Chẳng xa xôi gì, mới đây, “ông hoàng” Richard Clayderman tới Hà Nội, mang theo một thứ âm nhạc cổ điển phái sinh. Richard có hàng triệu người hâm mộ, nhưng cũng có một số không nhỏ nhất định từ chối ! Những cuộc “đối đầu” thú vị này không chỉ có ở Việt Nam.

{keywords} 

Tháng 7 vừa qua, tờ Telegraph của Anh quốc cho biết thánh đường nhạc cổ điển Royal Albert Hall năm nay, với phần biểu diễn của Dàn nhạc Hoàng gia London, đã cháy vé với những đêm giao hưởng biểu diễn… nhạc phim. Cùng với đó là câu tuyên bố của ông giám đốc điều hành nhà hát, Jasper Hope : “Những nhà soạn nhạc phim phải được đối xử ngang bằng như Mozart hay Tchaikovsky”. Trước đó hai năm, nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng Colin Eatock đã từng viết “Trong thế giới phương Tây ngày nay, nhạc cổ điển không chỉ đơn thuần bị khủng hoảng về tính đại chúng, mà còn bị khủng hoảng về mục đích và tính chính thống”.  

Và chính Jasper Hope đã nói rằng, sự phổ biến nhạc phim trong các chương trình biểu diễn cổ điển đã phần nào giúp chính âm nhạc cổ điển vượt qua được sự khủng hoảng về doanh thu và khán giả. 5 đêm liên tiếp diễn tác phẩm nhạc trong phim West side story đã không còn chiếc vé nào. Và đặc biệt hơn, chính khán giả mới là những người yêu cầu nhà hát Royal Albert phải diễn lại sau thành công vang dội lần đầu vào năm 2012. Nhà hát Royal Albert vừa làm xong lịch diễn nhạc phim cho cả hai 2 năm 2014 và 2015 và lượng vé bán ra rất tốt.

Nhưng cũng trái khoáy một điều là cuối năm 2013, đã nảy ra một cuộc tranh luận khi kênh Radio 3 của BBC phát nhạc phim truyền hình và điện ảnh như Doctor Who, Star Wars và The Good, the Bad and the Ugly trong nhạc mục của mình. Lập tức sau đó một nhóm 720 người ký tên gửi thư  cho Tổng giám đốc của BBC, Tony Hall, nói rằng “Radio 3 đã đánh giá thấp sự hiểu biết của công chúng” !

{keywords} 

Tuy vậy, các  nhà nghiên cứu cũng đang chỉ ra rằng nhạc phim, với những tác giả nổi tiếng như Ennio Morricone, Francis Lai, Hans Zimmer, Nino Rota, James Horner, Howard Shore, John Williams…, hoàn toàn tương đồng đối với một số tác phẩm của những nhà soạn nhạc cổ điển trứ danh, “y hệt như một ai đó đã viết nhạc cho opera hay ballet cách đây 200-300 năm”.

Ở “tuổi” 25, Toyota Classics dường như đang “trẻ” lại với các yếu tố giao thoa giữa cổ điển truyền thống với các yếu tố đương đại trong nhạc mục cũng như trong phong cách trình diễn sẽ xuất hiện trong đêm nhạc ngày 18/11 tới đây. Năm nay, đại diện duy nhất của Việt Nam cũng là một tài năng rất trẻ-nghệ sĩ sáo flute Nguyễn Ly Hương, giải nhất tại cuộc thi sáo quốc tế lần thứ nhất-2013 tại Nam Ninh, Trung Quốc. Toàn bộ số tiền bán vé của chương trình được dành trọn cho quỹ Học bổng Toyota Hỗ trợ Tài năng trẻ Âm nhạc Việt Nam.

{keywords} 

Nghệ sĩ sáo flute Nguyễn Ly Hương

Với những chương trình “trẻ” và “mới” này hy vọng công chúng sẽ đến gần hơn với cổ điển và đó cũng là một cách hay để cổ điển tránh mắc kẹt trong truyền thống của chính mình.

Minh Nguyễn