Chuyện trong tiểu thuyết “Đồi cát bay” quẩn quanh với mấy đứa trẻ nhếch nhác và mấy người đàn bà trên cát, trong bụi bặm suốt ngày này qua tháng khác một cách vô vọng thế mà đọc không dứt ra được.

Ai đã đi qua chỗ này vùng kia, nay cầm trên tay một tập sách viết về nơi ấy, hẳn đều dội lên một ý nghĩ: Đọc thử xem xem có giống như mình đã biết, đọc xem bây giờ ở nơi ấy ra sao…

Có thể nói ngay là “Đồi cát bay”, cuốn tiểu thuyết mới ra mắt của Phạm Thị Bích Thủy không khác lắm với những gì tôi đã thấy. Nếu có khác là ở chỗ tôi và chúng ta không phải người sáng tác, nên bao nhiêu cảnh và người với đôi ba mẩu chuyện mà ta biết, thì đã thành những ký ức tản mạn, và nhiều khi các ký ức này làm mình nhớ nghĩ miên man không đầu không cuối, ít hệ thống….

Còn Bích Thủy là nhà văn, chị không như vậy. Nói cách khác, thì cảnh và người với chuyện ở Mũi Né đã được chị kể lại, dựng lên từ một cái nhìn khác ta, với một chủ đích rõ ràng. Những cảnh và người với các chuyện ấy, thoạt đầu, với chị ngỡ như cũng là thấy đâu, nghe gì thì nhớ và ghi lại thế đã, như là một tạp ghi tạp cảm – một thứ ghi chép, bút ký du lịch thôi. 

Nhưng khi viết ra, để thành tiểu thuyết thì tư duy thể loại và thông minh có tính chất bản năng của một cây viết truyện, một cây tiểu thuyết ở chị đã đưa dẫn chị đến cái công đoạn rất ban đầu, và chị thực hiện rất thành công, đó là lựa chọn chi tiết của cảnh quan, của những gương mặt con người với những câu nói, cái nhìn, bước đi… của họ khi họ kể chuyện nhà mình, đời mình, mà dựng thành truyện, thành tiểu thuyết 'Đồi cát bay' như ta đang đọc đây.

Bởi thế mà đọc tiểu thuyết “Đồi cát bay”, ta như được gặp lại người này, cảnh này, chuyện này mà vẫn thấy lạ, định dừng lại để lúc khác đọc tiếp (vì cuốn sách đến với mình cũng tình cờ, mình đang làm dở việc trong kế hoạch), nhưng rồi không dừng được, lại đọc. Tác giả đã chích, chạm vào cái tò mò của người đọc à? Bích Thủy đã kích thích và kéo dứt được người đọc ra khỏi cái đang có đang làm đang hiện hữu của người ta à?

{keywords}

Gọi là gặp lại, khi ta đọc “Đồi cát bay”, nhưng ngẫm thêm, cũng có thể nói ta biết thêm khi đọc cuốn tiểu thuyết gọn ghẽ, mạch lạc… mà nếu chỉ nhìn mục lục, đôi khi ta dễ nhầm lẫn rằng đây là tập truyện ngắn. Riêng việc cấu trúc tiểu thuyết theo lối này – cái lối tưởng như lỏng lẻo của ghi chép bút ký, nhưng chúng lại rất có tác dụng khi nói với người đọc rằng: Đây toàn là chuyện có thực, “Đồi cát bay” là tiểu thuyết của ngày hôm nay, nó là đương đại từ nội dung đến nghệ thuật – một phần của nghệ thuật dựng tiểu thuyết đấy nhé!

Cái cấu trúc thật sự mạch lạc mà làm ra vẻ như ghi chép người thực việc thực của Đồi cát bay được triển khai dần qua các nhóm nhân vật chính là Mỹ Tiên và con gái là Bé Rùa bị liệt, là Út lớn và mẹ với mấy anh em trong nhà, dì Lượm bán bánh bột lọc với mẹ Út lớn và mẹ con bà Hai Ù, rồi thầy giáo Phước Thiện với bọn trẻ đi cho thuê tấm gỗ trượt và ông cán bộ phường,rồi người đàn bà và mấy đứa trẻ ở Kenya.

Có chính có phụ, và như không thể thiếu một ai, không để thừa một ai, tất cả các nhân vật ấy, qua tay tác giả,đã gặp nhau, trò chuyện hỏi han nhau, bàn bạc với nhau mà làm nổi bật lên một tư tưởng chủ đề rất đương đại, biểu hiện ở bãi cát Mũi Né Việt Nam, ở cả những thị trấn xóm làng tận đất nước Kenya bên Châu Phi xa xôi rằng: Không đi học thì biết làm chi! Không đi học thì biết chi mà làm!

Nếu ta nhớ rằng sinh thời, nhà cách mạng Nelson Mandela, Tổng thống kính mến của Cộng hòa Nam Phi từng nói: “Giáo dục là vũ khí quyền lực nhất làm thay đổi thế giới”, thì ta sẽ có thể nghĩ rằng tiểu thuyết “Đồi cát bay” được dẫn dắt từ tư tưởng này của ông chăng? Rằng sau, và trong lời kể chuyện tưởng là nhẩn nha, khách quan của Phạm Thị Bích Thủy, cuốn tiếu thuyết này quả thực có tính cách luận đề chính trị - xã hội theo cái cách riêng của nó?

Đói nghèo là do dốt nát, dốt nát là bởi không học hành. Luận điểm này đã được nhiều người biết, đã được các bậc đi trước đem ra nhắc cháu con. Đọc “Đồi cát bay”, tôi cũng thấy như vậy, nhưng còn thấy nhiều hơn, là: Sự lười biếng, chỉ trông chờ ỷ lại vào viện trợ cho không mà ăn, với sự giả dối và tham lam… cũng là cội nguồn của nghèo đói tới mức vô phương cứu chữa. 

Trong truyện, tác giả kể lại không biết đến mấy lần cảnh mẹ thằng Út lớn dặn anh em nó là hễ gặp khách du lịch thì cứ nói: "Dạ, nhà con nghèo, ba con chết rồi, con phải ra đây cho thuê tấm…”, để khách sẽ mủi lòng mà cho tiền. Bọn trẻ cứ theo nhau nói thế. Riêng Út nhỏ, mới năm sáu tuổi, cũng nói vậy nhưng không nhận tiền người ta cho vì nó chưa thấy người ta thuê ván trượt cát của nó, nó cứ thấy “sao sao” trong người.

Cả bọn trẻ rồi người lớn thấy thế đều kêu lên: "Thằng ni ngu, người ta thương người ta cho tiền mà không lấy mới ngu chớ”. Vậy là ở đây một chú bé có mầm thiên lương, ý thức công bằng và tự trọng đã bị coi là ngu! Không biết còn ở đâu nữa, có chuyện trẻ em không được đi học, không biết” cái chữ là cái chi”, “tại răng mà phải đi học nạ?”, lại đã được dạy cách ăn xin như vậy!?

Nhà văn còn kể là sau khi đã xua mấy đứa con cả ngày ra chầu chực trên đồi cát nóng hầm hập và mờ mịt gió bụi để chờ khách du lịch đến thuê ván trượt chơi, thì mấy bà mẹ của chúng tụm lại với nhau trò chuyện, chơi bài, rồi nấu một nồi cơm với nồi canh đầu cá để cả nhà ai đi đâu về lại tự lấy ăn – ngày nào cũng vậy. ”Không đi cho thuê ván trượt, bay lấy chi mà ăn!” Họ không hề nghĩ là còn họ, họ đã làm gì? Chẳng rõ Bích Thủy có nhớ đến vợ chồng Tênacđiê và cô bé Cô zét trong “ Những người khốn khổ “ khi dựng lại cái cảnh đau thương và đáng giận này không?

Các nhà nghiên cứu đã có dịp nói về một số đặc điểm của nghệ thuật tiểu thuyết gần đây với các tên gọi này kia. Một trong những đặc điểm ấy là sự dung nạp của yếu tố kịch bản điện ảnh trong cấu trúc của tiểu thuyết chăng? Chẳng hạn, trong các mạch truyện tỏ ra ổn định, đều đều dễ sa vào đơn điệu của “Đồi cát bay”, dễ bị nhàm khiến người ta buông sách không đọc nữa bởi trong đó có nhiều đoạn đối thoại dùng nhiều từ, cụm từ đặc rặt tiếng địa phương, tác giả đã có dụng ý dựng lướt qua cảnh một cụm nhà lều lô nhô ở Busia bên Kenya, cảnh mấy con phố được kéo dài bởi những khu nghỉ dưỡng đẹp đẽ mà xa lạ với cư dân bản địa ở Mũi Né Việt Nam, thì có những đoạn – cảnh đặc tả như thế này:

“Mỹ Tiên nhìn quanh thấy phía sau chiếc giường là cái bếp củi, xung quanh la liệt nồi xoong chảo đen sì, cách đó không xa có mấy chiếc can nhựa cũ đựng nước. Mấy con gà chạy lung tung giữa đám nồi xoong và can nước, vừa đi vừa cục cục gọi nhau vừa ỉa soẹt soẹt. Một con gà bỗng nhiên hứng chí nhảy vào cái chảo để trên mặt đất mổ cái gì đó cốc cốc rồi ỉa đánh soẹt vào cái chảo đó.

- Sao không đuổi gà ra chỗ khác đi bác?

- Đuổi mãi cũng không được đó cô! Mặc nó vậy! Khi nào nấu ăn thì rửa, không lại mất công!

- Sao ban trưa mà đèn vẫn sáng vậy bác? Mình không tắt đi à?

- Dạ không! Có một cái bóng tắt làm chi, cô! Cứ để sang rứa luôn, tắt đi chi cho mất công, cô!

- Ở đây mình có trồng rau gì được không bác?

- Dạ không, cô! Nhà ni tui ở là người ta muốn thu lại chỗ đất ni, trồng rau rồi người ta thu lại thì thành ra lại mất công…

- ……….

- Thế các anh chị có đi làm gì không hả bác?

- Thì ai thuê cái chi thì làm cái nứ, đi làm hồ, đi đốt than, đi cạy sò đó cô. Mẹ con nhà con Bàu thì đi ôm tấm ở trên tê. Ngày mô kiếm được nhiêu thì ăn từng đó, khổ lắm cô ơi!

- Sao mình không đi làm bánh hay bán đậu hũ như chị Lượm, chị Tư đây hả bác?

- Không có vốn, cô ơi. Với lại tui bị đau chân, còn những đứa ni thì cũng có chi thì làm thôi. Đi bán bánh hay bán đậu hũ thì ngày nào cũng phải đi đều, vậy cũng mất công lắm! Có chi làm lấy không thích thì thôi khỏi mất công đó cô”

Đây là một trong những đoạn ngắn mà “nói” được rất nhiều gợi cho người đọc suy tưởng gần xa, như chính Mỹ Tiên đã thảng thốt kêu lên khi cô gặp cảnh tương tự ở Kenya dạo trước:

“Tương lai con sẽ đi về đâu với một người mẹ như vậy?Lớn lên con sẽ sống thế nào nếu hôm nay con có một người mẹ như vậy? Hai mươi năm sau cuộc đời con sẽ ra sao với một người mẹ như vậy?”

Đối lập với những phụ nữ như mẹ con bà cháu nhà Hai Ù hay mẹ của Út lớn là dì Lượm. Người mẹ này một mình thức khuya dậy sớm làm bánh bột lọc bán để nuôi cả hai con đi học, nhiều lúc mệt mỏi, ế hàng, dì cứ tâm niệm mấy câu giản đơn mà chắc chắn như chân lý của những người đảm lược luôn dồi dào đức tính vị tha là:”Mình cứ ráng là nó xong, cứ cố là nó xong! Mẹ thì phải lo cho con đi học. Ráng là nó xong!”. 

Mỹ Tiên còn hơn thế, cô không chỉ biết dạy cho con tập giơ tay, tập đứng và tự đi, rồi đến lớp đã học giỏi như các bạn…, cô còn luyện cho con ý chí vươn lên, quyết không cam chịu tật nguyền, để sống bình đẳng thật sự như các trẻ khác. Cô dày công như vậy, là bởi vì cô vẫn nghĩ:” Điều gì con người làm được thì mẹ sẽ làm cho con, bé bỏng ạ.”

Những trang viết về hai người mẹ này thật sự gây xúc động, chúng như những mảng màu sang tươi đặt cạnh nhiều trang u ám bức bối kia. Có các nhân vật vật này với những trang đoạn này, Tiểu thuyết “Đồi cát bay” trở nên cân đối hơn như chính cuộc đời vẫn có người này và kẻ nọ, có buồn bực và cả niềm tin yêu.

Viết về trẻ em với các lời ăn tiếng nói và cử chỉ hành động của chúng cũng là một thành công của tác giả. Đây là đoạn thằng Út lớn vui quá là vui khi biết là ngày mai nó được cô Mỹ Tiên cho mẹ nó tiền để nó được đi học:

“Nó ngồi lui vào trong góc gần bếp, lẳng lặng giở cuốn sách Tiếng Việt lớp một ra nhìn, ngắm. Nó lẩm nhẩm nhìn tranh rồi đọc vẹt mấy bài mà nó rất thích:

“Có ngàn tia nắng nhỏ/ Đi học sáng hôm nay/ Có trăm trang sách mở/ Xòe như cánh chim bay”.

Nó cứ lẩm nhẩm đọc đi đọc lại: "Tia nắng sao đi học ta? Trang sách giống cánh con chim!” – nó thấy sung sướng vô cùng. "Tia nắng đi học/ Trang sách cánh chim – Đẹp rứa chứ! Nó thầm thì nói với chính mình…. Nó lẳng lặng trèo lên giường của sáu má con nó, nằm ép vào góc sát đuôi giường rồi nhắm mắt lại. 

Nó thấy thích cô tóc ngắn. Nó thấy cô tóc ngắn đang dắt tay đứa con gái áo hồng ra Đồi cát gặp má nó ngày mai. Nó nhớ đến anh Hai. Nó thấy thương anh Hai quá, chỉ tại anh Hai không biết chữ mà phải chết! Rồi nó lại nghĩ đến tia nắng; ”Tia nắng đi học sao ta? Tia nắng! Trang giấy! Trang giấy cánh chim!”. Nghĩ miên man nó thiếp đi, miệng bỗng nở nụ cười trên khuôn mặt rạng rỡ đang ngủ ngon lành.

Trích ra đây một số đoạn nữa, chắc sẽ là dài, tôi muốn lưu ý bạn đọc, hãy chú ý ở các trang khác như: Trang 98 đến trang 101 – cuộc đối thoại giữa cán bộ phường với thày giáo mù Phước Thiện, mà thật ra là sự đe dọa của Phường, khiến việc dạy học của ông cho bọn trẻ nghèo đành phải bỏ.

Đoạn từ trang 107 đến trang 132 – như một truyện ngắn khá hoàn chỉnh kể chuyện Hai Hơn đi xin việc làm mà không được. Một ngày, trên đường về nhà đói mệt rã rời, khát quá, nhặt lên”một cái gì đó”,”lắc lắc rồi đút túi quần”, vì không biết chữ, không đọc được, Hai Hơn đã uống rồi ngộ độc thuốc sâu trong đó mà chết tức tưởi.

Như thế, Đồi cát bay chủ yếu là kể chuyện buồn đau thương tiếc trong cái vòng luẩn quẩn: nghèo đói – tranh giành – dối lừa – thất học – không làm gì được – nghèo đói…., rồi nổi lên từ đó, tất nhiên, là số phận bế tắc của những con người mà không còn là người, là cái ý nghĩ: vai trò của người quản lý, của các cấp chính quyền để đâu rồi? Người này thì vô cảm bất lương, kẻ kia thì biếng nhác và giả dối…khiến nhiều đứa trẻ đã không còn tuổi thơ mà tất tưởi vì miếng ăn của mình và cho người lớn nên chết dần trong dốt nát, tức tưởi…Tại sao vậy?

Chuyện trong tiểu thuyết “Đồi cát bay” chỉ có thế, rất quẩn quanh với mấy đứa trẻ nhếch nhác và mấy người đàn bà trên cát, trong bụi bặm suốt ngày này qua tháng khác một cách vô vọng, thế mà đọc không dứt ra được. Truyện có dư ba, ám ảnh, chắc là do cách viết, thuật dựng cảnh, như phim mà không phải là phim, mơ màng phiêu du thấp thoáng, trần trụi nhức nhối thì nhiều. Mới là tập sách thứ hai mà được thế, là chắc tay và có triển vọng đấy.

Nhà phê bình Nguyên An