Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân từng là một đào hát nổi danh với khuôn mặt khả ái và giọng hát đến mê lòng người. những năm gần đây, bà cùng em gái là nghệ sĩ Thanh Đào sống cảnh nghèo khó nay đây mai đó, sáng bán vé số, chiều lượm ve chai.
Ngôi sao sân khấu cải lương
Đến khu vực chợ Rạch Ông (Quận 8, TP.HCM) hỏi nghệ sĩ Trang Thanh Xuân hát nhạc cải lương, ai cũng lắc đầu không biết. Nhưng hỏi về một bà lão mỗi buổi sáng đi khắp chợ bán vé số, ai nấy đều cười bảo: “À bà lão sáng nào cũng đi bán vé số cùng cô em gái. Nhưng họ chỉ bán buổi sáng, đi lượm ve chai buổi chiều”.
Người đẹp năm xưa nay là một bà lão đeo kính, trên đầu đội chiếc mũ vải cũ rích, mặt nhăn nhó đau đớn bước từng bước nặng nhọc. Ngồi lật lại từng trang ảnh trong cuốn album, bà giới thiệu từng tấm ảnh được chụp khi nào, ở đâu.
Đáng chú ý nhất là hàng trăm mẩu báo lớn nhỏ vàng ố được cắt ra từ những trang báo ngày xưa. Bà nở nụ cười đau đớn: “Tôi của ngày xưa đấy”.
Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân tên thật là Lê Thị Thanh Xuân, sinh năm 1953 tại Sài Gòn, trong một gia đình có ba mẹ đều theo gánh hát. Nhờ dòng máu nghệ thuật của cha mẹ, bé gái đã có năng khiếu hát từ nhỏ.
Cô bé ngày đó dám bỏ cả việc học để theo đuổi niềm đam mê của mình, bất chấp bố mẹ cấm cản, bởi họ đã trải qua và hiểu được cái bạc bẽo của kiếp cầm ca.
Những bài báo một thời lăng xê cô đào cải lương mới nổi
Mười bốn tuổi, Trang Thanh Xuân đã bước lên sân khấu. Hai năm sau đó, cô trở thành đào chính trong những gánh hát lớn. Ngày đó tên tuổi nghệ sĩ Thanh Xuân chỉ đứng sau các ca sĩ nổi tiếng như Minh Vương, Bạch Lê, Thanh Kim Huệ…Cô đào Trang Thanh Xuân được nhắc đến nhiều nhất với vai Bạch Thanh Nga trong vở “Máu nhuộm sân chùa” hát chung với Minh Tâm, Vũ Linh.
Năng khiếu giọng hát bẩm sinh với làn hơi cao vút, truyền cảm, cùng nét diễn xuất chững chạc đã giúp cô đào có chỗ đứng vững chắc trong làng ca hát. Nhiều người đã đặt cho cô cái tên “Xuân Lệ Thủy”, bởi giọng hát của cô phảng phất cách phát âm của cô đào Lệ Thủy nức tiếng thời ấy.
Không chỉ vậy, vẻ đẹp của cô được nhiều tờ báo ngày xưa ví von “hoa nhường nguyệt thẹn”. Khuôn mặt trái xoan thánh thiện, làn da trắng hồng, thân hình mảnh mai cân đối rất ăn ảnh, “ăn” ánh đèn sân khấu.
Thiếu nữ ngày ấy là “ngôi sao” nhiều đoàn hát phải săn đón. “Ngày xưa mỗi khi diễn xong, khán giả ở dười hò hét vỗ tay rần rần, thấy hãnh diện vô cùng”, bà nhớ lại.
Cô đào Trang Thanh Xuân xinh đẹp nổi như cồn, xuất hiện trên hàng loạt trang báo với tư cách đào trẻ triển vọng, hứa hẹn trở thành gương mặt sáng giá. Đời ai học được chữ ngờ. Thanh Xuân phát hiện mình bị bệnh tim, sức khỏe ngày một yếu, không thể thường xuyên đứng trên sân khấu.
“Bị bệnh bao giờ tôi cũng không biết, chỉ thấy người mệt, hay bị mất hơi nên mới đi khám. Nghe bác sĩ thông báo, tôi ngã quỵ ngay giữa hành lang bệnh viện. Suốt nhiều ngày sau đó tôi không ăn không ngủ chỉ đóng cửa phòng, khóc cạn nước mắt”, kể đến đây, bà quay mặt sang hướng khác, vén vạt áo lau vội nước mắt.
“Hồng nhan bạc phận”
Cùng lúc đó, dòng nhạc cải lương dần suy thoái, những khán giả ngày xưa đam mê là vậy nay bỗng đã quay lưng để đi theo những dòng nhạc đang lên khác. “Thấy thời thế thay đổi, mình còn mang bệnh tật, tôi quyết định giải nghệ”, bà chia sẻ.
Nghệ sĩ Tranh Thanh Xuân cùng em gái Thanh Đào sống lay lắt trong căn phòng trọ 6m2
Xa rời ánh đèn sân khấu, cô đào xinh đẹp quay trở về cuộc sống đời thường trong tâm trạng hụt hẫng không biết làm công việc gì kiếm sống. Từ nhỏ đến lớn cô chỉ biết khoác lên mình những bộ xiêm áo lộng lẫy, hát cho khán giả nghe những câu chuyện tưởng tượng. Tranh Thanh Xuân bấm bụng rong ruổi đẩy xe khắp Sài Gòn bán bắp nướng, bánh chuối chiên.
Không bao lâu, bệnh tình tái phát không thể đi lại được nhiều, bà chuyển nghề bán vé số. Hơn 15 năm nay, tại chợ Rạch Ông, người dân đã quen với hình ảnh hai người phụ nữ lớn tuổi sáng bán vé số, tối nhặt ve chai.
Hiếm ai biết được họ là những nghệ sĩ cải lương có tiếng ngày xưa. Hàng ngày hai chị em bán được 40 - 50 tờ vé số, lời vài chục ngàn, trang trải vô số khoản từ tiền ăn, tiền phòng đến thuốc men.
“Hồng nhan bạc phận”, cả hai nữ nghệ sĩ nay đã tuổi già sức yếu nhưng họ chưa bao giờ được hưởng cái cảm giác hạnh phúc khi được chồng yêu thương, nghe tiếng líu lo gọi mẹ của con trẻ. Thắc mắc lý do tại sao hai chị em bà có vẻ đẹp mặn mà, ngày xưa được nhiều chàng trai chết mê chết mệt nhưng lại lựa chọn cuộc sống độc thân?
Bà không trả lời. Lẩm nhẩm một bài báo ngày xưa viết về bà: “Người con gái ấy là nghệ sĩ đang lên Trang Thanh Xuân, dù chưa một lần nào nếm hương vị tình yêu, nhưng vẫn cho tình yêu là những cái gì kỳ ảo, nên thơ, cay đắng lẫn ngọt bùi mà người ta không thể dùng văn chương bút mực nào nói được. Nàng đã làm thần tượng cho người khác trồng cây si đến độ điên cuồng mù quáng, dám hi sinh tất cả những gì để đổi được hai tiếng “yêu em””… Bà lặng lẽ quay đi, giấu nước mắt.
Theo Pháp luật VN