- Hơn 1 tỷ đồng tiền nhạc chuông điện thoại mà Teen vọng cổ mang về cho chủ nhân của nó, theo như lời rỉ tai của giới âm nhạc tại TP.HCM, quả là con số gây ấn tượng.



Tác phẩm bị công chúng chê bai và ném đá có khi lại là... điều tốt lành, ít nhất là trên mục tiêu thương mại và tạo tên tuổi. Thành công bất ngờ của những “thảm họa” âm nhạc khiến những ông bầu – đang nắm trong tay hàng loạt giọng ca cần bơm thổi tên tuổi – có cơ sở để đặt niềm tin như vậy.

Một giải thưởng âm nhạc gây tranh cãi khi trao giải một trong 10 ca khúc của năm cho Teen vọng cổ, ca khúc bị gọi tên là "thảm họa Vpop". (ảnh Khải Trí)


Trường hợp của Friday rõ ràng gợi nhớ rất nhiều đến những ca khúc bị dán nhãn “thảm họa” nhạc Việt trong thời gian gần đây. Từ chốn vô danh, nhiều ca sĩ trẻ bỗng dưng được khán giả nhớ tên không bởi nhạc phẩm của họ xuất sắc, mà bởi chúng có thể khiến người ta thấy vui vì những trò “nhí nhố không giống ai” diễn ra trong bài hát.

Chẳng hạn như chêm câu vọng cổ vào ca khúc pop (Teen vọng cổ), chèn hip hop vào nhạc bolero (Tiền hip hop) hay phong cách trình diễn vui nhộn (Nói dối)…

Hơn 1 tỷ đồng tiền nhạc chuông điện thoại mà Teen vọng cổ mang về cho chủ nhân của nó, theo như lời rỉ tai của giới âm nhạc tại TP.HCM, quả là con số gây ấn tượng.

Chưa bao giờ các thế hệ người nghe nhạc Việt lại có khoảng cách lớn đến vậy trong cách chia sẻ, nhìn nhận chung về giá trị giải trí của âm nhạc. Trong bối cảnh này, người ta không loại trừ khả năng té nước theo mưa, cố tình quăng vào âm nhạc những trò nhảm nhí nhất, gây sốc nhất theo công thức “hãy hát dở nhất khi bạn không thể hát hay nhất”, trên con đường mưu cầu danh lợi.

Cùng với ca khúc Teen vọng cổ, ca sĩ trẻ Vĩnh Thuyên Kim được trao giải ca sĩ triển vọng


Với riêng người trong cuộc, chọn con đường nổi tiếng bằng cách biến mình thành trò cười, sẵn sàng hứng chịu mọi bình phẩm của đám đông là một trò chơi nguy hiểm. Bởi thời gian sẽ trả mọi thứ về đúng với giá trị của chính nó, chỉ còn người trong cuộc là riêng đối diện với chính cuộc đời mình và những người xung quanh, sau tất cả những gì đã “đóng góp” cho đời.

Và trong thời của những lời chế giễu ẩn danh trên mạng, bất kỳ ai cũng có thể trở thành một phần của văn hóa chia sẻ để cùng cười chê bai và chế giễu những đoạn video trên mạng. Đôi khi, đây cũng là trò đùa tàn nhẫn, nếu như đối tượng của những lời bình phẩm lại là những người trẻ có ước vọng lập thân trong sáng và chính đáng.

Chính văn hóa chia sẻ video trên mạng dường như đang tạo chỗ đứng cho những sản phẩm dưới đáy của cái dở, mặc dù ngược lại, nó cũng lưu giữ những đỉnh cao của cái hay.

Liêu Đông