- Những bài học điện ảnh ngoài trường lớp hết sức giản dị nhưng quý giá dành cho những nhà làm phim trẻ Việt Nam đang nuôi giấc mơ thực hiện những bộ phim thoát khỏi "đường làng". 

Đỗ Hải Yến mặc áo trong suốt đi đón Phillip Noyce



Nổi danh từ nghề phu đào cống

Không chỉ mang đến khẩu khí của một nhân vật cỡ bự từ Hollywood hào nhoáng, trong những ngày ở TP.HCM, đạo diễn Phillip Noyce còn kể những câu chuyện nhẹ nhàng và bài học giản dị.

Trong âu chuyện đó, đạo diễn Phillip Noyce hiện lên từ một thanh niên Australia 18 tuổi, bắt đầu làm phim với kinh phí 5 - 10 đô la Úc. Đó còn là một công nhân Phillip Noyce đi đào cống để có tiền làm phim, tìm cách chiếu phim có bán vé từ thời sinh viên. Gã trai trẻ "phu đào cống" ấy rốt ruộc đã đưa mình vượt ra khỏi đường làng, với đích đến là cả một đại lộ mênh mông mang tên Hollywood. Ngày mà chàng trai đến từ xứ sở chuột túi chính thức chinh phục khán giả khắp thế giới, tuổi của anh đã chạm mốc 40.

Đạo diễn của "Salt" chia sẻ kinh nghiệm, kỷ niệm thú vị về những chuyến làm phim của mình một cách nhẹ nhàng, hài hước và đầy đam mê. Có lẽ đây sẽ là những bài học điện ảnh ngoài trường lớp hết sức giản dị nhưng quý giá dành cho những nhà làm phim trẻ Việt Nam đang nuôi giấc mơ thực hiện những bộ phim để thoát khỏi "đường làng". Phillip Noyce khuyên họ: “Hãy nghĩ đến khán giả, hãy yêu câu chuyện của mình, bằng không, đừng làm phim”.

Phát hiện về "loại tiền mới" trong công nghệ làm phim

Nhưng làm sao thực hiện được một bộ phim? “Điều quan trọng nhất là ý tưởng của bạn, tiền không quan trọng, ý tưởng chính là loại tiền tệ mới trong công nghệ làm phim ngày nay. Hãy mơ ước và thực hiện ước mơ của mình, không có lý do gì để trốn tránh”, Phillip Noyce mách nước.

Để nói ra điều này, chàng trai Úc mê làm phim năm xưa vào đạo diễn nổi tiếng của Hollywood bây giờ, đã trải qua nhiều thử thách. Nếu chẳng may thất bại sau bộ phim đầu tay thực hiện vào năm 18 tuổi và bỏ cuộc, Noyce bây giờ có lẽ quanh quẩn đâu đó ở miền quê Griffith nước Úc. Phillip Noyce đáp lại giả thiết: “Tôi sẽ bắt đầu lại, sẽ đi xin tiền để làm phim, tự tạo rạp chiếu phim trong giờ ăn trưa ở trường đại học hay những quán cà phê, tìm cách quảng bá cho bộ phim của mình”.
Hãy nuôi dưỡng các ý tưởng, đầu tư thành kịch bản và học cách tiếp thị chúng với các nhà đầu tư. Nếu có kịch bản tốt trong tay, mọi người sẽ lắng nghe bạn”. Phillip Noyce đưa ra một lý giải mà những nhà làm phim Việt Nam cũng nên tham khảo cho câu hỏi lâu nay vì sao phim Việt dở. Đó là: một đạo diễn dở có thể làm ra bộ phim hay, diễn viên tồi cũng không ảnh hưởng nhiều chất lượng của bộ phim, nhưng không thể có một phim hay nếu kịch bản kém.
PR giỏi, phim dở khán giả cũng đến xem

Thành công ở vai trò đạo diễn, cũng như một số tên tuổi khác tại Hollywood, Phillip Noyce còn là một nhà sản xuất giỏi. Trong buổi gặp gỡ giới làm nghề Việt Nam ngày 28/5, ông đã chia sẻ sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của đội ngũ quản lý sản xuất (production) và kinh doanh (marketing) đến sự thành công, thất bại của một dự án phim.

Phillip Noyce so sánh vai trò người sản xuất như động cơ của con tàu, trong khi đạo diễn là thuyền trưởng. Theo diễn giải của Noyce, người ta đi trên tàu sẽ không thấy động cơ nhưng nhờ có nó, con tàu mới có thể nhổ neo, chạy tốt và cập bến đúng thời gian. Không có bộ phận tổ chức sản xuất, bộ phim không thể hoàn thành. Nhưng vị đạo diễn dày dạn nhắc rằng, đừng nghĩ mình là thuyền trưởng, mà hãy là động cơ tốt giúp thuyền trưởng vận hành con thuyền.

Vị đạo diễn kỳ cựu nhiều lần trở lại vì nặng lòng với điện ảnh Việt Nam

Nhà làm phim đến từ nền điện ảnh hàng đầu thế giới một lần nữa chạm vào sự loay hoay của những người làm phim Việt Nam, khi nói về phim nghệ thuật và thương mại. Phillip Noyce là đạo diễn thành công ở cả hai dòng phim này, nếu muốn chia danh mục phim của ông theo hai cách nhìn nhận "bom tấn" hay "vị nghệ thuật". Phillip Noyce đưa ra chân lý giản đơn nhưng không phải ai cũng thực hiện được (đâm ra lại loay hoay tự vấn): Phim nghệ thuật hay thương mại không quan trọng, quan trọng là làm sao để khán giả phải xem phim của mình.

"Nếu không xem phim của bạn, khán giả sẽ tiếc cả đời, bạn phải đưa thông điệp này đến họ. Việc này tùy thuộc vào tài năng của người làm kinh doanh truyền thông, đặc biệt trong công tác tiếp thị quảng bá". Đạo diễn của "Người Mỹ trầm lặng" đưa ra thông tin mà hẳn nhà làm phim chuyên nghiệp nào ở Việt Nam cũng biết, nhưng chưa thể làm nổi: "Ở Hollywood, nếu làm một bộ phim với kinh phí 39 triệu đô la, thì cũng cần bỏ ra chừng đó tiền để làm PR. Khán giả sẽ đến xem phim hay của bạn làm, nhưng họ cũng sẽ đến xem một phim dở nếu PR giỏi!".

1 phút thuyết phục để được làm bộ phim 100 phút
Đạo diễn Phillip Noyce đã thực hiện nhiều phim có sự góp mặt của các ngôi sao, như Angelina Jolie trong "Salt" (Điệp viên) và "The Bone Collector" (Kẻ sưu tập xương người), Nicole Kidman trong "Dead Calm" (Sự im lặng chết người), Michael Caine trong "The Quiet American" (Người Mỹ trầm lặng)... Với kinh nghiệm sống trong guồng máy công nghiệp điện ảnh kiếm tiền đúng nghĩa, Noyce khẳng định, tên tuổi các ngôi sao chính là điều kiện để nhà đầu tư chấp nhận một dự án làm phim, “chỉ cần các ngôi sao gật đầu, nhà đầu tư sẽ thò tay vào túi”.

Đạo diễn Phillip Noyce đang hướng dẫn diễn xuất cho Angelina Jolie trong bộ phim đình đám - "Salt"

Tuy nhiên, với trải nghiệm tìm vốn làm một bộ phim không có ngôi sao để “bảo chứng”, như "Rabbit-Proof Fence" (Hàng rào ngăn thỏ), ông chia sẻ một cách thức khác, giống với cách PR quảng cáo gây chú ý cho bộ phim: làm cho công chúng tò mò và háo hức đón chờ xem phim của mình. Ông tuyển diễn viên rầm rộ, thuê người thiết kế talk show về bộ phim, thuê nhiếp ảnh gia chụp ảnh hậu trường phim thật đẹp để bán, làm trailer ấn tượng... và đã thu về 16 triệu USD trước khi phim hoàn thành!

"Một khi tạo được làn sóng đó, nhà đầu tư lẫn nhà phát hành sẽ chấp nhận móc hầu bao đầu tư hoặc mua phim của bạn ngay cả khi phim chưa bấm máy". Gắn bó với Hollywood 20 năm, ngoài tuân thủ công thức "có ngôi sao", Phillip Noyce còn chia sẻ việc muốn tác phẩm gây chú ý bằng cách chuyển thể các tác phẩm văn học đình đám hoặc đưa lên phim một sự kiện có thật gây xôn xao dư luận. "Đó là cách bạn thuyết phục các nhà đầu tư, bộ phim bạn làm ra đã có sẵn một lượng khán giả".

Có thể lời hứa của Noyce rằng sẵn sàng đọc nếu kịch bản của các nhà làm phim trẻ người Việt được gửi đến mình giống một lời động viên hơn. Nhưng cách vị đạo diễn "cáo già" bày vẽ đường vào túi tiền của các hãng phim, là rất thật, đúng với phong cách của một nhà làm phim Mỹ thực tế, một bài học không chỉ dành riêng cho các nhà làm phim trẻ: "Nếu các nhà đầu tư không cho bạn làm phim 100 phút, hãy tự làm phim 1 phút để thuyết phục họ, rằng bạn có đủ khả năng làm một bộ phim 100 phút".
V.T