– Ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, Đỗ Nhật Nam đã được hun đúc một tình yêu bất tận đối với sách.
Thà bỏ quần áo chứ nhất định không bỏ sách
Trước ngày Đỗ Nhật Nam trở về nước, mẹ của em – chị Phan Hồ Điệp đã đăng tải một câu chuyện vui trên facebook về việc “thần đồng nhí” đã khổ sở thế nào trong việc chuẩn bị hành lý về nhà.
Trong đoạn chia sẻ có tên Chọn sách này, chị viết: “Ra đến sân bay, hành lý của Nam quá cân nên phải mở ra để bỏ bớt.
Giữa phi trường, bạn ấy ngồi bần thần trước cái valy, nhặt từng thứ, nâng lên đặt xuống: Này là quà cho mẹ, quà cho bố, quà cho mọi người, này là sách, quần áo... lựa lựa, chọn chọn, mồ hôi ròng ròng.
Sau rồi bạn ấy nói: Cháu để lại quần áo. Vì cháu chắc quần áo về Việt Nam, mẹ cháu sẽ mua lại được. Cháu không muốn bỏ lại sách”.
Đỗ Nhật Nam và mẹ, chị Phan Hồ Điệp |
Đoạn status ngắn này đã nhanh chóng thu hút được đông đảo sự chú ý của các ông bố bà mẹ trẻ. Ngoài việc ngưỡng mộ tình yêu dành cho sách của Đỗ Nhật Nam, không ít người tỏ ra băn khoăn trong việc làm sao để con trẻ yêu và trân trọng những cuốn sách.
Những băn khoăn này đã được chị Phan Hồ Điệp giải đáp phần nào tại buổi ra mắt bộ sách mới của cả gia đình. Theo đó, ngay từ khi còn đang nằm trong bụng mẹ, cả chị và anh Thảo (bố Nhật Nam) đều đã chăm chỉ đọc sách cho cậu con trai đầu lòng.
Chị bảo, việc đọc sách ở thời điểm này đã có những tác động nhất định tới em bé. Bằng chứng là khi Nam ra đời, được nghe lại những câu chuyện mà bố mẹ kể trước đó, em đã có phản ứng lại với những câu văn quen thuộc qua anh mắt, cử chỉ của mình.
Sau này, lúc Nam lớn hơn, anh chị luôn dạy con trai mình biết ơn và trân trọng những cuốn sách. “Mỗi khi cất sách, Nam đều nói lời cảm ơn sách về những gì mình đã đọc, đã học. Chúng tôi muốn Nam coi sách như một người bạn thân thiết của mình”, chị Điệp cho biết.
Trong gia đình Đỗ Nhật Nam, nơi đã chứng kiến nhiều những khoảnh khắc vui vẻ nhất của cả nhà chính là phòng đọc sách. Và món quà mà Nam muốn được nhận nhất từ bố mẹ cũng chính là những cuốn sách.
Tiếp tục những câu chuyện vui về tình yêu đặc biệt này của Nhật Nam, chị Điệp bảo Nam rất tiết kiệm trong quá trình sống và học tập ở Mỹ. Nếu như Nam có xin tiền bố mẹ thì cũng chỉ là để mua sách. Và mới 9 tháng đi học nơi xứ người, Nam đã có một tủ sách mà nếu muốn chuyển đi đâu thì phải dùng xe tải mới chở hết.
Ở trường, Nam cũng là một trong số những học sinh nhẵn mặt tại thư viện. Nam đến thư viện nhiều đến nỗi các nhân viên thủ thư ở đây không chỉ quen mặt em mà còn ưu tiên nhập những cuốn sách mới của các tác giả gốc Việt để em đọc cho vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Bỗng nhiên muốn… làm thơ
Gia đình Đỗ Nhật Nam trong buổi giới thiệu bộ sách Tròn một vòng yêu thương. |
Chính nhờ tình yêu đối với sách, Đỗ Nhật Nam đang dần trở thành một người viết sách chuyên nghiệp. Mới 14 tuổi, em đã là tác giả của ba cuốn tự truyện Tớ đã học tiếng Anh như thế nào, Những câu chữ biết hát, Bố mẹ đã cưa đổ tớ đồng thời là dịch giả của bốn tác phẩm Mặt trời mọc, mặt trời lăn, Nạp điện, Tôi tư duy, tôi thành đạt và Sống đẳng cấp.
Không dừng lại ở đó, Đỗ Nhật Nam còn khiến chính những người gần gũi với em nhất phải bất ngờ khi bắt tay vào sáng tác thơ trong thời gian đi học bên Mỹ. “Hôm đó con ở nhà một mình và nhớ nhà kinh khủng. Thế rồi con chợt nghĩ tại sao mình không gửi cảm xúc của mình vào những câu thơ cho nguôi ngoai. Nghĩ là làm, con bắt đầu làm thơ từ đấy”, cậu bé được nhiều người gọi là thần đồng đã chia sẻ như vậy về cái duyên đến với thơ ca của mình.
Sau bài thơ đầu tiên viết tặng mẹ, Đỗ Nhật Nam liên tục cho ra đời những áng thơ về gia đình, về cuộc sống, về tất cả những cảm xúc riêng của em bằng một lối viết giàu hình ảnh, vừa trong sáng nhưng lại không kém phần chững chạc. Gom tất cả những sáng tác ấy lại, Nam đã bổ sung vào tủ sách của mình tập thơ có tên Đường xa con hát.
Không chỉ là tập thơ đầu tay của Đỗ Nhật Nam, Đường xa con hát còn là một cuốn trong bộ sách Tròn một vòng yêu thương. Hai tác phẩm còn lại trong bộ sách này là Yêu thương mẹ kể của mẹ Nam – chị Phan Hồ Điệp và Tròn một vòng yêu thương của bố Nam – anh Đỗ Xuân Thảo.
Dù văn mỗi người một vẻ, lối thể hiện cũng hoàn toàn khác nhau, nhưng cả ba tác phẩm đều được viết dựa trên yếu tố đã gắn kết tất cả các thành viên trong một gia đình với nhau đến trọn đời. Đó là tình yêu thương.
Linh Phạm