- Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, tác giả kịch bản của phim "Huyền sử thiên đô" vô cùng bức xúc khi bộ phim bị ngưng chiếu ở tập 20 để nhường sóng cho một bộ phim khác về Lý Công Uẩn.
Cảm giác của ông thế nào khi đứa con tinh thần trọn vẹn của mình chỉ đến được với khán giả trong 20 tập phim trong tổng số 42 tập đã sản xuất của 70 tập phim trên kịch bản?
- Đứng ở góc độ tác giả kịch bản, nếu phim được phát sóng cả 70 tập thì tôi rất mừng. Nhưng bản thân mỗi tập phim đã có tính độc lập và phim chia thành 4 phần rõ ràng. 20 tập đầu tiên thuộc phần 1 và coi như xong. Nên ra được phần nào thì mừng phần đó. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lại ở phía người xem. Nếu bộ phim này dở hay cỡ tầm tầm thôi thì 10 tập cũng nên dừng và tác giả phải thừa nhận chuyện thất bại về phía mình. Nhưng nếu người xem còn hào hứng và cần xem thì phải quan tâm đến điều đó chứ không phải cắt cụt bộ phim đi. Làm như vậy thì uy tín của nhà đài sẽ mất, nếu đây là một bộ phim tốt.
Cảnh phim "Huyền sử thiên đô"
Ngay từ đầu ông có biết việc Huyền sử thiên đô chỉ được phát sóng 20 tập thôi không?
- Không. Chính tôi là người vận động Sao Thế Giới sản xuất bộ phim này nên việc họ liên hệ phát sóng tôi có quan tâm sát sao, thậm chí nhiều khi còn tham gia trực tiếp với họ để điều đình. Thực sự mà nói, việc để phát được 20 tập này cũng trần ai khoai củ lắm. Chúng tôi bắt đầu liên hệ với nhà đài từ tháng 6 năm ngoái nhưng đầy khó khăn. Đến cuối tháng 10 đáng lẽ phim phát sóng để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long nhưng cũng không được.
Lý do tại sao?
- Lý do thì đủ thứ nhưng tóm lại là sự cửa quyền và tiền. Nói gọn lại như thế. Vì cửa quyền và tiền nên tự nhiên giá trị văn hoá nó rẻ mạt đi. Họ cũng chẳng cần nghìn năm Thăng Long, họ chẳng cần gì hết, họ chỉ cần tiền. Họ gây khó khăn đến mức xin phát sóng 10 tập trước vào dịp tháng 10 cũng không được, 20 tập thì lại càng không đuợc nữa. Làm xong 40 tập phim mà họ chỉ cho phát sóng 20 tập. Mà nếu họ không đồng ý như vậy cũng chết. Chính vì thế tôi khuyến khích nhà sản xuất cứ ký trước việc phát sóng 10, 20 tập đã, khi phim trình làng mà dở thì ráng chịu, nếu phim tốt thì tính tiếp. Điều đình đi điều đình lại họ cũng cho phát 20 tập. Họ lấy lý do là vì lợi nhuận chưa có, phim lịch sử đầu tiên của VN phải được thử thách...
Điều này cực kỳ vô lý vì dù lý do gì đi chăng nữa thì anh cũng phải thông cảm cho nhà sản xuất. Họ bỏ cả núi tiền ra thì anh cũng phải cho họ thu hồi vốn. Thứ hai, lúc nào anh cũng bảo phim lịch sử Việt Nam không có, chất lượng kém, không đầu tư lớn nhưng khi người ta dám đầu tư lớn, phim có chất lượng tốt thì anh làm mình làm mẩy, quật người ta lên bờ xuống ruộng. Điều này cũng ví như người ta đang đẻ đã ra được nửa người thì bảo đừng kéo ra nữa. Trong trường hợp có được phát sóng cả 40 tập thì nhà sản xuất đã lỗ rồi chứ đừng nói đến việc chỉ được phát sóng 20 tập. Đến lúc phim phát sóng hơi có đà, hơi có quảng cáo thì anh lại ngắt sóng để chuyển cho người khác.
Một cảnh quay của "Huyền sử Thiên đô"
Ông có nắm được doanh thu quảng cáo của Huyền sử Thiên đô những tập gần đây?
- Giai đoạn đầu chưa đạt yêu cầu nhưng đến tập thứ 11 thì quảng cáo tương đối nhiều. Theo tôi đuợc biết thì trung bình khoảng 800 triệu đồng/tập. Người ta bỏ 1,5 tỉ đồng sản xuất mỗi tập phim, khi phát sóng lại phải nộp cho đài 40% doanh thu từ quảng cáo mỗi tập, tức là họ chỉ thu về hơn 400 triệu một chút. Như vậy là lỗ chắc rồi. 45 phút mỗi tập phim anh chỉ được 10 phút quảng cáo thì cách gì cũng không thu lãi được.
Điều đáng nói là từ tập 12 đến giờ quảng cáo đã sụt xuống vì thông tin Huyền sử Thiên đô sẽ dừng phát sóng ở tập 20 để chiếu phim Đường tới thành Thăng Long. Các nhà quảng cáo không theo phim này nữa vì họ không bao giờ ký quảng cáo 1 vài tập. Thêm một lý do nhạy cảm nữa là khi biết phim này sắp ngắt phát sóng thì họ sẽ chuyển sang ký với phim mới. Họ không cần biết lý do mà sẽ nghĩ rằng chắc phim này có vấn đề nên họ không quảng cáo nữa. Chính vì vậy phim chưa dừng phát sóng mà nhà sản xuất đã thất thu rồi.
Vậy số phận của 22 tập phim thế nào?
- Bên Sao Thế Giới cũng đang chới với vì không biết khi nào phim được phát sóng. Ngay cả khi họ không cho phát sóng các tập phim còn lại nữa thì cũng phải chịu thua. Hiện tại hai bên vẫn còn đang điều đình với nhau. 22 tập còn lại có được phát sóng hay không đến bây giờ vẫn chưa biết. Phim càng phát chậm càng chết vì không thu được hồi mà trả lãi ngân hàng.
Điều này có nghĩa gần 30 tập phim trên kịch bản ông viết sẽ không có khả năng thực hiện bởi 22 tập phim đã hoàn thành đến giờ còn chưa tìm được cửa phát sóng?
- Khả năng không sản xuất là 99%. Ngay cả khi phát hết 42 tập thì nhà sản xuất cũng không dám làm phim tiếp nữa vì giỏi lắm họ cũng chỉ thu về được 50% vốn. Phim không được chiếu thì càng không dám làm.
Ông nghĩ thế nào về việc Huyền sử thiên đô phải ngừng chiếu để nhường sóng cho Lý Công Uẩn đường tới thành Thăng Long?
- Trên thực tế, việc quyết định phát sóng vì lý do này hay lý do khác có thể có ngụy biện. Nhưng việc chiếu hai bộ phim lịch sử về cùng một nhân vật là điều rất kỵ. Ngừng phim này để chiếu phim khác về cùng một nhân vật lịch sử, cùng đề tài về thiên đô thì cả thế giới không ai làm. Bản thân tôi cũng mong chiếu phim Lý Công Uẩn đường tới thành Thăng Long vì nếu xét về độ hoành tráng chắc nó hơn Huyền sử thiên đô vì được đầu tư tới hơn 100 tỉ đồng. Nhưng về kịch bản mà nói thì chắc chắn không bằng Huyền sử thiên đô. Về mặt cấu trúc phim có thể có những mảng miếng hấp dẫn nhưng về mặt tư tưởng chắc không thể tốt được, dẫu vậy, tôi vẫn mong chiếu Lý Công Uẩn đường tới thành Thăng Long.
Ông Thành Lưu - đại diện ban Thư ký biên tập của VTV - cho VietNamNet biết: VTV chưa chính thức quyết định thay "Huyền sử thiên đô" bằng phim gì, cho nên việc công chúng và một số cá nhân bình luận khi cho rằng "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long" thế chỗ cho "Huyền sử thiên đô" là không chính xác. Khi nào có quyết định về việc này, VTV sẽ thông báo chính thức.
Hạnh Phương