Phát biểu tại buổi họp báo về việc tổ chức hội thảo quốc tế nhân kỷ niệm 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015) diễn ra sáng 6/8 tại Hà Nội, PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp, - Viện trưởng Viện Văn học cho biết: "Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du hội tụ đầy đủ những giá trị, yếu tố để trở thành một biểu tượng văn hóa của Việt Nam".
“Nga có ngành ‘Pushkin học’ (chuyên nghiên cứu về đại thi hào Pushkin), Trung Quốc có ngành ‘Hồng học’ (chuyên nghiên cứu về ‘Hồng lâu mộng’)… Hiện nay, các quốc gia đều hướng đến việc xây dựng, giới thiệu những biểu tượng văn hóa ra thế giới. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài sự vận động chung đó để khẳng định bản sắc trong một thế giới phẳng” Viện trưởng Viện Văn học phân tích.
Việt Nam đã có hội Kiều học. Việc nghiên cứu Nguyễn Du và kiệt tác “Truyện Kiều” cũng như việc quảng bá những đóng góp của đại thi hào dân tộc ra thế giới sẽ được tiếp tục mở rộng trong tương lai. |
Theo ông Điệp, năm 2015 đánh dấu chặng đường 50 năm tên tuổi Nguyễn Du vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, có mặt trên bản đồ văn hóa thế giới.
“Chúng ta cần có những đánh giá mới dựa trên các hướng nghiên cứu hiện đại để tiếp tục tiến tới cái nhìn tổng thể về cuộc đời, tầm vóc tư tưởng của ông. Tuy nhiên, nghiên cứu theo hướng tiếp cận mới không phải để hiện đại hóa đại thi hào dân tộc mà để hiểu rõ những vấn đề vượt thời đại trong tư tưởng của ông; từ đó tiếp tục tôn vinh Nguyễn Du và khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế,” Viện trưởng Viện Văn học nhấn mạnh.
Cụ thể, đến nay, các học giả không chỉ tìm hiểu các sáng tác của Nguyễn Du về các phương diện giá trị nội dung, nghệ thuật thể hiện mà còn đặt ra nhiều tiếp cận mới: hướng nghiên cứu liên văn bản (tìm hiểu việc chuyển thể các tác phẩm của Nguyễn Du sang điện ảnh), hướng nghiên cứu địa văn hóa (tìm hiểu mối quan hệ giữa cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du với quê hương Hà Tĩnh)…
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Du không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà tư tưởng, nhà lý luận lớn trong lịch sử; một đại diện tiêu biểu của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trong khu vực Đông Á trước thời hiện đại.
Chủ nghĩa nhân đạo, tinh thần nhân văn được đặt ra trong các sáng tác của Nguyễn Du không chỉ có ý nghĩa ở thời đại Nguyễn Du mà vẫn có giá trị với hậu thế.
Bên cạnh đó, hội thảo quốc tế với chủ đề “Đại thi hào dân tộc-Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại” sẽ được tổ chức vào ngày 8/8 tại Hà Nội tiếp tục mở ra, “xới” lên những vấn đề mới để việc nhận diện chân dung, đánh giá những đóng góp của Nguyễn Du đối với văn hóa, văn học Việt Nam được đầy đủ hơn.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 250 năm sinh Danh nhân văn hóa thế giới-Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765-2015).
Trước đó, tháng 12/1964, tại Berlin (Đức), Hội đồng Hòa bình Thế giới đã ra nghị quyết về việc tổ chức kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du (1765-1965) cùng với 8 danh nhân văn hóa khác trên thế giới. Đây là dấu mốc đầu tiên đánh dấu việc tên tuổi và những đóng góp của Nguyễn Du đã được ghi nhận trên phạm vi toàn cầu.
Ngày 25/10/2013, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua việc vinh danh Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới tại kỳ họp thứ 37 tại Paris (Pháp).
Cũng trong buổi sáng nay, ông Nguyễn Thiện - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới-Đại thi hào Nguyễn Du dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 28/11 tới tại Hà Tĩnh.
Nguyễn Du (1765-1820) có tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên; sinh ra tại kinh thành Thăng Long. Cha ông là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, quê quán tại xã Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Khu lưu niệm Nguyễn Du tại quê hương Hà Tĩnh đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg (ngày 27/9/2012) của Thủ tướng Chính phủ. |
T.Lê