- Sự ra mắt của một số dự án phim lịch sử chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã từng gây xôn xao dư luận thì nay lại trở thành chủ đề nóng trên các mặt báo với nhiều ý kiến tranh luận khá gay gắt. Dường như, sự khởi đầu đầy sóng gió của “mùa” phim lịch sử Việt Nam đã đặt dấu hỏi lớn cho dòng phim này…

Dòng phim lịch sử Việt, khó khăn và thách thức

Ngỡ rằng, dòng  phim cổ trang lịch sử Việt Nam sẽ “nảy mầm” và “phát triển” với một loạt các dự án phim cổ trang, lịch sử được thực hiện nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhưng sự thật dường như không được như những gì mà các nhà làm phim mong đợi bởi một điều mà có lẽ ai trong chúng ta đều hiểu đó là: có muôn vàn khó khăn.


Cảnh phim "Huyền sử thiên đô"

“Lịch sử dân tộc cực kỳ phong phú, độc đáo với nhiều sự kiện lớn, biến cố lớn và nhiều bài học lịch sử cần thiết cho cuộc sống hôm nay và mai sau, song điện ảnh Việt Nam nhiều năm nay còn có món nợ lớn với lịch sử bằng ngôn ngữ điện ảnh… Chúng ta quá thiếu từ cơ sở vật chất tới đội ngũ những người làm phim lịch sử” (GS. Đinh Xuân Dũng - Ủy viên thường trực hội đồng lý luận phê bình VHNT T.Ư từng chia sẻ). Đúng là kinh nghiệm để làm phim lịch sử chúng ta cũng chưa nhiều. So với một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, chúng ta đã thua xa họ. Điện ảnh không chỉ đơn thuần là một nghệ thuật. Nó còn là một nền công nghiệp. Nhưng nhiều người không hiểu được điều này nên cũng khó có thể trả lời cho câu hỏi vì sao Việt Nam chưa làm được phim hay. Một bộ phim là kết quả của một nền công nghiệp điện ảnh với dây chuyền công nghệ hiện đại, thâu nạp trong đó cả những ngành khoa học kỹ thuật hiện đại nhất…Điều này ở Việt Nam vẫn chưa có. Đó chính là thách thức với các nhà làm phim đặc biệt là phim cổ trang lịch sử.

Quá nhiều cú vấp ngã

Chúng ta cũng có những nhà làm phim tâm huyết, dám vượt qua trở ngại để làm nghệ thuật, điển hình là một số hãng phim tư nhân thời gian qua “dám xông pha vào trận mạc” triển khai một số dự án phim truyền hình, phim truyện nhựa về đề tài lịch sử như Khát vọng Thăng Long, Tây Sơn hào kiệt, Trần Thủ Độ, Huyền sử thiên đô, Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long… Dám nghĩ dám làm, vừa là để thoả nỗi lòng được đóng góp mừng Đại lễ, vừa để thử sức mình và hy vọng mở ra một lĩnh vực sản xuất không ít tiềm năng từ lịch sử. Tinh thần “mở đường” đó quả thực rất đáng khen ngợi.

Trước Đại lễ thì hầu như hãng phim nào cũng rất “hăm hở”, cố gắng hết mình để kịp tiến độ. Chưa nói đến kinh phí sản xuất, sức lực và tâm huyết bỏ ra cho một bộ phim lịch sử cũng khó mà cân, đong, đo, đếm được. Chính vì vậy mà các hãng phim đều chờ đón ngày “những đứa con tinh thần” của mình được ra mắt công chúng.

Đến nỗi “Khát vọng Thăng Long” phải lâm vào cảnh “chiếu chui” khi chưa được phép, và “Long thành cầm giả ca” trở thành đề tài đàm tiếu của nhiều nhà văn hóa khi “mâm cỗ ngàn năm” chỉ có độc một … cô đào hát.


Cảnh phim "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long"

“Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long” (phim cổ trang lịch sử dài 19 tập, Công ty CP Truyền thông Trường Thành đầu tư sản xuất), có thể là phim nhiều sóng gió nhất. Chưa ra mắt, mới chỉ trong phòng kín của các nhà kiểm duyệt thì dư luận đã ồn ào phê phán, đòi “tẩy chay”, kêu gọi “cản lối” ồn ào, rầm rộ trên mọi phương tiện?

“Xem phim trên báo” có chính xác và khách quan?

Số phận long đong của bộ Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long  khiến những người thật sự công tâm phải nhiều phen ái ngại. Lỡ hẹn với Đại lễ ngàn năm, ngay khi vừa có thông tin bộ phim sắp lên sóng VTV, dư luận lại một phen xôn xao.

Cho tới nay, “Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long” đã phải qua 3 lần thẩm định và trong lần duyệt bản chỉnh sửa hoàn thiện cuối cùng với thành phần gồm các cơ quan chuyên môn và liên ngành, phim đã có quyết định của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch về việc được phép phổ biến theo luật báo chí và luật điện ảnh.  

Những ý kiến không đồng tình mạnh mẽ nhất về bộ phim là phát ngôn của nhà sử học Lê Văn Lan. Lấy tư cách là người trong hội đồng duyệt phim và tu chỉnh kịch bản, nhà sử học Lê Văn Lan “chê” phim ở một số yếu tố lịch sử cũng như tinh thần của bộ phim.

Nhưng theo thông tin từ Hội đồng duyệt phim Quốc gia thì nhà sử học Lê Văn Lan không có mặt trong hội đồng duyệt bộ phim này lần cuối cùng. Trong khi đó, bộ phim đã được nhà sản xuất chỉnh sửa và khắc phục một số tồn tại về chi tiết, ngôn ngữ chưa được phù hợp, được hội đồng duyệt phim xem xét kỹ lưỡng trước khi cấp phép phổ biến. Như vậy, phải chăng những ý kiến nhà sử học Lê Văn Lan là thiếu khách quan và thiếu căn cứ.

Đó là chưa kể đến việc nhà sử học Lê Văn Lan còn có sự nhầm lẫn về nhân vật lịch sử giữa hai triều đại mà ông đã thừa nhận có sự nhầm lẫn này trong việc trích dẫn cứ liệu lịch sử (báo Gia đình và xã hội số ra ngày 10 tháng 6 năm 2011).


Cảnh phim "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long"

Nhà sản xuất có thể còn mắc lỗi nghiệp vụ, nhưng ai sẽ đứng ra đánh giá cái tâm cống hiến? Tại sao không có cơ quan nào “phân xử” thật rạch ròi, nhìn nhận cho thật đúng đắn tầm mức nghệ thuật của phim, để hướng dẫn dư luận? Liệu giới truyền thông và khán giả chỉ được “xem phim trên báo” có… quá tay khi mà phim chưa tới được với khán giả đã có cơ không thể nào tới nổi?

Nếu quả thực chúng ta chỉ mải đi nhặt sạn hay vạch lá tìm sâu thì không chỉ “Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long” mà khó có bộ phim nào “lọt sàng” được.

Nếu thực sự muốn có sự phát triển cho dòng phim này thì trước hết chúng ta cần có sự nhìn nhận đúng đắn và khách quan hơn giữa lịch sử và điện ảnh, đặc biệt là cảm thông với những những khó khăn và thách thức mà các nhà tiên phong trong dòng phim lịch sử đang trải qua.

Thiện Nhân