- "Các ca sĩ đi trước thể hiện những ca khúc nhạc sến theo cách của họ có lẽ phù hợp với thời điểm đó, chứ ngày nay thì bị cho là rên rỉ quá. Tôi phối lại nhẹ nhàng, trẻ trung hơn" - ca sĩ Đăng Vũ.


Là bạn học cùng khóa với diễn viên Thanh Thúy, Hòa Hiệp ở trường điện ảnh, trong khi bạn bè đã thành "sao", thì Đăng Vũ lận đận mãi đến gần đây mới đột nhiên được yêu thích nồng nhiệt từ các sân khấu tụ điểm trong nước đến sàn diễn ở hải ngoại.


Đăng Vũ song ca với ca sĩ hải ngoại Khả Tú

Tham gia một loạt phim truyền hình, từng là võ sĩ, trọng tài... nhưng không nghề nào bền và... nổi tiếng, Đăng Vũ lại được biết đến sau lần song ca cùng ca sĩ Tuấn Vũ, tạo hiệu ứng ngược về sân khấu ca nhạc trong nước. Trong những điển hình vào nghề lạ đời của giới cầm ca, Đăng Vũ cũng là một "ca" khá đặc biệt. Anh tâm sự về nghề và về dòng nhạc sến mà mình theo đuổi:

Tưởng hát nhạc trẻ, hóa ra ca nhạc sến

Dòng nhạc trữ tình mà người ta quen gọi là sến, đã nhiễm vào tôi từ khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Nhưng đến năm 2001, sau khi thi đỗ vào trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, tôi mới chính thức bước vào con đường ca hát và chuyên trị dòng nhạc này.

Những ca khúc nhạc sến thường nói đúng tâm trạng của những người có lối sống nội tâm. Để hát hay dòng nhạc này, ca sĩ trước tiên phải có chất giọng phù hợp, kế đến khi thể hiện ca khúc phải hóa thân vào hoàn cảnh của bài hát thì mới truyền tải hết được những cảm xúc đến người nghe.

Nhiều khán giả xem Đăng Vũ hát đã nhận xét rằng "Nhìn anh ca sĩ này cứ tưởng hát nhạc trẻ, hóa ra khi cất tiếng ca thì mới biết hát nhạc sến". Thế nên hát thì nhạc sến nhưng ngoại hình thì không thấy sến là vậy!

So với khán giả trong nước, dòng nhạc sến được khán giả hải ngoại yêu chuộng nhiều hơn, có lẽ do hoàn cảnh xa quê hương, lưu lạc xứ người của bà con. Khi thể hiện các ca khúc trữ tình trên sân khấu ở Mỹ, Úc, tôi cảm nhận rằng mình được khán giả đón nhận với những tình cảm chân thành nhất.

Theo đuổi dòng nhạc sến, tôi đã có nhiều cơ hội lưu diễn nhiều nơi ở hải ngoại có đông đồng bào người Việt sinh sống. Trong chuyến lưu diễn vừa rồi, tôi may mắn gặp được nhiều cô chú vừa là thương gia vừa là bầu sô mê nhạc sến, đã xem tôi như con và tạo điều kiện giúp tôi ra album với dòng nhạc này.

Như sinh ra để hát nhạc sến

Nhạc sến đã có nhiều ca sĩ chuyên trị và thành danh. Không có thế hệ đi trước thì chắc sẽ không có mình hôm nay. Tôi phải cảm ơn các giọng ca tiền bối đã tạo dựng ra trường phái gọi là nhạc sến này.


Đăng Vũ hát ở phòng trà Tiếng Xưa

Lần đầu tiên nghe nhạc, tôi đã nghe ca sĩ Duy Khánh hát. Đến giờ tôi vẫn nghe nhạc ông để tập luyến láy, nhưng điều chỉnh cách luyến láy theo kiểu của mình. Nhiều người nói Đăng Vũ hát giống Chế Linh, có lẽ vì tôi cùng là người gốc miền Trung như ông, có tố chất cũng như âm sắc ngôn ngữ tương tự nên khi phát âm có hơi giống nhau.

Nhưng ca sĩ mỗi người phải có một chất giọng riêng, nên tôi vẫn đang luôn học hỏi, tìm tòi để tạo dựng nét riêng cho mình. Các ca sĩ đi trước thể hiện những ca khúc nhạc sến theo cách của họ có lẽ phù hợp với thời điểm đó, chứ ngày nay thì bị cho là rên rỉ quá. Tôi sẽ phối lại nhẹ nhàng, trẻ trung hơn.

Rõ ràng thời hoàng kim của nhạc sến đã qua đi nhưng tôi vẫn trung thành với dòng nhạc này. Tôi vẫn đầy bầu nhiệt huyết và sự chung tình đến trọn đời với nhạc sến. Được khán giả đón nhận và yêu mến giọng hát "sến" của mình, tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

Đóng phim thì tôi thay đổi những vai diễn với nhiều dạng nhân vật khác nhau, nhưng dòng nhạc này thì tôi không từ bỏ. Có nhiều người khuyên tôi nên chuyển sang hát nhạc trẻ để thành công hơn, nhưng tôi vẫn chọn nhạc sến, như sinh ra là để hát dòng nhạc này vậy. Nếu không có gì thay đổi, sắp tới đây, tôi sẽ thực hiện một live show nhạc sến cùng ca các sĩ hải ngoại Tuấn Vũ, Randy, Kim Anh, Khả Tú...

Khanh Nguyễn (ghi)