- "Cái thảm hại của diễn viên VN hiện nay là không chuyên nghiệp. Mà câu miệt thị nhất trong ngành, tôi cho là 'Đồ nghiệp dư'”...
Làm phim không khác gì chui vào giá treo cổ
Phillip Noyce "dạy dỗ" các nhà làm phim Việt?
Khán giả "phát điên" vì phim Việt
Quyền Linh: sợ phim Việt chẳng còn dám diễn
Nằm trong
mạch bài về diễn viên phim Việt, phóng viên VietNamNet đã tìm gặp NSND, đạo diễn
Khải Hưng. Ông có những nhận xét rất thẳng thắn về thực trạng diễn viên hiện
nay.
NSND Khải Hưng. Ảnh: Hoàng Vy
Nhặt được cô nào xinh xinh, thuộc lời nhanh là trở thành diễn viên!
Hiện trạng diễn viên phim truyền hình hiện nay là vừa thiếu lại vừa thừa. Thiếu những người làm việc có nghề, thừa diễn viên tay ngang. Quá nhiều người mẫu, ca sĩ, người đẹp chuyển sang đóng phim nhưng không phải ai cũng đảm nhiệm được những vai chính. Cá nhân ông nhìn nhận thực trạng diễn viên hiện nay thế nào?
Thực ra mà nói, nhân nào thì quả nấy thôi. Chúng ta có đào tạo đâu mà đòi có diễn viên. Lớp diễn viên khoá II đã kết thúc cách đây 30 năm. Có nền điện ảnh nào mà 30 năm tồn tại mà không có khóa đào tạo diễn viên không? Diễn viên khoá I là lớp chị Trà Giang, diễn viên khoá II là chị Thanh Quý, Minh Châu... Làm gì đã có diễn viên khoá III. Nên không có diễn viên là đúng, không có diễn viên là chính xác vì chúng ta có đào tạo diễn viên diễn xuất với ống kính máy quay đâu?
Đạo diễn nào có lương tâm một chút là tìm chọn những diễn viên biết diễn xuất ởcác đoàn kịch, tức là những diễn viên sân khấu. Mà diễn viên sân khấu vốn được đào tạo về diễn xuất khác hẳn trước ống kính. Do thói quen và diễn lâu ngày, họ biết cách diễn với phim và có thể thể hiện rất nhiều vai khác nhau. Có thể nói họ là cứu cánh cho các bộ phim cần có diễn xuất. Thế nhưng họ già mất rồi và đóng nhiều quá trở thành “nhầu” trên màn ảnh ..
Tại sao lại như vậy? Trường điện ảnh vẫn đào tạo diễn viên sân khấu mỗi năm, sinh viên có thể biết diễn xuất ,nhưng hình thức lại chưa đủ thuyết phục. Người đẹp có năng khiếu thì họ lại không vào trường Sân khấu bởi khi ra trường họ chẳng thể sống được bằng nghề diễn viên. Mà chắc gì khi ra trường họ được nhận vào đoàn kịch HN, nơi mà bao năm chỉ có chừng ấy biên chế. Con đường trước mắt gần như là tắc tị, vậy thì ai còn muốn thi vào trường sân khấu nữa…
Từ khi phim truyền hình gia tăng một cách đột ngột, tức là phấn đấu trong một số năm tới phim Việt đạt 30% tỉ lệ chiếu trên truyền hình. Tôi nhớ lúc đó phim Việt phấn đấu được 10% đã là quá sức. Và đến bây giờ tôi nghĩ phấn đấu được 10% vẫn chỉ là vừa sức. Nhưng tỉ lệ phim Việt không chỉ dừng lại ở 30% nữa mà là 50%. Sức đâu mà làm, diễn viên đâu ra mà diễn? Vậy thì bất kể cô nào xinh xinh nhặt được ở ngoài phố, thuộc lời nhanh là trở thành diễn viên.
Ông có hay xem phim truyền hình không?
Từ khi nghỉ hưu tôi ít xem hơn. Nếu xem cũng là do yêu cầu của một người nào đó nhờ xem giúp phim này phim kia. Hầu hết mỗi bộ tôi chỉ xem một vài tập và với tôi, chỉ cần xem 1 tập là có thể đánh giá được bộ phim rồi. Hay tôi bảo là hay, dở tôi bảo là dở.
Không xem hết cả một bộ phim do diễn viên diễn chán hay không có thời gian?
Tại vì phim chán, phim không hay nên không xem. Tôi đã bỏ ra hơn 20 năm để ngồi xem từng tập phim rồi. Bây giờ đã nghỉ hưu, tôi được xem những gì mình thích. Ổ đĩa HD có thể chọn cả trăm phim mà rẻ như bèo với hình ảnh đẹp long lanh, diễn viên tốt, tay nghề giỏi. Tôi chủ yếu xem phim nước ngoài. Xem phim để tích luỹ. Già rồi nhưng tôi vẫn phải học.
Bây giờ họ rất giỏi về lăng xê
Ông thấy diễn viên bây giờ thế nào? có diễn viên trẻ nào để lại ấn tượng tốt với ông không?
Tôi thấy bây giờ họ rất giỏi lăng xê. So với thời của tôi thì họ vô cùng giỏi. Tôi nghĩ chính báo chí cũng giúp cho họ giỏi lên rất nhiều nhờ công nghệ lăng xê. Kỳ lạ là bây giờ tôi chưa thấy có ngôi sao nào. Gương mặt họ chẳng có chút xúc cảm nào mà "tuần chay nào cũng có nước mắt". Bất cứ sự kiện nào, liên quan đến phim hay không liên quan đến phim thì vẫn những gương mặt đó xuất hiện. Cái thảm hại của diễn viên VN hiện nay là không chuyên nghiệp. Mà một lời miệt thị nhất trong ngành tôi cho là "Đồ nghiệp dư!".
Nhưng thực tế là các đạo diễn hiện nay ,họ thích sử dụng diễn viên nghiệp dư nhiều hơn diễn viên chuyên nghiệp?
Tại sao lại thế? Vì sự bùng nổ của phim ảnh. Từ 10% giờ tăng lên 50% mà con người đóng phim chuyên nghiệp thì già đi. Vậy phải “vơ bèo, vạt tép”. Cô cậu nào sạch nước cản đều có thể làm diễn viên... Mà phim thị trường, đẻ ra đạo diễn thị trường. Đôi khi một đạo diễn to đầu nào đó đứng ra nhận phim rồi lại sang tên cho một thằng đạo diễn bé con nào đó. Thằng đạo diễn bé con đó buộc phải nghe theo lời của nhà sản xuất. Họ muốn phim này phải bán được nhiều quảng cáo. Vậy là họ muốn có "ngôi sao" này tham gia rồi tiêm vào đó vài scandal để hút quảng cáo. Tất cả các diễn viên đó được đẩy lên thành những người quá quan trọng với một bộ phim vốn chẳng có gì, thậm chí không đảm nhiệm nổi vai diễn.
Tôi không phủ nhận rằng có một số người ngẫu nhiên có thể đảm nhiệm tốt một vai diễn nào đó. Nếu vai diễn đó gần sống với đời sống của họ. Còn khi đòi hỏi một cuộc sống khác họ, họ trở thành kẻ vô hồn. Cái khác nhau ở chuyên nghiệp và nghiệp dư cũng ở chỗ đó .Vậy mà họ ngộ tưởng rằng mình là ngôi sao thật và vai nào, phim nào cũng đóng được. Đây là sự ngộ nhận hồn nhiên bởi không phải là lỗi của họ. Lỗi thuộc nhà sản xuất và cao hơn là lỗi của cơ chế này khi để thị trường thổi ra con 5000 giờ phim/năm. Làm gì mà nhiều thế?
Cách đây 10 năm, chúng tôi sản xuất đến 500 giờ đã là nhiều lắm rồi. Khi đó chúng tôi làm 7 ngày xong 1 tập phim mà đã bị báo chí kêu rằng: 7 ngày đã xong 1 tập. Còn bây giờ họ làm 1 ngày xong được hơn 1 tập. Khi trong tay không có trường quay nào mà làm được như vậy thì vô cùng khâm phục. Cuối cùng, khi xem phim trên các kênh truyền hình, lại thấy mình bị xúc phạm vì họ đã dày xéo lên tất cả những nền tảng mà chúng tôi đã cất công bao nhiêu năm để xây dựng lên. Một ngày xong 1-2 tập phim thì có tài thánh cũng không thể làm được phim hay.
Diễn viên
không có việc gì ngoài mặc quần áo đẹp và đi đi lại lại
Việt Anh (trái) nổi tiếng với series phim "Chạy án" từng được đào tạo diễn xuất tại VFC. Ảnh: NS
Do vậy chúng ta phải chấp nhận những cái gọi là "thảm hoạ trên màn ảnh"?
Đương nhiên! Cuối cùng mình phải suy ra vậy lỗi tại ai? Lỗi tại quản lý phim chứ không phải đạo diễn hay diễn viên. Diễn viên chỉ là một phần. Phim dở không chỉ hoàn toàn do diễn viên, đầu tiên là từ kịch bản. Tôi đã từng ngồi trong hội đồng duyệt kịch bản. Kịch bản ấy chỉ có thể là một đề cương mà nói thật là kiểu đề cương đó đi ra đi vào tôi cũng có thể xong 1 cái. Nó chỉ dài khoảng 3-4 trang. Rồi họ đầu tư viết thành vài tập cho hội đồng xem, thấy tốt và sau đó hội đồng hết việc. Sau đó là việc của người khác. Các công đoạn chồng chéo lên nhau và một kết cục tất yếu: đáng lẽ phim 20 tập thì bôi ra 30-40 tập. Diễn viên tự nhiên không có việc gì ngoài việc mặc quần áo đẹp và đi đi, lại lại!
Diễn viên Quyền Linh có tâm sự rất cay đắng rằng nhiều khi không dám nhận mình là diễn viên vì bây giờ có cảm giác ai cũng có thể làm diễn viên. Người không chấp nhận thì bỏ nghề, người theo nghề thì phải chấp nhận guồng quay hiện tại. Đó là lý do nhiều diễn viên có tiếng xuất hiện trong những bộ phim nhạt nhoà và đôi khi lỗi không phải do họ vì họ có muốn làm tốt cũng chẳng ai cho?
Tôi biết có nhiều người đã bỏ nghề. Đó là những người có lương tâm, được đào tạo tử tế và có một nền tảng nhất định. Họ muốn giữ cho họ. Nhưng có một điều rất tệ hại là chúng ta không hề đào tạo diễn viên. Khi còn làm ở VFC, tôi nhớ là chúng tôi đã đào tạo được ít nhất hai khoá và cũng được vào khoảng 15-20 người làm nghề diễn. 3 tháng chẳng là gì nhưng đủ để truyền cho họ những khái niệm ban đầu về diễn xuất, lòng yêu nghề và lòng tự trọng về nghề. Còn bây giờ các người mẫu rất nhiều, như tôi đã nói, có thể kéo ùn ùn sang đóng phim. Phim được tâng bốc, họ tự nhiên trở lại ngôi sao, được hết phim này đến phim kia giành nhau. Vậy là chúng ta cứ nghiệp dư hoá và... cùng nhau chìm.
Tất cả những gì ông nói ở trên cho thấy ngành sản xuất phim truyền hình hiện nay của chúng ta chỉ tăng về số lượng còn chất lượng thì đi xuống?
Chất lượng là tụt lùi. Đó là câu chuyện của những ngày qua. Tôi nghĩ là nó đã chấm dứt rồi. Trước khi nghỉ hưu tôi đã tự rút khỏi hội đồng nghiệm thu kịch bản phim vì tôi cảm thấy tôi ngồi không đúng chỗ ,nên tôi tự viết đơn nghỉ. Vừa rồi họ có quyết định mời tôi trở lại hội đồng thẩm định phim truyền hình. Nếu hoạt động theo đúng những gì ghi trong quyết định thì tôi nghĩ vai trò của mình sẽ phát huy và sẽ không hổ thẹn nếu ngồi trong hội đồng đó.
Hạnh Phương