- Khi Việt Nam bắt đầu trở nên một đất nước “dân giàu, bắt đầu hình thành một tầng lớp khách hàng mới: những người có tiền và những người có nhu cầu trang trí nhà cửa...
Qua rồi, thời hoàng kim
Ban đầu, chỉ có những họa sĩ có tiếng của Việt Nam mới đủ can đảm lập ra những gallery chép tranh danh họa thế giới, vì đơn giản là tên tuổi và kinh nghiệm của họ mới có thể đủ sức tạo uy tín đối với các nhà buôn tranh nước ngoài, hơn nữa trong tay họ cũng thường có sẵn một đội ngũ chép tranh với trình độ chuyên nghiệp hơn khá nhiều so với những phòng tranh nghiệp dư.
Không phải bây giờ mà ngay từ những năm 1994-1995, thị trường tranh chép đã bắt đầu sôi động hẳn lên với những bước đi tiên phong của một số họa sĩ Việt Nam. Những họa sĩ nhạy bén này nhanh chóng nhận ra rằng trong xu hướng toàn cầu hóa, tranh sáng tác chỉ là một khía cạnh trong cơ cấu nghệ thuật hội họa. Cùng với làn sóng đầu tư nước ngoài ập vào nước ta, vẫn còn một khía cạnh khác của hội họa có thể được khai thác theo hình thức gia công: tranh chép sơn dầu.
Tranh của danh họa Sanvador Dali
Không hẳn lãng quên dòng tranh sáng tác, nhưng những người tỏ ra thức thời nhất đã nhảy sang khai phá miền đất đầy hứa hẹn về lợi nhuận này. Vào giai đoạn đó, đất nước ta mới mở cửa được ít năm và bà con còn đang say sưa với vấn đề kinh tế, kinh doanh, hay nói cách khác là còn chú tâm vào chuyện kiếm tiền chứ chưa có nhiều thời gian để nghiền ngẫm sành sỏi nghệ thuật như bây giờ. Thế nên khách hàng chủ yếu đặt mua tranh chép là người nước ngoài.
So với mặt bằng giá thành chép tranh ở châu Âu, giá chép tranh ở Việt Nam chỉ bằng 1/7 – 1/10. Đó là một khoảng chênh lệnh đáng kể để các nhà buôn tranh bán chuyên nghiệp người Đài Loan, Singapore, Hồng Kông và cả một số khách Âu tha hồ đặt chép tại các gallery Việt Nam với giá rất phải chăng và sau đó mang tranh chép Việt Nam đi xuất ngoại.
Nhưng đối với những nhà thầu tranh chép Việt, cho dù giá bán sỉ tranh cho nhà buôn tranh nước ngoài chỉ bằng 1/3 giá bán tranh ở nước ngoài thì cũng đã gấp đôi, gấp ba giá thành chép trong nước - có thể được gọi là siêu lợi nhuận, đến nỗi giới buôn tranh phải tấm tắc mà tự khen mình là ít có nghề nào kiếm lãi bằng nghề chép tranh vào thời đó.
Đó
là một thời hoàng kim mà cho tới giờ, khi nhắc lại, những người đã
thành công với tranh chép vẫn không ngớt luyến tiếc vì thời kỳ đó không
kéo dài lâu hơn, còn những người chưa kịp kiếm chút lãi thì thật sự hối
tiếc vì đã bỏ qua cơ hội trời cho trong những năm đầu thời mở cửa.
Có hay chưa – thị trường tranh chép?
Nói gì thì nói, thời kỳ hoàng kim ấy là nguyên cớ chính để thị trường tranh chép nở rộ và các gallery, chuyên cũng như không chuyên, ra đời ồ ạt. Đặc tính cạnh tranh không phải là thế độc quyền của của các ngành kinh tế. Lúc đầu còn e dè, kiêng cữ đôi chút, sau đó người ta sử dụng một cụm từ đầy đủ ngữ nghĩa hơn: thị trường tranh chép (nghệ thuật).
Những năm sau này, khi Việt Nam bắt đầu trở nên một đất nước “dân giàu”, tốc độ đô thị hóa tăng lên đáng kinh ngạc và tỷ lệ số nhà xây mới tăng vọt qua các năm, người ta cũng chứng kiến sự hình thành một tầng lớp khách hàng mới của tranh chép sơn dầu: những người có tiền và những người có nhu cầu trang trí nhà cửa.
Tuy nhiên, chỉ có một ít trong tầng lớp khách hàng này hướng về thực chất của những tác phẩm nguyên gốc Việt Nam của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Liên, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân…
Ở
một thái cực khác biệt, số khách còn lại ít quan tâm đến việc làm thế
nào để có được tác phẩm mà chỉ chú tâm vào việc tìm tòi tác phẩm ấy sẽ
được sử dụng vào việc gì. Không có điều kiện và kiến thức để tìm hiểu về
các họa sĩ Việt Nam cổ điển hay đương đại, họ tìm đến dòng tranh chép
của các danh họa thế giới. Vả
lại, dòng tranh này cũng là một “trường phái” đã từng làm rạng danh
nhiều gallery tranh sơn dầu Việt trong nhiều năm qua, ít nhất là trong
con mắt những nhà buôn tranh nước ngoài. Còn nếu so về giá cả, đương
nhiên một bức tranh chép hoành tráng về các thiên thần của Velasquez
phải rẻ hơn hẳn tranh gốc về những con phố cũ kỹ lạc hậu của Bùi Xuân
Phái.
Những bức họa nổi tiếng của danh họa Bùi Xuân Phái
Thế là cầu nào có cung nấy, sự nghiệp tranh chép tác giả nổi tiếng nước ngoài được cổ vũ triệt để. Chiều hướng phát triển nghệ thuật cứ thế mà được thúc đẩy và nhân lên gấp bội. Nghệ thuật là kết quả và cũng là một hệ quả của thành tựu phát triển kinh tế. Nhưng, phải nhắc lại rằng tình cảnh hỗn loạn của “nghệ thuật xuống đường” , đến mức tạo ra hàng núi "tranh rác" đã làm bối rối và cả phẫn uất tất cả những nhà phê bình mỹ thuật, dù là những người dễ tính nhất.
Viết Lê Quân
>>Bài tiếp theo: Tranh chép không có tội