- “Điều còn mãi 2011” sẽ là những điểm nhấn thành tựu của thời chúng ta đang sống, những nốt thăng trên khuông nhạc hiện đại, tia phản chiếu lấp lánh từ tấm gương của lịch sử dựng nước và giữ nước.

TIN LIÊN QUAN:


Bất ngờ lớn với người yêu nhạc

Còn nhớ, trước ngày 2/9 năm 2009, vào những ngày thu tuyệt đẹp trên đường Hà Nội, giữa màu lá xanh biếc của cây, màu vàng của nắng, rực lên một màu đỏ sẫm của tấm băng rôn trải dài trên các góc phố phường giới thiệu về một buổi hòa nhạc mang tên "Điều còn mãi".

Chỉ là một buổi hòa nhạc thôi, có gì đặc biệt? Tại sao lại mang một cái tên nghe rất đỗi tha thiết, thiêng liêng? Và tại sao một buổi hòa nhạc lại được biểu diễn vào lúc 14h chiều chứ không phải là 20h00 như hàng trăm ngàn chương trình hòa nhạc khác?

Bởi đó không chỉ là thời khắc khai mở cho một chương trình hòa nhạc lớn thông thường. Đó là còn khoảnh khắc mà đất nước thêm một lần nữa được khai sinh.

Ca sĩ Mỹ Linh trên sân khấu "Điều còn mãi 2010"

Từ năm 2009, Điều còn mãi đã ghi đậm dấu ấn trong lòng người nghe với cách tổ chức một concert thính phòng giao hưởng chú trọng hài hòa cả thanh nhạc và khí nhạc, gây bất ngờ lớn với người yêu nước và yêu nghệ thuật bởi tính đột phá với một concept ấn tượng và ý nghĩa.

Tổng đạo diễn chương trình, nhạc sĩ Dương Thụ đã đến với hòa nhạc "Điều còn mãi" như một cái duyên đẹp, là người kết hợp các yếu tố lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và hàng trăm nghệ sĩ dưới một “tổng phổ” phức tạp và cầu kì, nhưng cũng rất đỗi gần gũi với hàng triệu người dân Việt Nam.

Những dấu ấn không phai

Điều còn mãi 2009 ghi dấu ấn với người nghe bởi các tác phẩm khí nhạc: Cánh cò trắng (Nguyễn Văn Nam), Việt Nam quê hương ta ơi (Huy Du), Bồng bềnh (Phó An My), Quê hương (Lưu Cầu)… và còn là các ca khúc được chuyển soạn như: Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý)…

Ca sĩ Đăng Dương thăng hoa trên sân khấu "Điều còn mãi"

Điều còn mãi 2010 có chủ đề "Ngàn năm Thăng Long" với những tác phẩm kinh điển như: Hào khí Thăng Long, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Bài ca chim ưng, đã cộng hưởng tinh thần hướng về thủ đô với đồng bào cả nước. Đặc biệt ấn tượng là những ca khúc  Hướng về Hà Nội, Hà Nội niềm tin và hi vọng, Nhớ về Hà Nội, Mong về Hà Nội, Người Hà Nội… khiến khán phòng Nhà hát Lớn như vỡ òa bởi những tràng pháo tay giòn giã.

Đặc biệt, các ca khúc được chọn để trình diễn trong chương trình không đơn giản mà bắt buộc ngoài giá trị lịch sử phải có giá trị nghệ thuật cao, đủ đẳng cấp để được phối khí và trình diễn theo phong cách thính phòng, cùng dàn nhạc giao hưởng, thể hiện bởi các ca sĩ hàng đầu Việt Nam. Đó là những tác phẩm đã đi vào lòng công chúng như: Ca ngợi Hồ Chủ tịch (Văn Cao), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương)...

Nghệ sĩ Bùi Công Duy đi cùng "Điều còn mãi"

Chung thủy với sứ mạng lịch sử

Hòa nhạc "Điều còn mãi" do báo VietNamNet tổ chức đã luôn chung thủy với sứ mạng khắc ghi dấu ấn của lịch sử vào thời đại mà ta đang sống, phản chiếu những tia sáng của thành tựu hiện tại vào tấm gương lịch sử hào hùng, rực rỡ.

Khán giả sẽ mong chờ và được thỏa mãn những gì ở Điều còn mãi 2011? Mỗi thời khắc quyết định và giai đoạn phát triển của lịch sử Việt Nam, từ thuở sơ khai đến những ngày cách mạng vùng lên, máu và hoa, chiến thắng anh hùng, rồi những năm gian khó dựng xây đất nước sau khi hòa bình lập lại… sẽ được ghi dấu ấn bằng một tiết mục độc đáo, ấn tượng, được lựa chọn kỹ lưỡng theo tiến trình của lịch sử.

Tình yêu tha thiết quê hương đất nước Việt Nam sẽ được tôn vinh trong những màn hợp xướng hoành tráng và lộng lẫy: “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” (Cao Việt Bách) do ca sĩ Đăng Dương và dàn hợp xướng ĐHSPNT trình diễn; “Việt Nam quê hương tôi” (Đỗ Nhuận) với sự tham gia không những của dàn hợp xướng trên sân khấu mà còn có hàng trăm em thiếu nhi đứng dưới hàng ghế khán giả cất lên tiếng hát.

Dàn hợp xướng hoành tráng của "Điều còn mãi"

Tổng đạo diễn - nhạc sĩ Dương Thụ, chỉ huy dàn nhạc - nhạc trưởng Lê Phi Phi đều vô cùng mong muốn và đón chào những khán giả có thể đứng dậy cất cao tiếng hát từ chính chỗ ngồi của mình, để cùng hòa giọng trên những cung bậc thiêng liêng thể hiện tình yêu máu thịt với non sông đất nước.

Đại hợp xướng "Tổ quốc Việt Nam anh hùng" (trích đoạn của nhạc sĩ Hoàng Vân), Trở về đất mẹ (Nguyễn Văn Thương) cùng với Giao hưởng thơ Lệ Chi Viên của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, Concerto cho violon, piano, bộ gõ và dàn dây của Nguyễn Mạnh Duy Linh sẽ là những điểm nhấn thành tựu của thời chúng ta đang sống, những nốt thăng trên khuông nhạc hiện đại, tia phản chiếu lấp lánh từ tấm gương của lịch sử dựng nước và giữ nước.

Ngoài ra, còn có sự phá cách đến thăng hoa và kết hợp cực ăn ý giữa cổ truyền với đương đại trong một trích đoạn của “Bóng” – do nghệ sĩ dương cầm Phó An My trình diễn cùng các nghệ nhân Hát Văn và dàn nhạc dân tộc.

Tổng đạo diễn - nhạc sĩ Dương Thụ - phút trầm tư trong khán phòng Nhà hát lớn ở những buổi tập của dàn nhạc và các ca sĩ

Ca sĩ Đức Tuấn trong chương trình "Điều còn mãi 2010"

Hòa Bình - Hương Giang

TIN LIÊN QUAN:

Giai điệu tinh túy của tình yêu đất nước
Nghe lại các ca khúc của Điều còn mãi 2010
Mỹ Linh-15 năm biến hóa của sơn ca “Tóc ngắn”
Phó An My sẽ không còn cô đơn