- Tặng như vứt, như ấn vào tay người nhận, như quẳng đi gánh trách nhiệm có quà của một vị khách…
Nghệ thuật nào thì có công chúng nấy
Hình ảnh những vị khách sang trọng chui ra từ chiếc xe hơi bóng lộn rồi nghênh ngang tiến vào gallery, thản nhiên chỉ vài bức tranh phong cảnh khổ lớn và còn thuyết minh thêm là bức này thì định treo trong bếp, bức kia dự kiến đặt trong… toilet, bức khác để đem biếu tân gia…, đã không còn phải là quá hiếm hoi ở TP.HCM hay Hà Nội.
Trình độ thẩm tranh của người mua hiện tại mới chỉ dừng lại ở level: nhìn thấy đèm đẹp, thấy giống giống, thấy quái quái… và có thể “hồn nhiên” yêu cầu các “thợ chép” thêm hộ cái hàng rào thay cho rặng cây để tăng tính… hiện đại của tác phẩm, hoặc pha lại tông màu cho bức họa lừng danh, bởi vì “công chúa nhà tôi yêu màu A, B, C, D…” Thế nên, dẫu là “thợ chép” trình độ phụ hồ, hay gallery tử tế, chịu khó dụng công phu, cũng chỉ muốn nhanh chóng… tống khứ cái “của nợ” vào cốp xe ô tô của khách, tiễn đưa mày về với căn bếp, bức tường toilet nơi cư ngụ mới.
Còn nếu chủ gallery nào còn chút băn khoăn về sứ mệnh nghệ thuật thì cũng đáng chua xót đôi chút khi biết được chủ kiến của khách muốn hòa nhập nền văn minh Phục hưng với văn hóa ẩm thực thời đương đại.
Ngộ độc vì món ăn tinh thần kém chất lượng?
Thượng đế thì có đủ thứ lý do để mua tranh chép: đối tác làm ăn sắp khai trương khách sạn, anh em mừng nhà mới, tặng sinh nhật, làm quà biếu sếp... Thế nhưng, cho dù là thượng đế chui ra từ những chiếc xế hộp bóng lộn, thì đã đi mua tranh chép là hầu hết chỉ quan tâm đến giá tiền, chứ rất ít khi quan tâm đến chất lượng nghệ thuật của tranh.
Cần nhất là không phải chi quá nhiều tiền cho những thứ “thức ăn” nghệ thuật, mà đằng nào cũng chỉ là tranh chép, có phải tranh nguyên bản đâu – các thượng đế lý luận. Treo trong bếp nhà mình thì sao chả được, còn nếu chỉ để mang tặng thì càng không nghĩ ngợi nhiều. Giả sử có chẳng may rước phải thứ “thức ăn nghệ thuật” kém phẩm chất, thì những người tiêu dùng cũng sẽ chẳng mảy may trầy vi tróc vẩy, chứ trần đời đã có ai phải cuống cuồng gọi xe cấp cứu chở đi viện vì “ngộ độc” nghệ thuật bao giờ đâu.
Thế cho nên, mới xảy ra lắm cảnh dở khóc dở cười, khi những người hơi có chút hiểu biết về tranh được/bị nhận tranh do bạn bè, đối tác… mang tặng. Nhìn qua đã biết là “tranh rác” mà chẳng thể chối từ. Không nhận thì thiếu lịch sự, món quà “văn hóa” thế mà không nhận thì chả nhẽ nhận… kim tiền à? Nhận vào rồi, thì ngao ngán chả biết để đâu.
Có người, tân gia xong, cả đêm ngồi bần thần, không ngủ nổi, lên cơn stress bởi được/bị nhận cả đống “tranh rác”, nhà đẹp thế này, khi thiết kế đã tính từng góc, phối cảnh từng phòng, từng khu vực, treo mấy bức tranh vô duyên lên thì tự mình ấm ức, chịu không nổi, mà không treo thì thế nào bạn cũng giận, cũng đánh giá nọ kia.
Tặng như vứt vào tay người nhận
Tranh chép nghệ thuật chỉ được một số rất ít những người có hiểu biết về hội họa và thực sự có thú chơi quan tâm đến. Thế nhưng, cay đắng thay, đến cả đối tượng ấy, nhiều khi được nhận tranh, mà là những bức tranh chép kỹ, có giá một hai ngàn USD hẳn hoi, cũng phải thốt lên rằng: “Ngu nhất là thằng tặng tranh!”
Tặng như vứt, như ấn vào tay người nhận, như quẳng đi một gánh trách nhiệm có quà của một vị khách, mà chẳng hiểu được cái lý lẽ cơ bản rằng: Người thiếu hiểu biết về tranh thì khi nhận tranh (đắt hay rẻ, kỹ hay xoàng) cũng chẳng để làm gì vì không hiểu được giá trị của nó. Đã như thế thì không nên tặng tranh mà nên tặng một món đồ thiết thực nào khác còn hơn.
Ngược lại, người có hiểu biết hội họa, thì yêu cầu về thể loại, hình thức, nội dung, kích cỡ, không gian trang trí… của bức tranh, sao cho phù hợp với nhu cầu trang trí hoặc chiêm ngắm nghệ thuật của họ là vô cùng khắt khe. Nếu đã vậy, cách tốt nhất và bắt buộc là phải tham khảo trước gu thưởng thức và ý đồ nghệ thuật của người nhận tranh, hoặc trao đổi cụ thể về bức tranh là món quà dự kiến tặng.
Tất nhiên, không phải ai và khi nào cũng có thể đạt đến độ thẳng thắn mà vẫn tế nhị để trao đổi thành công về món quà khó là một bức tranh. Vậy nên, văn hóa cho, biếu, tặng tranh là cả một vấn đề đáng bàn.
Hòa Bình
>>Bài tiếp theo: Làm thế nào để có một bức tranh chép tử tế?