- Khán giả "giật mình" với 3 vở múa đương đại lần đầu được công diễn trên thế giới, do các biên đạo của Việt Nam, Bỉ và Đức dàn dựng...

"Châu Âu gặp Việt Nam" là tên festival múa đương đại quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Dự kiến ban đầu sẽ có 6 nước tham gia nhưng vì nhiều lý do, cuối cùng chỉ có Việt Nam, Bỉ và Đức tham dự. Đây là một dự án hợp tác nhiều tham vọng ​​của mạng lưới các tổ chức văn hoá châu Âu EUNIC tại Việt Nam với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB). Thông qua festival này khán giả có cơ hội khám phá những xu hướng mới trong dàn dựng các vở múa đương đại châu Âu.

Loại hình nghệ thuật múa vốn đã kén người thưởng thức, múa đương đại lại càng khu biệt hơn bởi để hiểu được hết những gì mà người nghệ sĩ muốn chuyển tải trên sân khấu thông qua các động tác hình thể không phải dễ dàng. Chính vì thế, công chúng đến với buổi công diễn mở màn đầu tiên này của festival tại Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội tối 8/9 không nhiều và phần đông là người nước ngoài. Các nhà tổ chức dự kiến sẽ biến đây thành festival múa đương đại thường niên.

Vở diễn được chọn để mở màn cho sự kiện này là "Mùa đom đóm" do chính các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dàn dựng và biểu diễn. Nghệ sĩ Cao Đức Toàn, một trong 4 biên đạo múa của vở múa ấn tượng này cho hay ý tưởng đến với anh bắt nguồn từ những ký ức thời thơ ấu với hình ảnh của những con đom đóm tỏa sáng trên cánh đồng vào những ngày hè. Những chiếc đèn led đã được các nghệ sĩ sử dụng để mô phỏng cho ánh sáng phát ra từ những con đom đóm ngay trong những cảnh đầu tiên của vở múa đã thực sự tạo nên một hiệu ứng đặc biệt.


"Mùa đom đóm"

"Mùa đom đóm" được dàn dựng hấp dẫn, dễ hiểu với phần trình diễn ấn tượng của 13 nghệ sĩ múa của VNOB. Sự kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ múa đương đại với bản sắc văn hóa Việt Nam chính là thành công của vở múa. Người xem không chỉ nhìn được, nghe được mà còn cảm được hình ảnh của đồng quê, của những cánh đồng lúa và cuộc sống bình dị của những con người ở đây. Phần thiết kế sân khấu đơn giản nhưng vẫn mang lại hiệu quả không nhỏ. Chỉ cần vài ba đụn rơm và hình một bông hoa sen xuất hiện cũng đủ để nêu bật chủ đề của vở diễn. Và "Mùa đom đóm" không thể thành công đến thế nếu như thiếu đi phần âm nhạc ấn tượng của Hồ Hoài Anh với sự xuất hiện của tiếng sáo trúc và tiếng đàn bầu thánh thót.


Vở diễn thứ hai, "Benedetto Pacifico" do nghệ sĩ người Bỉ Ricardo Machado biểu diễn mang đến những trải nghiệm mới về múa đương đại châu Âu. Ricardo Machado làm chủ sân khấu trong suốt hơn 30 phút với sự trợ giúp duy nhất từ thứ ánh sáng yếu ớt phát ra từ chiếc đèn đặt chính giữa sân khấu và một sợi dây.

Một vở múa đầy bí ẩn về đề tài bù nhìn, được diễn tả bằng ngôn ngữ hình thể huyền bí, dẫn người xem vào thế giới tưởng tượng. Đây là tác phẩm mới nhất của biên đạo múa Karines Ponties. Các tác phẩm của chị đã được trình diễn nhiều lần trên toàn thế giới nhưng đây là lần đầu tiên tác phẩm được giới thiệu tới công chúng Việt Nam.

"Benedetto Pacifico" là 1 trong 12 tác phẩm múa do Karines Ponties biên đạo được giới thiệu trên toàn thế giới trong năm nay. Để hoàn thành vở múa "Benedetto Pacifico", chị và Ricardo Machado đã phải trao đổi và làm việc liên tục với nhau trên sàn tập nhiều tháng trời.



"Benedetto Pacifico"

Vở diễn cuối cùng là một vở vũ kịch hợp tác Đức - Việt mang tên "Cái chết và Cô gái" (Der Tod Und Das Madchen), lấy cảm hứng từ kiệt tác âm nhạc cùng tên được nhà soạn nhạc thiên tài người Đức, Franz Schubert viết năm 1817.

"Cái chết và Cô gái" cũng được sử dụng làm phần nhạc nền cho vở múa này. Sự kết hợp giữa ngôn ngữ múa đương đại với nhạc cổ điển với phần trình diễn rất thành công của 11 nghệ sĩ đến từ VNOB đã mang đến cho người xem một vở diễn nhiều cảm xúc, mang đậm sắc thái châu Âu.

Có được điều này công lớn là của Hans Henning Paar, biên đạo múa nổi tiếng người Đức. Suốt 1 tháng qua anh và các nghệ sĩ của VNOB đã phải làm việc cật lực trên sàn tập của Nhà hát nhạc vũ kịch để hoàn thành vở diễn này.


Trên nền nhạc sâu sắc và đằm thắm của Franz Schubert (1797 - 1828) tác phẩm "Cái chết và Cô gái" đã hình thành. Đó là câu chuyện kể bằng ngôn ngữ hình thể về một cô gái bị Thần chết đeo bám. Thoạt đầu, cô gái cố sức phản kháng nhưng rồi cô dần buông xuôi và cuối cùng nhẹ nhàng từ giã cuộc sống.

Một vở diễn nhiều cảm xúc, với những nút thắt và cao trào kịch tính không kém một vở kịch nhưng thay vì diễn bằng lời nói, các nghệ sĩ lại đối thoại với nhau bằng ngôn ngữ múa đương đại. "Cái chết và Cô gái" đánh dấu lần hợp tác thứ hai của Hans Henning Paar với các nghệ sĩ của VNOB. Hans Henning Paar đã từng cùng với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dàn dựng vở nhạc kịch "Người đi qua thung lũng" vốn công diễn rất thành công hồi tháng 1/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội.



"Cái chết và Cô gái"

Trong lần cộng tác thứ hai này, Hans Henning Paar đã chọn được một gương mặt xuất sắc trong số các nghệ sĩ làm việc với anh tại VNOB. Phạm Trí Thanh, 1 trong 11 nghệ sĩ tham gia vở "Cái chết và Cô gái", sẽ có 4 tháng làm việc tại Munich, Đức trong Nhà hát quốc gia Am Gaertnerplatz, nơi Hans Henning Paar làm biên đạo trưởng, theo một học bổng nghệ thuật do Viện Goethe tại HN cấp.

Một vài hình ảnh khác tại đêm diễn:


Hoàng Vy
Ảnh, Clip: Nguyễn Hoàng