- Thông tin người đẹp Lý Nhã Kỳ trở thành đại sứ du lịch Việt Nam cho đến hiện tại vẫn gây  xáo động người đọc và ý kiến trái chiều liên tục được đẩy lên mọi diễn đàn.


Cũng có người cho rằng Lý Nhã Kỳ đẹp là được rồi, cần gì phải khó tính thế, nhưng nhiều ý kiến khác không đồng tình. VietNamNet xin gửi tới bạn đọc một ý kiến rất tâm huyết của một người công tác trong ngành Du lịch.

Nhiệm kỳ Đại sứ Du lịch VN của Lý Nhã Kỳ kéo dài trong 1 năm (tháng 9/2011-9/2012). Ảnh: Trung Chiến

Làm trong lĩnh vực du lịch, đã từ lâu tôi mong mỏi Việt Nam mình chính thức có văn phòng đại diện du lịch tại nước ngoài, hay ít ra là một đại sứ du lịch – người đại diện mang những vẻ đẹp văn hóa tuyệt vời của Tổ Quốc ra với thế giới. Khi biết Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch đã chính thức bổ nhiệm diễn viên Nhã Kỳ làm đại sứ du lịch Việt Nam – mong mỏi lâu nay trở thành một cú sốc thật sự, mà chắc có lẽ cũng không phải chỉ là cú sốc với một hai cá nhân đơn lẻ.

Việc chọn người nổi tiếng làm đại sứ du lịch là một việc dễ hiểu; tuy nhiên làm đại sứ du lịch không giống như làm đại sứ cho một nhãn hàng hay một sự kiện nào đó. Đại sứ du lịch là hình ảnh đại diện cho cả một đất nước – thiết nghĩ đó phải là người có tầm ảnh hưởng và có hình ảnh tạo được sự liên tưởng mạnh mẽ cho bạn bè quốc tế về những nét đẹp tiêu biểu nhất của quốc gia dân tộc mà họ đại diện. Tên gọi là đại sứ du lịch nhưng thực chất đó là người đại sứ về văn hóa, về bản sắc dân tộc, về những gì đặc trưng nhất của một đất nước. Tôi nghĩ còn rất nhiều những yêu cầu khắt khe nhưng cần thiết của một người đại sứ du lịch như cần có kiến thức sâu, rộng về các lĩnh vực văn hóa – du lịch, có khả năng diễn thuyết, có trình độ ngoại ngữ… tuy nhiên quan trọng hơn hết vẫn phải và nên là “một hình ảnh mang tính văn hóa dân tộc mẫu mực”. 

Những gì tôi biết về nữ diễn viên Nhã Kỳ không thể nào cho tôi một liên tưởng gần gũi đến hình ảnh một  đại sứ du lịch. Lần đầu nghe tên nữ diễn viên này – tôi không nghĩ cô là người Việt Nam. (Quả thực sau khi tìm hiểu thêm, tôi mới biết đó là một cái tên... rất Hồng Kông).

Lần thứ hai – cô gây một ấn tượng không thể phai đó là khi xem trực tiếp chương trình Nhà hát truyền hình với vở diễn đậm chất sử thi “Võ Nguyên Giáp và Bản Giao Hưởng Điện Biên”. Đã rất chờ đợi chương trình này nhưng tôi không thể theo dõi vở diễn liên tục vì mỗi khi nhân vật “ Julie – người tình của tướng Đờ Cát” do LNK thủ vai là tôi phải…chuyển kênh. Có thể đây là một “tai nạn nghề nghiệp”, nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc là chuyện rất bình thường, có thể chấp nhận được ở chừng mực nào đó khi nhìn từ góc độ giải trí nhưng khi nhìn từ góc độ khắt khe hơn đối với một người mang trọng trách là đại sứ du lịch, thì tôi không thể chấp nhận!

Sự cố lộ ngực phản cảm của người đẹp này đã gây xôn xao dư luận

Một vấn đề cũng rất quan trọng đặt ra ở đây là qui trình và tiêu chí bổ nhiệm đại sứ du lịch được tiến hành như thế nào mà “nhanh gọn” thế?

Mới cách đây chưa đầy một năm cuộc thi thiết kế logo và slogan cho du lịch Việt Nam được tiến hành ‘chóng vánh” trong vòng vỏn vẹn gần 4 tháng để kịp có khẩu hiệu – biểu tượng mới cho giai đoạn 2011 – 2015 đã dẫn đến chất lượng cuộc thi không cao và cuối cùng thì đi đến quyết định… phát động lại cuộc thi!

Phải chăng vẫn là cùng một bản chất dẫu cho hiện tượng có khác nhau đôi chút? Bộ VHTT&DL vừa có Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn, hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam được ban hành ngày 20/9 thì đến 21/9 có quyết định bổ nhiệm Lý‎ Nhã Kỳ làm đại sứ. Có một quá trình lựa chọn hình ảnh đại diện cho cả một đất nước với ngàn năm lịch sử nào lại chỉ diễn ra trong vòng một ngày thế không? Tất nhiên là phải có qui chế vì đúng nghĩa thì qui chế là căn cứ để lựa chọn được ứng viên xứng đáng… nhưng càng đọc kĩ qui chế này thì tôi lại càng không hiểu tại sao lại ra cơ sự như vậy!

Gần đây ta thấy Hàn Quốc đã chọn ca sỹ Mỹ Linh làm đại sứ du lịch tại Việt Nam; Malta chọn Hồng Nhung làm tùy viên văn hóa và du lịch tại Việt Nam; hay New Zealand – một đất nước nổi tiếng về công nghệ quảng bá điểm đến chọn nữ diễn viên Yao Chen làm đại sứ du lịch tại Trung Quốc cho chương trình xúc tiến “100% Pure New Zealand” vì hình ảnh trẻ trung, thực sự tự nhiên, tràn đầy sức sống (đúng như hình ảnh đất nước New Zealand đang muốn xây dựng trong lòng du khách Trung Quốc); đồng thời nữ diễn viên này cũng có sức ảnh hưởng rất lớn tại Trung Quốc.

Có thể thấy cách làm của các nước này an toàn và mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Mặc dù như Hàn Quốc – họ có rất nhiều diễn viên, ca sĩ có tầm ảnh hưởng đặc biệt lớn đến giới trẻ Việt Nam nhưng họ vẫn chọn ca sỹ Mỹ Linh làm đại sứ du lịch cho đất nước họ tại thị trường Việt Nam.

Ở những thị trường mục tiêu khác, có lẽ họ cũng chọn một nhân vật nổi tiếng có tầm ảnh hưởng của chính đất nước đó làm đại sứ du lịch cho họ. Đây là phương thức hiệu quả để quảng bá hình ảnh một đất nước, thu hút được thị trường mục tiêu thông qua tầm ảnh hưởng của “người đại sứ” mà người đại sứ cũng dễ dàng hoàn thành sứ mạng vì không phải chịu sức ép của rào cản ngôn ngữ, của những khác biệt văn hóa và vì được trải nghiệm thực sự nên họ sẽ “thấy sao nói vậy” là chính!

Cuối cùng thiết nghĩ hình ảnh đại sứ du lịch là hình ảnh quốc gia; Nếu thấy thực sự cần thiết phải có thì nên chăng Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch cần lên kế hoạch và thực hiện một cuộc bầu chọn “Đại Sứ Du Lịch” hoặc tổ chức lấy ‎ý kiến rộng rãi bằng nhiều hình thức tương tự như việc bầu chọn quốc hoa vừa qua. Cách làm này có thể mất thời gian hơn nhưng kết quả sẽ phù hợp, đạt được sự đồng thuận lớn hơn chứ không phải để lại những cú sốc, những bất ngờ đến ngỡ ngàng cho nhiều người khi thông tin được công bố.

Phương Lan (TP. Đà Nẵng)

Bạn đọc có thể tham khảo thêm các nguồn thông tin:

>>Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn, hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam được nêu rõ tại http://www.vietnamtourism.gov.vn/index.php?cat=1005&itemid=10056

>>Bổ nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2011-2012 tại http://www.vietnamtourism.gov.vn/index.php?cat=1005&itemid=10069