- Chủ tịch Hội đồng điện ảnh châu Á Oh Seok Geun chia sẻ bài học thành công của điện ảnh Hàn Quốc như một gợi ý cho con đường phát triển điện ảnh Việt.

Ông Oh Seok Geun (đạo diễn, nhà sản xuất phim người Hàn Quốc) là Giám đốc điều hành Hội đồng Điện ảnh Busan, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng điện ảnh châu Á (AFCNet). Cuối tháng 8 vừa rồi, ông Oh Seok Geun và một số đại diện của AFCNet đã đến làm việc tại VN, chính thức mời Cục điện ảnh VN tham dự Diễn đàn chính sách điện ảnh châu Á được tổ chức vào tháng 10 năm nay. Họ cũng đã có một buổi họp bàn để dự tính kết nạp VN làm thành viên thứ 17 của AFCNet.

 Ông Oh Seok Geun, sinh năm 1961, đạo diễn, nhà sản xuất phim người Hàn Quốc
Nhân sự kiện VN chuẩn bị là thành viên của AFCNet, phóng viên Vietnamnet đã có cuộc trao đổi với ông.

Cần kế hoạch và tầm nhìn dài hạn

- Ông có ấn tượng gì về nền điện ảnh đương đại ở Việt Nam?

- Vì không có nhiều cơ hội xem phim VN nên rất khó cho tôi để nhận xét về phim Việt. Mỗi năm ở Liên hoan phim Quốc tế Busan (BIFF) chỉ có hai đến ba phim của các bạn tham dự. Tuy nhiên, Bi, đừng sợ! (Phan Đăng Di) và Huyền thoại bất tử (Lưu Huỳnh) được trình chiếu ở BIFF năm ngoái là hai bộ phim rất ấn tượng. Đặc biệt Huyền thoại bất tử là một tác phẩm rất độc đáo, thuộc thể loại phim võ thuật, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của nhiều yếu tố như âm nhạc, tình yêu và giấc mơ.

- Theo ông, vị trí của VN  trong mặt bằng điện ảnh đương đại của các nước châu Á khác là gì?

- Trong những năm gần đây, Indonesia và Philippines là hai nền điện ảnh phát triển rất nhanh ở châu Á. Điện ảnh Indonesia phát triển cực nhanh, trung bình mỗi năm sản xuất cả trăm phim. Số lượng phim sản xuất ở Philipines cũng tăng lên đáng kể. Mặc dù so với các nước khác, VN không sản xuất nhiều phim bằng, nhưng các bạn vẫn có rất nhiều cơ hội và tiềm năng cho sự phát triển.

- Tăng trưởng nhanh chóng của điện ảnh Hàn Quốc, nhờ vào chính sách quản lý vĩ mô hiệu quả của chính phủ về điện ảnh, đã trở thành một hình mẫu đáng mơ ước cho nhiều quốc gia, trong đó có VN. Điều gì sẽ là lời khuyên của ông cho các quan chức chính phủ chịu trách nhiệm quản lý và hỗ trợ ngành công nghiệp điện ảnh ở các nước?

- Điện ảnh Hàn Quốc phát triển nhanh chóng không chỉ vì những nỗ lực của các nhà làm phim mà còn có vai trò quan trọng của các tổ chức điện ảnh ở cấp chính quyền khu vực, chính phủ cùng các chính sách phim ảnh. Theo tôi, các bạn phải luôn có một nhu cầu đầu tư trực tiếp để thúc đẩy nền công nghiệp điện ảnh với một kế hoạch và tầm nhìn dài hạn. Còn nữa, các bạn nhất thiết phải đối thoại cởi mở, lắng nghe các ý kiến của những người làm phim để có những điều chỉnh cần thiết đối với các chính sách phim ảnh của quốc gia mình.

Điện ảnh Hàn Quốc từng có những điều kiện tương đồng như điện ảnh VN hôm nay.
Cơ hội và thách thức

- Những gì ông cho rằng sẽ là cơ hội và thách thức có thể đến với các nhà làm phim VN hiện tại?

- Có thể thời điểm hiện tại không phải là môi trường tốt nhất cho việc làm phim, nhưng tôi vẫn thấy có nhiều nỗ lực gây ấn tượng sâu sắc. Ở nước chúng tôi, để nền công nghiệp điện ảnh lớn mạnh, Hàn Quốc đã có những nỗ lực không ngừng để cải thiện nhiều bộ phận liên quan, điều này hẳn tương đồng với điều kiện hiện tại của điện ảnh VN. Để một bộ phim ra đời, phải chịu nhiều ràng buộc ảnh hưởng, ví dụ như đầu tư và phát hành. Nhưng nhiệt huyết còn quan trọng hơn nhiều. Nếu có thêm các chương trình hỗ trợ từ chính phủ, cùng với hệ thống này, điện ảnh VN sẽ có nhiều cơ hội phát triển thành công và lớn mạnh.

- Theo ông, phim độc lập có cần phải có sự hỗ trợ riêng? Các nhà làm phim độc lập Hàn Quốc hoạt động ra sao?

- Đã có thời điện ảnh Hàn Quốc bị các phim lớn đánh bại. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, các dự án phim nghệ thuật, phim độc lập đã lớn mạnh nhanh chóng. Mặc dù vậy, để hỗ trợ cho việc sản xuất một phim độc lập vẫn là thách thức trong việc cải thiện toàn bộ các lãnh vực bao gồm đầu tư, phát hành và sản xuất theo cách mới. Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) giúp đỡ các dự án phim độc lập bằng cách tạo ra một quỹ hỗ trợ chuyên biệt. Chính phủ Hàn Quốc cũng dành sự hỗ trợ riêng cho việc phát hành và trình chiếu phim độc lập.

Việt Nam sẽ trở thành thành viên thứ 17 của AFCNet

AFCNet là mạng lưới các hiệp hội điện ảnh ở khu vực châu Á để chia sẻ thông tin điện ảnh giữa các thành viên, hỗ trợ môi trường làm phim, thảo luận để cải tiến các chính sách điện ảnh... AFCNet đặt trụ sở chính tại Busan (Hàn Quốc) và hiện có 16 thành viên, trong đó có 6 nước Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Mỗi năm, AFCNet đều tổ chức họp mặt và gặp gỡ các nhà làm phim ba lần, vào tháng 3 (tại Hong Kong), tháng 6 (tại Mỹ) và tháng 10 tại LHP quốc tế Busan (Hàn Quốc).

Diễn đàn chính sách điện ảnh châu Á thường niên từ năm 2008 quy tụ các nhà quản lý điện ảnh ở các nước và khu vực do AFCNet tổ chức có rất nhiều buổi hội thảo khác nhau về sự trợ giúp làm phim, thuế, những cải cách có hệ thống, và các thỏa thuận hợp tác sản xuất quốc tế của mỗi quốc gia để hướng dẫn các chính sách phim ảnh ở mỗi nước về môi trường làm phim.

AFCNet cũng đang nỗ lực quảng bá môi trường làm phim châu Á với phần còn lại của thế giới, ví dụ như triển lãm thương mại các địa điểm quay phim của AFCI ở Mỹ, TIFFCOM ở Nhật Bản, và Hội chợ phim Hồng Kông. Bắt đầu từ năm nay, sẽ có giải thưởng riêng của AFCNet  trao tặng cho một dự án phim hoặc một nhà làm phim chứng minh cam kết lâu dài mạnh mẽ của AFCNet đối với sự phát triển điện ảnh châu Á.

Khải Trí