- Lúng túng trong việc xử lý những biểu hiện được cho là phản cảm, "thảm họa" trong nghệ thuật biểu diễn hiện nay do luật định không theo kịp thực tế, nên hết bàn lại cãi, scandal vẫn cứ xảy ra.
Sau một năm đầy ắp sự kiện và đầy rẫy scandal, cơ thể của "con bệnh" có tên gọi chung là nghệ thuật biểu diễn, được đưa ra mổ xẻ vào ngày 27/12/2011 tại TP.HCM trong hội nghị "Nâng cao thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn".
Bối rối từ phòng quản lý ra sàn diễn
Diễn ra ở TP.HCM, nơi có thị phần giải trí chiếm khoảng 70% cả nước, nhưng chẳng có mấy người trong nghề - ở đây muốn nói đến những nghệ sĩ làm nghề thực sự, đông đảo, đang làm nên thành tựu lẫn "thảm họa", có mặt tại hội nghị dù để vạch lỗi hay phân trần. Cuộc gặp gỡ thiếu những câu chuyện nóng hổi từ thực tế, những vấn đề mà phải nhảy vào mới thấy thay vì ngồi lý thuyết suông, khi chỉ có lác đác ca sĩ Thanh Thúy, nghệ sĩ Hồng Vân của sân khấu kịch, cựu người mẫu Thanh Long, NSƯT Đặng Hùng từ ngành múa.
Ngắn cỡ nào, mỏng ra sao, hở đến đâu thì bị phạt? |
Trung bình mỗi năm, Sở VH-TT-DL TP.HCM cấp phép đến 400 chương trình biểu diễn ca nhạc, sân khấu và thời trang. Trong số này, có khoảng 170 chương trình mang tính nghệ thuật, hơn 120 chương trình có tính chất thương mại, còn lại là sự kiện phục vụ tuyên truyền, từ thiện... Với mật độ dày đặc mỗi ngày có hơn một chương trình diễn ra như thế, dù được phúc khảo, tư vấn, chỉnh sửa, vẫn không tránh khỏi việc lọt sổ những chương trình có sai phạm như: đơn vị tổ chức tự ý thay đổi một vài tiết mục, trang phục, hát nhép, phong cách biểu diễn của nghệ sĩ gây phản cảm, múa minh họa không phù hợp nội dung bài hát...
Tuy vậy, trong năm 2011 chỉ có hai trường hợp (công ty người mẫu Venus và công ty giải trí Bạch Kim) bị xử lý do tự ý thay đổi trang phục không đúng theo giấy phép. Bởi những sai phạm kinh niên như hát nhép, phong cách phản cảm, tuy nhan nhản nhưng cơ quan quản lý gặp khó trong việc bắt quả tang (hát nhép) hoặc thẩm định (đến độ nào là phản cảm).
Ông Trần Minh Phương, quyền Trưởng phòng nghệ thuật, Sở VH-TT-DL TP.HCM thừa nhận: "Xác định một chuẩn mực thẩm mỹ chung là điều không đơn giản. Có thể sẽ gây ra nhiều tranh cãi khi cơ quan quản lý nhà nước đề ra một số tiêu chuẩn thẩm mỹ nhất định nào đó đối với sản phẩm nghệ thuật. Nhưng nếu không có những quy định tối thiểu thì người làm công tác thẩm định sẽ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn các sản phẩm nghệ thuật kém chất lượng khi tác phẩm đó không vi phạm những điều cấm theo quy định của pháp luật".
Câu chuyện nhìn từ thực tế quản lý văn hóa ở TP.HCM cũng là vấn đề chung của ngành nghệ thuật biểu diễn trên bình diện cả nước. Kẻ vi phạm, người đi phạt đều lúng túng. Áo ngắn cỡ nào, váy mỏng ra sao, hở đến đâu thì bị tóm hoặc thoát, còn vẫn tiếp tục cãi nhau.
Tại anh tại ả, tại... tất cả các bên
Có tên gọi - chủ đề - nội dung chung chung như nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm bấy lâu ở nước ta, nên không kỳ vọng hội nghị này vỡ ra được vấn đề hay giải pháp nào mới mẻ. Nhưng với việc đưa quan chức, đại biểu trong ngành về TP.HCM - thị trường biểu diễn sôi động và lắm chuyện nhất nước, để bàn luận cùng nhau, những vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm đã được đụng đến. Tuy rằng còn phải nói dài dài và giải quyết... từ từ.
Sân khấu ca nhạc là nơi bị soi nhiều nhất (ảnh có tính minh họa) |
Nhưng ý kiến khác, như của ông Chu Thơm, nguyên Phó trưởng phòng nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn, thì tác nhân lại là nghệ sĩ: "Chạy theo tiêu chí không "thảm họa" bất thành nổi tiếng, một số ca sĩ và người mẫu bất tài đã cố tình tung ra "thảm họa" để mưu cầu sự nổi tiếng. Thậm chí khi bị công chúng tẩy chay, coi các tác phẩm ấy là rác rưởi, họ không những không hề thấy xấu hổ, mà còn lấy làm tự hào vì "thảm họa" của mình được nhiều người ném đá, thành chiêu PR, khiến cát xê của họ càng cao hơn".
Tất nhiên, khán giả, nhà quản lý, luật lệ, biện pháp, cũng không thoát khỏi cái đèn cù ai gây ra nông nỗi này. Người ngoài cuộc sẽ thấy ngay rằng tất cả các đối tượng trên đều góp một phần nguyên nhân. Nhưng có ai là ngoài cuộc ở đây đâu, nên không "thằng" nào phải chết cả. Mà nếu không ai chết, thì chắc chắn trách nhiệm là của... chung.
Rất may, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Vương Duy Biên, đã tái khẳng định tại hội nghị việc Cục hoàn thành nghị định về nghệ thuật biểu diễn để trình Chính phủ làm tiền đề ban hành luật biểu diễn trong tương lai. Luật biểu diễn ra đời là tất yếu khi văn bản dưới luật đã không còn theo kịp tình hình thực tế của không gian nghệ thuật biểu diễn sôi động và phức tạp như hiện nay.
Song luật phải ra sớm và bám thật sát đời sống nghệ thuật biểu diễn, thì mới mong về sau, người ta thực sự chuyên tâm lo chuyện "nâng cao thẩm mỹ". Chứ không mất thời gian bàn về những điều mà nếu có luật thì chẳng phải tổ chức hội nghị, hội thảo "nâng cao thẩm mỹ" quá nhiều để tranh cãi nhau làm gì cho tốn tiền nhà nước.
Võ Tiến