Chủ tịch nước sẽ tiếp các đại biểu thơ quốc tế
Ngày thơ Việt Nam kiên quyết không bán vé
Chuyện tùy tiện ở Ngày Thơ Việt Nam
Rước đất và nước trong ngày thơ Việt Nam
Chỉ có 6 đại biểu tham gia trình bày tham luận tại Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương trong buổi chiều ngày 2/2, nhưng nhiều vấn đề gai góc đã được đề cập và mổ xẻ, những nỗi đau tinh thần của thế hệ được chính các nhà thơ gửi gắm. Thơ ca quốc tế đã cất lên tiếng nói của tinh thần và tự nhiên đang cần được cứu rỗi trong thời hiện đại.
Không khí trong buổi hội thảo đầu tiên khá nghiêm túc. Các đại biểu có sự tập trung nhất định khi lắng nghe tham luận – dù chưa thực sự đạt kì vọng. Có khá nhiều đại biểu (cả trong nước và quốc tế) thờ ơ và bỏ chỗ sau giờ nghỉ. Quốc gia có sự tập trung cao nhất là Nhật Bản, cả 4 đại biểu Nhật Bản đều chú tâm theo dõi trên tài liệu bằng tiếng Anh và lắng nghe phát biểu của các diễn giả đến từ các nước khác.
Đại biểu Nga và Trung Quốc tại hội thảo |
Ấn tượng lớn nhất đến từ nhà thơ Nikolai Vladimirovich Preiaxlov (Nga) - viện sĩ Viện Hàn lâm Petrov. Người đàn ông cao lớn với bộ râu nổi bật giữa đám đông này đồng thời là nhà phê bình, nhà văn xuôi, nhà báo, đã được tặng thưởng nhiều huy chương quốc gia, có nhiều đóng góp cho nền thơ ca và văn hóa Nga.
Preiaxlov nhìn thấy: "Có các dấu hiệu của một khuynh hướng hoàn toàn khác trong văn học cuối thế kỉ 20 - đầu thế kỉ 21, nơi bắt đầu xuất lộ các tính cách ngày càng rõ ràng hơn của một cái giống hệt nhau, những dấu hiệu, những bộ mặt ngày càng khuôn sáo và mất hết tính cách dân tộc đặc trưng..."
Ông nói: "Toàn cầu hóa không chỉ đơn giản là kẻ giết chết cái đẹp nghệ thuật và sự độc đáo dân tộc - vốn có trong văn chương của dân tộc này hay dân tộc khác. Mọi cái diễn ra phức tạp hơn nhiều và nghiêm trọng hơn nhiều. Thay vào chiều sâu và tính cách không lặp lại của những hình tượng nghệ thuật thực sự, là những khuôn mẫu hàng loạt, giống nhau như đúc không thể phân biệt, như những con robot xám xịt - một "món ăn chung cho tất cả mọi người".
Văn hóa toàn cầu loại ra khỏi tâm hồn và nhận thức của con người những hình tượng tinh thần cao cả, trong bao nhiêu thế kỷ và thiên niên kỷ mà văn chương cổ điển các dân tộc đã tạo dựng. Toàn cầu hóa, chính bằng cách đó, đã tước đi của nhân loại cái hệ thống miễn dịch đáng tin cậy, làm cho con người bất lực trước cái tính chất trống rỗng tinh thần, sự hèn hạ thấp kém và vô liêm sỉ tràn lấn ở khắp mọi nơi".
Nhà thơ, nhà phê bình Nikolai Vladimirovich Preiaxlov (Nga) |
Ông nhận định: "... Chúng ta phải có nhưng loại thuốc giải độc cực mạnh, ... phải đẩy mạnh sự sáng tạo của chính dân tộc mình. Và đặc biệt, đẩy mạnh thể loại có một hiệu quả đặc biệt tác động tới tinh thần người đọc, đó là thơ ca".
Một tham luận khác mang đậm dấu ấn những trải nghiệm cá nhân và thế hệ đến từ Holly Thompson - nhà thơ mang hai quốc tịch Nhật/Mỹ. Bà nói về sự phân biệt đối xử mà những đứa con sinh ra trên đất Nhật của bà phải gánh chịu từ những đứa trẻ cùng trang lứa. Sự kì thị về chủng tộc và màu da vẫn còn tồn tại ở những thế hệ tiếp nối chúng ta – thậm chí tại một đất nước phát triển kinh tế hàng đầu trên thế giới - là một điều đáng phải suy nghĩ.
Holly Thompson - nhà thơ mang hai quốc tịch Nhật/Mỹ với tham luận kêu gọi lòng nhân đạo |
Goro Takano - nhà thơ, giáo sư dại học Saga, chuyên gia văn hóa Á Phi thế kỉ 20 và văn học Việt Nam sau chiến tranh. Ông chăm chú theo dõi từng tham luận của các nhà thơ khác. |
Lần đầu tiên được nghe tham luận của các nhà thơ quốc tế cùng chia sẻ tại Việt Nam, có thể thấy những nguy cơ phá hủy văn hóa gốc đang cùng được nhận thức từ khắp nơi trên thế giới. Nó tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực lên tinh thần của các cá nhân hay các cộng đồng, dù ở bất cứ nơi đâu. Việc nhận thức ra những nguy cơ (vốn đa dạng và phức tạp) này là bước đầu tiên để tiếp tục bảo vệ văn hóa nhân loại.
Hồ Hương Giang
Ảnh: Angellittlefire