-"Tình yêu không dành cho kẻ lười biếng, đôi khi nó đòi hỏi những hành động thật quyết liệt"


Lắng nghe yêu thương - Tác giả: Susanna Tamaro

"Nỗi sợ

Chẳng quái vật nào hù dọa được ta
kể cả những tên giết người man rợ
Ta chẳng sợ đêm tối
bão lũ hay cuồng phong
bản án hay cái chết
Hay một tình yêu vô hình
Ta chỉ sợ
bàn tay con bé bỏng
dò dẫm tìm tay ta
Sợ ánh mắt thơ dại
"Tại sao?" con thường hỏi"


Đó là bài thơ cuối cùng của một người Mẹ, mà đứa con gái không biết mặt sau này của bà đã đọc và mắt nhòe đi, cô nghĩ: "Vì mẹ trưởng thành mà không có cội rễ vững chắc, nên thác ghềnh tàn bạo đã cuốn mẹ đi. Dưới lớp vỏ bọc tư tưởng cứng rắn và khát vọng mơ hồ vươn tới mối hòa hợp chung trừu tượng, có một phụ nữ trẻ, trong phần lớn cuộc đời ẩn náu của mình, đã mơ về tình yêu."

"Tình yêu không dành cho kẻ lười biếng, đôi khi nó đòi hỏi những hành động thật quyết liệt"

Cuốn sách đối thoại giữa 2 thế hệ, người cháu - người bà, qua một khoảng không gian bị xóa lấp là người mẹ. Nằm giữa những khoảng trống ấy là sự thay đổi và sự dịch chuyển, những tình yêu bị giam cầm trong sợ hãi và kiêu hãnh, cùng những mối quan hệ và khao khát với người đàn ông mà họ yêu thương, "Lắng nghe yêu thương" có thể xem một trong những cuốn sách về phụ nữ và gia đình hay nhất đã xuất bản tại VN trong năm 2012 và trong nhiều năm qua.

Người phụ nữ đã sống như thế nào dưới những tư tưởng của nhân loại, khát vọng của bản thân cô, tình yêu với người khác và bản năng làm mẹ? Những băn khoản của nhiều thế hệ phụ nữ về cuộc đời khiến người ta nhớ lại đoạn kết nổi tiếng trong cuốn tiểu thuyết "Con đường đau khổ"  của Nhà văn Nga - Aleksei Tolstoy: "....Chỉ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại, dịu dàng và chan chứa tình yêu thương..."

Hãy chăm sóc mẹ - Tác giả: Shin Kyung Sook

"Mẹ đã mua cái cây đó cho em mang về trồng ở khoảnh sân ngôi nhà em mới chuyển đến. Cái cây còn quá nhỏ, em tự hỏi không biết đến khi nào cây hồng này mới cho quả. Nhưng quả tình, em không muốn mang cây hồng về. Nói là nhà có sân nhưng đó đâu phải nhà của em, vả lại em cũng nghĩ không biết ai sẽ chăm sóc cho cái cây đó. Như đọc được ý nghĩ đó của em, mẹ bảo, “Con sẽ thấy cây hồng cho quả ngay thôi; đến bảy mươi năm còn trôi qua vèo vèo nữa là.”

Thấy em vẫn không định mang nó theo, mẹ bảo, “Như thế để khi mẹ không còn nữa, mỗi lần hái quả hồng là con lại nhớ đến mẹ
.”


Tác phẩm tuyệt vời này đã xuất hiện như một điểm sáng chói của văn học Hàn Quốc năm 2009. Không chỉ thành công về mặt thị trường khi bán được hàng triệu bản, tác phẩm còn được giới phê bình đánh giá cao, nổi tiếng vang xa khắp các nước châu Á. Tác phẩm được xuất bản tại 19 nước, trong đó có Mỹ. Với Hãy chăm sóc mẹ, tác giả Shin Kyung-sook trở thành nhà văn châu Á nổi bật nhất năm 2009.

Năm mùa yêu thương
- Tác giả: Khai Tâm

"Tác giả của cuốn sách "nấu ăn bằng tình yêu" này chia sẻ: "Điều quan trọng nhất trong nấu ăn không phải là dụng cụ, mà là lòng ao ước làm ra những món ăn ngon để người khác thưởng thức"

Những chiếc bánh xinh xinh gói trong từng túi nhỏ sẽ là món quà vặt thú vị của mẹ gửi gắm theo chân các con đến trường, cùng bạn bè ăn vào giờ nghỉ. Những chiếc bánh cùng con những buổi tan học, ngồi vắt vẻo sau xe bố mẹ trên đường về mỗi buổi chiều. Những chiếc bánh theo chân bố đi công tác, lót dạ những khi xa nhà. Những chiếc bánh góp vui ngày sum họp gia đình, mang sứ mệnh gửi gắm, truyền tải thông điệp yêu thương.


Tuổi thơ của các con rồi sẽ dần qua, cha mẹ rồi cũng sẽ dần già đi, nhưng dù năm tháng xóa mờ nhiều ký ức, bất cứ khi nào ngoảnh mặt lại, hy vọng tất cả các thành viên đều sẽ cảm nhận được hương vị của gia đình, hương vị của hạnh phúc và tình yêu.

Lòng ao ước đó có lẽ chỉ xuất hiện khi người ta quan tâm và yêu mến nhau. Những món ăn trong gia đình, cũng như những cây đinh nhỏ bé trong chiếc bàn, lặng lẽ gắn kết mọi thứ. Trên hết cả, hãy để cho mùa yêu thương luôn hiện diện trong từng phút giây của cuộc sống, trong suốt bốn mùa của một năm.
"

  • Hồ Hương Giang