“Tư là người rất ghét chụp ảnh và rất sợ bị đưa ảnh lên mạng dù ở blog Sầu Riêng của chị cái ảnh avatar là một cô Tư đang lấy tay che mặt khá teen và duyên”.

(Cuộc trò chuyện dưới đây trích từ bài viết cùng tên của nhà thơ Văn Công Hùng và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đăng trên tờ Nghệ thuật mới. Nhân vật xưng “tôi” trong bài là nhà thơ Văn Công Hùng - PV).

…Rời Hội Văn học Nghệ thuật Cà Mau, giờ Tư làm cho một tờ báo ở thành phố Hồ Chí Minh, nghe nói thu nhập cũng rủng rẻng, nhưng phải làm việc quyết liệt, phải đi nhiều. Hôm Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc ở Tuyên Quang (9/2011 - PV), Tư vừa là thành viên ban nhà văn trẻ, vừa là đại biểu "nhà văn trưởng thành" được mời, nhưng chị chỉ ghé Tuyên Quang được một đêm rồi sáng sau phải sang trước Thái Nguyên chứ không dự được chút nào, dù rất nhiều cây bút trẻ háo hức muốn gặp chị, và ngay Ban tổ chức cũng hình như là chưa gặp được.

Tư là người rất ghét chụp ảnh và rất sợ bị đưa ảnh lên mạng dù ở blog Sầu Riêng của chị cái ảnh avatar là một cô Tư đang lấy tay che mặt khá teen và duyên. Với tôi đã 2 lần Tư đề nghị điều ấy. Lần thứ nhất là hồi chị lên Pleiku, tôi đi theo làm hướng dẫn viên, tiện tay chụp một mớ ảnh, sau đó tối post lên blog.

Khuya khuya nhận được một tin nhắn tửng tửng: làm ơn gỡ giùm mấy tấm ảnh hộ đi, trông muốn... ói quá. A té ra là cô nàng có đọc blog của mình. Lần sau là ở Bến Tre, sáng tôi đi bộ bên bờ sông Hàm Luông, gặp cô nàng huỳnh huỵch chạy, sẵn máy ảnh đang giương chụp bình minh Bến Tre tôi lia sang phát, nhưng cô nàng rất tinh, một tay che mặt, chân bước chéo về trái nơi có cái cây khiến cho bức ảnh chỉ nhòe một bóng con gái không rõ hình hài, như là một nhân vật của bức ảnh thôi….


Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Văn Công Hùng: - Từ "Ngọn đèn không tắt" đến "Cánh đồng bất tận" là một sự thay đổi rất lớn của Nguyễn Ngọc Tư cả về bút pháp và cách nhìn đời sống. Em công nhận không?

Nguyễn Ngọc Tư: Từ "ngọn đèn" tới "cánh đồng" mình gói vào một câu nhưng là khoảng cách 5 năm. Lẽ tự nhiên, em lớn lên, chững chạc thêm chút già đi thêm chút. Văn phong cũng vì vậy mà thay đổi, nói chung thì càng ngày càng… phức tạp. Em thường nghĩ trời đất ơi mình phức tạp quá, liệu hai mươi năm nữa thì sự phức tạp đó đậm đặc tới mức nào. Cũng may ông trời sáng suốt, thấy nhiều ông bạn già của mình giờ đơn giản lắm, hồn nhiên như trẻ con vậy. Cứ nhìn họ là mình lại thấy hy vọng…

Văn Công Hùng: - Anh khâm phục "Cánh đồng bất tận" nhưng lại thích thú và yêu mến "Ngọn đèn không tắt" hơn. "Ngọn đèn không tắt" tài hoa và đằm sâu nhân hậu. "Cánh đồng bất tận" khốc liệt và thông minh. Tất nhiên nó vẫn là một Nguyễn Ngọc Tư của đồng bằng Nam Bộ, của Cà Mau, nơi mà mình thấy Nam Bộ với nền văn hóa độc đáo khu biệt đã làm nên tên tuổi Nguyễn Ngọc Tư và ngược lại Nguyễn Ngọc Tư đã làm cho vùng đất này trở nên phổ biến không chỉ trong nước, mà cả ở nước ngoài, bằng những trang văn tài hoa và tình yêu ngộp thở với nó...

Nguyễn Ngọc Tư: Tư cũng yêu "Ngọn đèn không tắt". Dạo ấy còn ngây ngô, viết câu văn cũng ngây ngô, ý tưởng càng ngây ngô. Mà trong trẻo, giản dị. Em vẫn thường nói đó là cuốn hay nhất, bởi vì mình không thể viết lại giống như vậy. Những va chạm, những trải nghiệm mới đã làm em vẫn yêu vùng đất này, nhưng yêu kiểu khác, riết róng và thực tế. Em nhận ra rằng chỉ cần mình yêu và gắn bó thật lòng, thì yêu kiểu nào cũng truyền dẫn tình yêu đó đến với người đọc, dù ít hay nhiều. Đọc "Cánh đồng bất tận" không làm người ta sợ Nam Bộ đâu, em tin vậy…

Văn Công Hùng: - Nếu có một thành phố nào đó, chiêu hiền đãi sĩ, mời thì em có chuyển nhà về đấy không?

Nguyễn Ngọc Tư: Không, cho đến giây phút này, em chẳng mảy may nghĩ mình sẽ bỏ xứ mà đi đâu đó. Để bứng mình đi hẳn phải có cú sốc nào đó ghê gớm lắm. Nhưng nó chưa xuất hiện mà em thì cũng chẳng mong đâu (hình icon mặt cười xuất hiện).

Văn Công Hùng: - Em đang đọc gì? Có cuốn nào của tác giả trong nước không?

Nguyễn Ngọc Tư: Ôi, nhiều loại lắm, biết kể sao cho xiết. Sách cũng tùy tâm trạng, buồn thì tìm đọc thứ nhẹ nhàng, vui lại tìm những cuốn sách nặng đô, những cuốn có vấn đề đọc để… buồn. Nhưng văn học dịch thiếu nhi bao giờ cũng thích, con nít trong đó mới đúng là con nít. Đọc bao giờ cũng thấy mình bớt phức tạp hẳn.

Văn Công Hùng: - Có một hiện tượng là các nhà văn rất ít đọc... thơ? Tất nhiên anh biết vừa rồi em có tạt ngang chút đỉnh với thơ và... đau đớn thay cho cánh làm thơ (có anh) là thơ Nguyễn Ngọc Tư cũng được chào đón như văn xuôi.

Nguyễn Ngọc Tư: Trời, em đọc thơ chứ. Sổ tay ghi đầy những câu thơ (của người khác, tất nhiên). Em còn hay lân la chơi với mấy chú nhà thơ như Chim Trắng, Lê Văn Ngăn, Tô Thùy Yên… Nhưng thơ thường khó mua lắm, nếu như tác giả không… tặng, em buộc phải mò lên mạng để đọc, nhất là của những anh chị thơ trẻ. Việc làm thơ cũng là em bỗng nghĩ ra ý này ý nọ mà không thể diễn đạt bằng văn xuôi, mà bỏ luôn thì uổng quá. Không mấy khi gặp trường hợp vậy, mong anh đừng tỏ ra… đau đớn, hahaha.

Văn Công Hùng: - Em đánh giá về tản văn như thế nào? Người ta có thể sống được bằng chuyên viết tản văn không nhỉ?

Nguyễn Ngọc Tư: Không sống được. Nếu viết dở. Không ai đăng cho. Nhưng nói sống theo kiểu khác thì sống được, nhất là nếu người đó cô đơn và trầm tính, không thích bộc bạch mình bằng lời. Thì viết tản văn. Như một kiểu nhật ký, để người viết gửi gắm những điều mình nghĩ. Bằng cách này em gửi gắm được nhiều thông điệp, giải tỏa những cảm xúc đầy ứ trong lòng, mà truyện ngắn không làm được. Truyện của em toàn ảo, không gian và người ảo, không có hoặc rất ít Nguyễn Ngọc Tư ở đó. Em cho rằng tản văn gần với người viết nhất, bộc lộ tâm tư tình cảm của người viết nhiều nhất...

Từ "Ngọn đèn không tắt" đến "Cánh đồng bất tận"…

Viết xong bài này, như tính cẩn thận thường có, tôi mail cho Nguyễn Ngọc Tư với lời nhắn: "Em thân yêu, anh phải "nhậu" em thôi. Em đọc giùm anh nhé, và nếu có thể, cho anh vài cái ảnh, không thì anh phải dùng ảnh em đang chạy thể dục thôi, hơ hơ".

Tư trả lời ngay, "Biết rằng không thể ngăn được con đường... nhậu của anh. Thôi đành. Nhưng đừng nói chuyện tiền bạc ai trả trả ai, cho bọn nhà văn nó có tính sang trọng tí, anh. Ảnh đây, ít nhất không làm thất vọng các chàng trai".

Tôi mail tiếp: "nhất trí, không đứa nào trả tiền cả dù đoạn ấy khá vui và hot". Và Tư: "Bỏ 1 câu thôi mà. không suy suyển tới thằng hot và thằng vui".

Thế nên trong bài này tôi đã bỏ một câu khá hot và vui về việc ai trả tiền bữa nhậu ấy và biết thêm chi tiết là trên đời có một thằng hot và một thằng vui.

  • Vân Sam (chọn từ Nghệ thuật mới - số 1)