- Nhiều đoạn văn ngây ngô vì dịch giả dường như chỉ cố gắng đoán, chứ không phải là dịch. Thậm chí có những đoạn dịch loạn đã trở thành “tượng đài” về sự “vô tri”, ví dụ: “Bố em chết cách đây một tuần”, nàng nói. “Ung thư tử cung” (bản dịch cuốn Hạt cơ bản của Michel Houellebecq, dịch giả Cao Việt Dũng).

TIN BÀI KHÁc
Tình trạng dịch loạn ở VN đang lan rộng, nhiều tác phẩm gây chú ý và được các giải thưởng danh giá ở nước ngoài, như Mật mã Da Vinci của tác giả Dan Brown (dịch giả Đỗ Thu Hà), Hạt Cơ Bản, Bản đồ và vùng đất của Michel Houellebecq, Vô Tri của Milan Kundera, nhưng khi chuyển ngữ qua tiếng Việt đã gây ra các cuộc tranh luận gay gắt trên nhiều diễn đàn, với rất nhiều lỗi và cách hành văn tệ hại.

“Thảm họa dịch thuật” Mật mã Da Vinci năm 2005 đã khiến đơn vị xuất bản phải thu hồi và tổ chức hiệu đính, tái bản.


Nhiều đoạn văn ngây ngô vì dịch giả dường như chỉ cố gắng đoán, chứ không phải là dịch. Thậm chí có những đoạn dịch loạn đã trở thành “tượng đài” về sự “vô tri”, ví dụ: “Bố em chết cách đây một tuần”, nàng nói. “Ung thư tử cung” (bản dịch cuốn Hạt cơ bản của Michel Houellebecq, dịch giả Cao Việt Dũng).

Cách tốt nhất để dịch sai hoàn toàn


Dịch giả trẻ thế hệ 8x có thể còn quá non trẻ và chưa đủ vốn sống để dịch hay, nhưng những dịch giả nhiều năm trong nghề  dù dịch rất tốt cả cuốn sách cũng chưa hẳn đã tránh được lỗi. Ngay trong những dòng đầu tiên của Lolita - cuốn sách đang được tung hô ầm ĩ nhất hiện nay, cũng đã thấy câu văn tối nghĩa và khó hiểu: “Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita.” Không hiểu một người Việt bình thường có hiểu nổi “trên dòng kẻ bằng những dấu chấm” là cái gì hay không? Giáo sư Cao Xuân Hạo có viết rằng: “dịch sát từng chữ là cách tốt nhất để dịch sai hoàn toàn”. Thiết nghĩ đoạn dịch khó hiểu trên đây là một ví dụ rất thú vị cho nhận định của ông.

Dịch thuật là công việc cần những tài năng thực sự, vì một dịch giả tốt ngoài khả năng ngoại ngữ xuất sắc, còn phải hiểu rõ văn hóa của quê hương tác giả, có đủ vốn sống và đủ trải nghiệm để hiểu tác phẩm, có lương tâm để trung thực với công việc, và trước hết  họ phải có khả năng viết tiếng Việt hoàn hảo. Đọc các tác phẩm của Nam Cao, Nguyễn Du, đọc các bản dịch Tư Bản (Karl Marx), Trăm Năm Cô Đơn, Sông đông êm đềm, Chiến tranh và Hòa bình, sẽ thấy ngôn ngữ của chúng ta đủ sức mạnh và tinh tế để truyền tải những tư tưởng lớn, những cảm xúc tinh tế nhất. Chúng ta không cần thứ tiếng Việt lai căng, khô cứng và nhảm nhí mà nhiều “dịch giả” đang lạm dụng để che dấu sự bất tài và thiếu trách nhiệm trong công việc của mình.

Cuốn tiểu thuyết Lolita được nhiều bạn đọc từng tiếp cận với bản gốc phát hiện ra có lỗi dịch thuật

Bao giờ mới hết những chữ vô hồn?


Sau “thảm họa dịch thuật” Mật mã Da Vinci năm 2005, cũng có một số dịch giả lên tiếng gay gắt yêu cầu chấm dứt tình trạng dịch loạn. Thậm chí dịch giả Đoàn Tử Huyến còn lên tiếng yêu cầu “Cần phải làm sao để dư luận xã hội - mà trước hết là báo chí, rồi các cơ quan ngôn luận chuyên ngành văn nghệ, các cá nhân và tổ chức học thuật có thẩm quyền và uy tín - đủ sức bắt những kẻ muốn hoặc có thể làm ra những sản phẩm khuyết tật phải xấu hổ (chắc là họ vẫn còn có năng lực xấu hổ?) và phải trả giá - cả tinh thần lẫn vật chất.” Những đề nghị của ông hoàn toàn hợp tình hợp lý, nhưng thực tế thu nhập từ dịch thuật hiện nay có thể nói là khá khiêm tốn, chỉ vào khoảng 150 đồng cho một chữ, và nếu yêu cầu những dịch giả làm ẩu phải trả giá cho những sản phẩm khuyết tật của họ, thì chắc sẽ không còn nhiều người có tâm huyết dám làm công việc này nữa.

Không thể giải quyết tình trạng dịch loạn trong một sớm một chiều, và dù thù lao cho dịch thuật có thấp đến đâu, cũng sẽ vẫn còn những người đi kiếm danh bằng công việc này. Chính vì cần danh, nên họ luôn chọn các tác phẩm đang được chú ý nhất, của những tác giả nổi tiếng nhất. Núp dưới cái bóng quá lớn của các tác giả này, họ có thể nhanh chóng dành được sự quan tâm của công chúng, bất kể việc chuyển ngữ có tệ hại đến thế nào.

Và cũng vì quá cần danh, nên tác giả của các bản dịch loạn luôn giữ thái độ lảng tránh khi có ý kiến phản hồi về các lỗi, thậm chí ngay cả khi các lỗi đó rõ ràng đến mức không còn lý do gì để biện hộ. Có lẽ họ hy vọng thời gian sẽ làm mọi chuyện đi dần vào quên lãng, chứ nhất quyết không xin lỗi các độc giả đã bỏ tiền mua sách, và cảm ơn những người đã chỉ ra chọ họ thấy sai lầm của mình. Tắt điện thoại, không trả lời email, bỏ hoang trang web cá nhân trước đây được cập nhật liên tục…là phản ứng thường thấy của dịch giả sau khi bị bóc mẽ.

Người đọc không quan tâm đến những cuộc tranh cãi không có hồi kết giữa những dịch giả với nhau về cách dịch, về cách dùng từ, về những khái niệm cao siêu như “hệ hình tư duy phù hợp” với “tầm văn hoá” của người đọc, họ cần được trả lại Milan Kundera, Michel Houellebecq, Dan Brown,... như những gì họ hằng mong đợi, chứ không phải những đống chữ dịch vô hồn, lộn xộn, tối nghĩa như được làm bằng máy hiện nay.

Nhà nước có thể bỏ hàng chục tỷ để sản xuất những bộ phim không mấy người biết đến, tại sao không thể đầu tư vào việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ dịch giả, mua bản quyền các tác phẩm lớn, dành các quỹ đặc biệt tài trợ cho việc dịch một số tác phẩm quan trọng, trao giải thưởng cho các bản dịch tốt, và chế tài cho các nhà xuất bản, các dịch giả làm ẩu, làm bậy?

Những bản dịch phản cảm đã làm ảnh hưởng đến hàng triệu người đọc VN, xúc phạm tác giả, coi thường tiếng Việt, và như dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nhận định về bản dịch cuốn Mật mã Da Vinci của dịch giả Đỗ Thu Hà, NXB Văn hóa Thông tin 2005: “Những bản dịch như vậy phải bị ngăn chặn và loại trừ vĩnh viễn khỏi đời sống văn học. Và, cùng với nó, cung cách của một số kẻ làm sách - quấy quá, chụp giật, chỉ biết có doanh thu, bất chấp công luận, bất chấp danh dự, cung cách đó phải bị loại trừ khỏi đời sống văn học.” Lời nhận định ấy đến bây giờ vẫn hoàn toàn chính xác!

Lỗi ngay dòng đầu của Lolita

“Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita.” là một đoạn văn ngắn, ngay trang đầu tiên của cuốn Lolita. Tuy ngắn nhưng nó được trích dẫn trong rất nhiều các bản giới thiệu cuốn sách này, trên nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nhiều độc giả không hiểu ý nghĩa của cụm từ “trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores” có ý nghĩa gì. Thực ra trong nguyên bản tiếng Anh, cụm từ này là: “She was Dolores on the dotted line”. Trong tiếng Anh, “sign on the dotted line” là một câu văn rất hay dùng, ngụ ý ký vào một văn bản chính thức nào đó. Trong bản tiếng Nga do chính tác giả dịch, cụm từ này là: “Она была Долорес на пунктире бланков “, có thể do người Nga cũng không thể hiểu “dòng kẻ bằng những dấu chấm” là gì, nên tác giả ghi rõ là dòng kẻ trên các văn bản, giấy tờ. Trong các văn bản, giấy tờ mà người ta hay phải khai báo, thường có những ô bắt buộc phải điền thông tin cá nhân, như tên tuổi, quê quán, năm sinh,… Các ô đó được thiết kế những dùng kẻ từ những dấu chấm để người ta viết cho dễ.

Trong văn hóa Việt Nam, cụm từ “trên dòng kẻ bằng những dấu chấm” rất tối nghĩa. Tuy nhiên nếu xem lại bản tiếng Anh hoặc tiếng Nga, thì lại rất dễ hiểu. Chuyển ngữ là công việc khó khăn, và cách mà dịch giả đã làm, thực ra là dịch gần như nguyên xi theo nghĩa đen của từng chữ trong bản tiếng Anh (còn bản tiếng Nga thì lại không phải như vậy). Có thể có cách dịch hay hơn không? Đó là câu hỏi dành cho các dịch giả, không phải dành cho độc giả. Với người đọc bình thường, liệu có ai hiểu nổi Dolores làm gì, tại sao, và ở đâu trên dòng kẻ bẳng những dấu chấm hay không?


  • Tùy Phong