– “Lý do chính là các bộ sưu tập chưa hoàn thiện” – nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh vai trò của các bộ sưu tập tư nhân trong sự phát triển của ngành bảo tàng.
CHUYÊN ĐỀ "BẢO TÀNG VIỆT NAM"
Bảo tàng Hà Nội: Khánh thành rồi... dang dở
Điều kỳ lạ giữa thủ đô
Tham gia vào quá trình xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia mới, thay thế cho hạ tầng của Bảo tàng Cách mạng và Bảo tàng lịch sử Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc có những trao đổi thiết thực với phóng viên VietNamNet về thực trạng của ngành bảo tàng hiện nay. Ông nhận định: “ Quan trọng nhất, chúng ta phải chuẩn bị thật tốt khâu sưu tập để hiện vật phong phú. Đây là vấn đề của nhiều bảo tàng hiện nay. Chúng ta sưu tầm thụ động, dẫn đến nhiều bộ sưu tập không có tính thuyết phục cao.”
Tượng vũ nữ Apsara tại Bảo tàng điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) |
Căn bản mà nói, bảo tàng ở ta vẫn hết sức thiếu hấp dẫn. Việc thiếu hấp dẫn này trước hết thể hiện ở BST chưa hoàn thiện. Là một trong những nhà nghiên cứu có điều kiện tiếp cận, tôi thấy chúng ta chưa quan tâm, chưa thấy hết giá trị của BST.
Mỗi bảo tàng có một đặc thù riêng. Nếu không quan tâm đến tính đặc thù thì không thể thể hiện được vị thế của mình trong hoạt động của cả ngành bảo tàng. Hiện nay đang có một sự khủng hoảng với các bảo tàng mang đề tài chung chung, nặng tính thông tin tuyên truyền, không được thuyết phục bởi ngôn ngữ bảo tàng thực sự. Nhiều nơi bảo tàng chỉ giống như phòng triển lãm. Bởi họ không đi tìm hiện vật mà chỉ dùng hình ảnh, bản đồ, sơ đồ - đó chỉ là những công cụ thứ cấp.
Công phu của bảo tàng thể hiện bằng hiện vật. Giá trị của những BST có tính thuyết phục rất cao đối với người xem nhờ khả năng cảm nhận trực quan của con người. Người xem thấy được thông điệp của hiện vật qua tài sắp xếp, bố cục của bảo tàng - đặc biệt khi sử dụng các yếu tố khoa học công nghệ.Thế giới đang ngày càng quan tâm đến cách thể hiện chuyên nghiệp bằng thuyết minh, ánh sáng, video, hay công nghệ 3D ..... Người xem có thể sờ mó vào hiện vật ảo, có thể xoay chuyển và tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau.
Không gian bên trong Bảo tàng Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng |
- Nghe có vẻ như quá tốn kém?
Sưu tập là công việc rất tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc. Có thể ta lấy lý do vẫn còn nghèo mà không quan tâm đến điều này - nhưng bài học lớn nhất đã diễn ra ở Bảo tàng Hà Nội – công trình xây dựng nhân dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long. Ta đã có thể đầu tư xây dựng được một bảo tàng khá hiện đại nhưng lại chưa kịp chuẩn bị và hoàn thành công tác rất quan trọng đối với bảo tàng, đó là sưu tập. Rốt cục Bảo tàng Hà Nội trở thành một bảo tàng có vỏ mà không có ruột.
- Bảo tàng của chúng ta hiện nay vẫn thiếu vắng vai trò của các nhà sưu tầm tư nhân trong khi ở nước ngoài lại rất phổ biến?
Việc đầu tư sưu tầm hiện vật thì phải có bài bản, phải nhìn xa. Ví dụ như trong lĩnh vực hội họa, nhà sưu tập (NST) chuyên nghiệp có thể nắm bắt được khả năng phát triển của một số nhân vật điển hình; nhờ đó họ sưu tập rất thuận lợi. Khi họa sĩ chưa thành danh thì sưu tập một bức tranh không khó lắm, nhưng khi họ thành danh rồi thì việc sưu tập sẽ rất khó, chi phí cao.
Để có một BST giá trị cũng không nhất thiết là vấn đề tiền mua, mà còn là biết cách thu hút mối quan tâm của xã hội. Rất nhiều bảo tàng trên thế giới được xây dựng chủ yếu là do đóng góp của xã hội. Họ có những cơ chế để thu hút hiệu quả, sẵn sàng tạo ra không gian để những BST cá nhân được trưng bày. Tại đó NST có thể bán, có thể hiến cho bảo tàng, lâu dài tạo ra lòng tin cho nhiều NST khác.
Tôi đã tiếp xúc với nhiều NST ở Việt Nam, và cái họ thiếu ở các bảo tàng là lòng tin. Họ không tin để giao phó các hiện vật vốn là máu thịt và ký ức của họ.
Thực tế là ở Việt Nam cũng không thiếu NST có nhu cầu cống hiến cho xã hội, mong muốn được đóng góp, nhưng Nhà nước thiếu một cơ chế thích hợp. Việc bảo quản, quản lý hay trưng bày không tốt, dẫn đến hiện vật bị thất thoát, bị mất. Phải xây dựng một cơ chế để bảo vệ hiện vật, khuyến khích và biểu dương những cá nhân có sự đóng góp ấy.
Những chuyện này nói ra có vẻ như tiểu tiết nhưng thực ra rất quyết định cho việc các BST trong bảo tàng có được phong phú, được xã hội ủng hộ hay không. Việt Nam đã từng có bài học đắt giá về sưu tầm cá nhân. Theo tôi biết, trước đây NST Đức Minh có những BST quý, ông đã từng muốn cống hiến cho Nhà nước, nhưng Nhà nước thiếu cơ chế, thành ra BST bị tan tác. Hay Tp HCM cũng từng tiếp nhận BST của cụ Vương Hồng Sển, nhưng không hoàn thiện, khiến hiện vật bị tan tác. BST sắt đưa về một nơi, BST gốm bị đưa về một nơi khác, rồi bản thân các nhà bảo tàng cũng không bảo quản được. Điều đó làm mất lòng tin của NST.
Nhà sử học Dương Trung Quốc |
- Các bảo tàng trên thế giới đã làm như thế nào, thưa ông?
Không có một bảo tàng lớn trên thế giới nào lại không bắt nguồn từ BST tư nhân. Chúng rất phổ biến. Rất nhiều các BST hội họa xuất phát từ sưu tập cá nhân. Có thể là một ông vua, bà chúa nào đó, có thể là một đại gia - ví dụ như Bảo tàng nghệ thuật Tretyakov của Nga - họ có một BST rất lớn.
Làm bảo tàng là một công việc hết sức sang trọng, đòi hỏi được đầu tư lớn về trí tuệ, chứ không chỉ là tiền bạc. Ở các nước, người lãnh đạo bảo tàng không phải là các công chức thuần túy. Họ là những nhà vận động xã hội, những nhà chuyên môn giàu kinh nghiệm; nhờ thế họ tạo được lòng tin cho những người trong nghề để sẵn sàng gửi gắm, phó thác, trao tặng, hiến tặng hiện vật của mình cho bảo tàng.
- Ngành bảo tàng cần phải làm gì trong điều kiện nhân lực, vật lực hiện nay?
Tôi được biết Bảo tàng Hà Nội hiện nay rất sẵn sàng tạo điều kiện cho các BST tư nhân. Còn trưng bày dài hay ngắn là quyền của chủ nhân và cách ứng xử của cơ quan chủ quản. Đây là xu hướng sẽ xảy ra, nhưng phụ thuộc vào sự chủ động của ngành bảo tàng.
Không chỉ tiếp nhận các BST trong nước, chúng ta còn có thể trao đổi hiện vật với các bảo tàng bên nước bạn. Chúng ta đã tổ chức được không ít các cuộc trưng bày hiện vật ở các nước trên thế giới. Các hiện vật liên quan đến Việt Nam nằm ở bảo tàng nước ngoài cũng rất nhiều.
Bảo tàng là một lĩnh vực hết sức năng động, phong phú. Trong điều kiện hiện nay, nếu bảo tàng nào năng động, chủ động, vẫn có thể phát huy được tốt; bởi ta đã có bộ luật Di sản, tạo ra được một hành lang pháp lý để thực hiện.
- Xin cảm ơn ông!
Hồ Hương Giang (thực hiện)