Bí quyết giúp Bảo tàng Chứng tích chiến tranh trở thành điểm hấp dẫn du khách bậc nhất tại TP.HCM được bà Huỳnh Ngọc Vân, giám đốc bảo tàng chia sẻ.

TIN BÀI KHÁC
Bà Huỳnh Ngọc Vân
“Chúng tôi chiều khách tối đa”

Thưa bà, làm cách nào mà bảo tàng do bà quản lý thu hút được hàng trăm ngàn khách ghé thăm mỗi năm, đông nhất trong các bảo tàng tại TP.HCM?

Tôi cho rằng điều đầu tiên thu hút người ta đến bảo tàng là nội dung hoạt động của nó. Sở dĩ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hấp dẫn vì nó không nói về chiến đấu mà nói về chiến tranh với tất cả những mất mát, đau thương. Dân trong nghề gọi chúng tôi là bảo tàng chuyên đề, vì đây là bảo tàng duy nhất trưng bày có hệ thống các hiện vật chiến tranh. Có thể khách thấy hiện vật của chúng tôi hấp dẫn.

Điểm thứ hai là phải có giải pháp trưng bày hấp dẫn, thuyết phục. Mặc dù bảo tàng chúng tôi mới an cư được hai năm, từ những ngày đầu được tái lập (sau năm 1975) còn rất sơ sài. So với các bảo tàng khác, chúng tôi có kịch bản trưng bày. Một chuyên đề bao giờ cũng có đề cương được duyệt. Kịch bản trưng bày tốt kéo theo giải pháp trưng bày tốt. Chẳng hạn như chúng tôi không thể để ánh sáng rực rỡ hay hoa văn mềm mại ở những khu vực kể câu chuyện đau buồn…Chúng tôi cũng làm rất kỹ, chú thích nhiều thông tin trên mỗi hiện vật.

Chất lượng phục vụ cũng là điều mà chúng tôi chú trọng. Dàn hướng dẫn viên 9 người của bảo tàng có thể phục vụ nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Nhật, Hoa…Khách được nghe kể những câu chuyện sẽ thích thú hơn là chỉ nhìn hiện vật hay đọc thông tin. Vì vậy mà chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động trình diễn, triển lãm, giao lưu, trò chuyện giữa du khách với các nhân chứng sống. Chúng tôi “chiều” khách tối đa bằng cách mở cửa tất cả các ngày trong năm, khách đến vào giờ đóng cửa mà năn nỉ cho xem thì chúng tôi vẫn mở.

Nếu như chiến tranh là một di sản, thì có lẽ đây là di sản nổi bật nhất trong hình dung của thế giới về Việt Nam. Bà có nhận thấy mặt khách quan này đã giúp bảo tàng thu hút được nhiều du khách quốc tế?

Bản thân chiến tranh chưa bao giờ là một di sản. Cái mà con người rèn luyện được cho mình trong chiến tranh đó là lòng yêu nước. Lòng yêu nước mới là một di sản. Bạn cũng thấy không phải dân tộc nào cũng thắng được những đế quốc lớn nhất như Việt Nam. Một di sản khác là sự hi sinh, và hi sinh đến mức như người Việt thì quả thực rất hiếm. Người ta có thể hi sinh cho nhau mà không hề tính toán gì. Đó còn là di sản trí tuệ, sự mưu trí khi đối diện với cuộc chiến.

Rồi tinh thần lạc quan, tin vào chiến thắng cũng là một di sản. Năm 2007, chúng tôi tổ chức triển lãm “Tình yêu trong chiến tranh”. Những tư liệu, hiện vật cho thấy người Việt chúng ta không hiếu chiến, dù chúng ta bộc lộ ra như những người thiện chiến. Người Việt yêu hòa bình, sự lãng mạn, gói ghém tình yêu của mình trong những món quà, trang thư, lời thơ, ý nhạc…mà có lẽ hiếm dân tộc nào có được.
 Hơn 674 ngàn lượt khách đến thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh trong năm 2011, trong đó có 463 ngàn lượt khách quốc tế.)
Bảo tàng chưa gần hay khách còn xa?

Nhìn trên mặt bằng chung ở TP.HCM thì vẫn ít bảo tàng làm được như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, nhiều nơi vắng như chùa bà đanh. Bà suy nghĩ gì về điều này?

Ở một đất nước mà kinh tế chưa phát triển lắm, trình độ văn hóa – giáo dục chưa cao, thì điều dễ thấy là người dân chưa biết quý bảo tàng, chưa xem bảo tàng là trường học thứ hai. Mặt khác, ngay ở các nước phát triển, không phải ai cũng có trình độ để đi xem bảo tàng. Có một số hơi kén khách vì chủ đề của nó. Chẳng hạn như Bảo tàng Mỹ thuật, bạn phải đủ hiểu và yêu thì mới đến được.

Nhưng các bảo tàng cũng nên xem lại cách chủ động thu hút khách của mình, cũng như cách tổ chức nội dung dễ hiểu và gần gũi hay chưa. Ví dụ như là miễn vé, tổ chức bảo tàng lưu động, hội thảo, tọa đàm…Ngay như chúng tôi, mặc dù lượng khách đông, vẫn không thể chủ quan, liên tục đưa đến tay du khách những tờ rơi được in bằng 5 thứ tiếng, thiết kế gọn để khách bỏ túi mang đi.

Nếu là giám đốc của một bảo tàng chuyên về địa chất chẳng hạn, bà có nghĩ mình làm được như hiện nay?

Riêng TP.HCM có chính sách luân chuyển giám đốc các bảo tàng. Việc luân chuyển có cái hay là qua chỗ mới, người ta phải năng động, sáng tạo hơn, nhưng điểm không hay là ngành bảo tàng cần như cán bộ “gừng càng già càng cay”. Nếu phải làm bất cứ bảo tàng nào, tôi cũng sẽ có chính sách riêng cho bảo tàng. Khách đông hay ít không phải là mục tiêu hàng đầu, mà quan trọng là khách có hài lòng hay không.

Thông thường, người ta nghĩ bảo tàng là những gì thuộc về quá khứ. Tôi cố gắng làm cho mọi người thấy sự có mặt của quá khứ trong hơi thở cuộc sống hiện tại. Không phải mình đơn giản hóa, nhưng bảo tàng phải cung cấp cho người xem những kiến thức phổ cập nhất để người ta có thể hiểu, cũng như đưa thông tin đến gần người xem. Thí dụ đối với bảo tàng địa chất, tôi nghĩ người xem sẽ thích thú khi họ thấy được câu chuyện của một viên đá, từ cách nó được hình thành đến cách nó trở thành những đồ trang sức mà họ đang mang.
  Câu chuyện ở bảo tàng cần phải để tự lý trí và tình cảm của người xem cảm thấy bị thuyết phục
Những phản ảnh từ cuộc sống

Nhiều du khách phản ảnh họ không thích, thậm chí dị ứng, với bảo tàng vì cách tuyên truyền nội dung một chiều. Bà có thấy đây là vấn đề của ngành bảo tàng?

Cái này có. Tôi về đây khi bảo tàng mới chỉ là nhà trưng bày, nhìn vào sổ lưu niệm, tôi thấy khách viết điều này và đã kiến nghị lên cấp trên. Dần dần, chúng tôi bổ sung góc nhìn từ nhiều phía. Tất nhiên, bạn không thể đa chiều mà không định hướng. Việc tổ chức nội dung bảo tàng đòi hỏi tính khoa học, khéo léo. Chúng tôi muốn tự thân hiện vật lên tiếng, không bình luận, không dùng các câu từ thóa mạ, tự lý trí và tình cảm của người xem cảm thấy bị thuyết phục.

Những người bên ngành du lịch cũng than phiền về sự lạc hậu của các bảo tàng, khiến họ không thiết kế được sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử hấp dẫn. Chị có thấy bảo tàng đang lạc hậu không?

Các bảo tàng TP.HCM cũng như cả nước đều đứng trước nhu cầu hiện đại hóa rất bức thiết. Hiện đại hóa ở đây không chỉ về trang thiết bị mà còn về cơ sở hạ tầng. Bảo tàng phải có một tòa nhà với tiêu chuẩn rất cao về ánh sáng, độ ẩm, không gian…sau đó là các thiết bị phục vụ trưng bày. Bên cạnh đó là việc đào tạo con người. Chắc không có ngành nào mà thu nhập thấp như ngành của tôi, trong khi đòi hỏi rất cao ở nhân viên như là phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành, có ngoại ngữ, tin học, kỹ năng ngoại giao…

Xin cảm ơn bà

Minh Chánh thực hiện