– “Mọi người cứ trông chờ một ngày nào đó nước ta sẽ đạt được tầm cao mới, vị thế mới, mà bản thân mình cứ bé tí như thế này, thì sẽ không có đâu!” – ông Nguyễn Cảnh Bình trả lời.

BÀI LIÊN QUAN
Ở VN, sách Nobel thua xa “Xin lỗi em chỉ là…”
Những “quý ông” mặc áo tơi ở Việt Nam
Mua giấy phép xuất bản: Dễ như trở bàn tay

Điều khó ngờ nhất ở làng sách Việt Nam

Không thiếu những cuốn sách quý chở tư tưởng hiện đại và tư duy mới về Việt Nam, được dịch thuật một cách kì công. Nhưng câu chuyện về vỏn vẹn 500 bản in cho mỗi đầu sách quý này, tính trên số lượng 88 triệu dân – tức là chỉ có xấp xỉ 0,00057% dân số tiếp cận - quả là một con số giật mình.

Có cách để cùng thay đổi những hình ảnh này?

Sau khi thực hiện bài viết Ở Việt Nam, sách Nobel thua xa “Xin lỗi em chỉ là…”, phóng viên VietNamNet tiếp tục cuộc trò chuyện sâu thêm với ông Nguyễn Cảnh Bình về văn hóa đọc và người đọc Việt nam.

Để đánh giá tri thức của một quốc gia?

-    Cái gì đang đắt ở Việt Nam?

Chắc là ô tô, bất động sản (cười).  Bạn và tôi, 2 người đều có thu nhập 10 triệu/tháng, nhưng trình độ khác nhau, giá trị mang lại cho xã hội khác nhau. Một công ty bất động sản doanh thu 100 tỉ, một công ty xuất bản cũng doanh thu 100 tỉ - nhưng giá trị cốt lõi, giá trị đóng góp sẽ khác nhau.

-    Anh đánh giá như thế nào về "giá trị gia tăng" của sách tạo ra được cho con người?

Ông Nguyễn Cảnh Bình - GĐ Alpha Books

Để đánh giá sự giàu có của một quốc gia, người ta dùng GPD, dùng thu nhập bình quân theo đầu người; nhưng để đánh giá tri thức của một quốc gia, thì phải bằng chính nền xuất bản của họ và nền giáo dục của họ.

-    Như vậy không so GDP nữa, chỉ so về ngành xuất bản với các nước khác, thì ta đang ở đâu?

Kém xa. Kém kinh khủng. Không thể so với Nhật Bản, Hàn Quốc…Chỉ so với Thái Lan, Indonexia, Malaysia thì chúng ta cũng đã kém họ nhiều. Tôi không lượng hóa được chính xác, chừng 20% - 50%. 

-    Còn khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ?

(Cười lớn) Chẳng nên so sánh với Tây Âu. Bởi vì trình độ dân trí và con người họ khác, không phải chỉ vì đọc sách. Họ đã có cả một nền tảng, bề dày tri thức lâu đời.

Tôi có phân tích về lịch sử của một quốc gia. Xét về lịch sử của một quốc gia không phải từ khi con người được sinh ra trên mảnh đất ấy như thế nào, mà là lịch sử tri thức của dân tộc ấy. Lịch sử tri thức Việt Nam phải được đo lường cụ thể từ việc 90% người dân biết chữ, hoặc bằng số sách mình xuất bản. 

Nhiều quốc gia trên thế giới, lịch sử tri thức này có từ hàng nghìn năm. Châu Âu phải có đến 2000 năm lịch sử phát triển tri thức. Nước Mỹ - mặc dù thành lập được hơn 200 năm - nhưng lịch sử tri thức của họ là 2000 năm, vì ai cũng biết tầng lớp trí thức của Mỹ có gốc gác từ châu Âu.

Người Việt đọc chưa đến 1 cuốn sách/năm

-    Ông Nguyễn Mạnh Hùng, GĐ Thaihabooks có nói chuyện với tôi: Hiện nay trung bình 1 người Việt Nam đọc 3 cuốn sách 1 năm - trong đó có 2,3 cuốn là sách giáo khoa. Như vậy số lượng sách tự chọn chỉ chưa đến 0,7 cuốn/1 người/1năm (*)?

Tôi cho rằng con số này tương đối đúng, có khi không được như vậy.

-    Con số này ở thế giới như thế nào?

Chúng ta so với nước nào? Gần gũi nhất là Thái Lan, nếu tôi nhớ không nhầm con số này rơi vào khoảng 5 cuốn/1 người/1năm - không tính sách giáo khoa. Gấp khoảng gần 10 lần.

"Sự lĩnh hội phải được đo lường bằng số lượng đủ lớn trong dân số của cả một đất nước. 200 năm trước, Mỹ phát triển vượt trội so với Châu Âu nhờ tri thức lan tỏa trong giới bình dân... Tôi mong có nhiều tác phẩm, sách vở tri thức đến với giới bình dân ở VN"

-    Như vậy thực ra chúng ta đang ở một xuất phát điểm rất thấp về tri thức. Sách có thể cung cấp một bước nhảy nào đó?

Bạn nói đúng về phương cách. Tôi ủng hộ và khuyến khích mọi người làm theo cách này. Việc đầu tư vào sách là một trong những đầu tư khôn ngoan - đương nhiên, phụ thuộc vào việc bạn chọn sách gì.

Lấy ví dụ từ chính tôi. Tôi cho rằng mình đã đầu tư khôn ngoan. Tôi không đầu tư quá nhiều thời gian vào việc giành điểm cao ở trường. Tôi đầu tư vào những cuốn sách có giá trị, và đó cũng là giáo dục, đầu tư vào con người, đầu tư cho chính mình.

-    Việc đầu tư này có giúp ta rút ngắn khoảng cách với top đầu?

Tôi đồng ý nên dùng khái niệm rút ngắn khoảng cách hơn là đi tắt đón đầu. Đầu tư vào sách giúp ta trưởng thành nhanh. Nhưng chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận là khoảng cách đó  không dễ rút ngắn. Để mà mỗi người sẽ cố gắng nhiều hơn nữa.

Nếu ta đã đi sau Mỹ khoảng 100 năm tri thức, thì ta sẽ cố gắng làm thế nào đọc sách, học tập để rút ngắn dần khoảng cách này, đừng muộn hơn, chậm hơn nữa. Ngược lại,  chúng ta sẽ  ngày càng chậm, khoảng cách càng ngày càng dãn ra.

-    Như vậy là bên cạnh phân hóa giàu nghèo, còn có sự phân hóa về tri thức?

Đúng vậy! Và sự phân hóa tri thức mới thực là kinh khủng! Chỉ có nước Mỹ mới sinh ra những tỉ phú như Bill Gates, Steve Jobs... - những người sống bằng khoa học, trí tuệ.  Và chỉ ở môi trường đó mới giúp những người có phát minh, sáng kiến có thể giàu có được. Họ chính là những người đang làm ra sản phẩm và hàng hóa hỗ trợ con người. Ở Việt Nam thì không thể có chuyện như vậy.

Nên cụm từ "knowledge is power", cũng như việc tri thức được đánh giá cao, chỉ đúng ở những môi trường như thế. Càng ngày khoảng cách của ta với họ càng lệch xa. Sự khác biệt về tri thức vô cùng lớn.

Tôi hiện đang làm một cuốn sách về Alexander Hamilton - Bộ trưởng Ngân khố đầu tiên của Mỹ khi ông ấy mới 32 tuổi, cách đây đã 220 năm, sống ở thế kỉ 18. Nhưng đến giờ đọc lại, tôi thấy tư duy mình kém xa ông ta, mặc dù bây giờ tôi 40 tuổi, sống ở thế kỉ 21.

Thịnh vượng tri thức: Nhờ giới bình dân

-    Ở Việt Nam, chúng ta có những cuốn sách tốt nhất được mua về dịch không?

Tôi cho là chúng ta đã mua được những cuốn sách tốt nhất. Chúng ta có những cuốn cực kì giá trị trong Tủ sách tinh hoa, những cuốn kinh điển của Platon, Aristotle; về văn học có “Trăm năm cô đơn”, “Bố già”..., về cấu trúc xã hội có “Tinh thần pháp luật”, “Bàn về khế ước xã hội” của Montesquieu, có “Bàn về tự do” của John Stuart Mill…

-    Chúng ta có thể lĩnh hội được bao nhiêu?

Sự lĩnh hội phải được đo lường bằng số lượng đủ lớn trong dân số của cả một đất nước. Chỉ một vài cá nhân lĩnh hội thì không có ý nghĩa gì cả.
Cuốn sách “Khuyến học” mà ông Fukuzawa viết ở bên Nhật, có 3 triệu người Nhật đọc. Như thế mới có giá trị.

Đã có những cuốn sách tốt nhất được mua về VN.

Giả dụ trong một dòng họ có 100 người, phải có 10 người đỗ đại học, 10 người học tiến sĩ chẳng hạn - thì mới có giá trị nào đó; chứ không thể chỉ 1 người tốt nghiệp cấp 3 cáng đáng cho cả một dòng họ.

Chúng ta phải đạt đủ số lượng. Nếu muốn đám đông lĩnh hội được thì 1 cuốn sách hay phải đạt xuất bản được 100 ngàn bản chẳng hạn.

-    Đằng này, số lượng 500 cuốn, 1000 cuốn quả là đáng buồn. Anh kì vọng tầng lớp nào sẽ đọc những cuốn sách như thế?

200 năm trước, sự phát triển của nước Mỹ vượt trội so với Châu Âu là nhờ chính giới bình dân, chứ không phải giới tinh hoa. Khi nước Mỹ lập quốc, đánh đuổi đế quốc Anh, giới tinh hoa của Mỹ khi đó không bằng giới tinh hoa của Châu Âu. Cái hay ở Mỹ là tri thức sách vở, kiến thức của mọi người được lan tỏa đến số đông hơn là chỉ một nhóm người ở Châu Âu. Đó là kết luận rút ra của J.E. Fischer và nhiều người nữa, chứ không phải của tôi.

Giá sách ở VN sẽ rẻ đi rất nhiều nếu có thêm người đọc sách. Tôi từng viết một bài nhan đề "Sự thiệt thòi của một nền dân trí thấp". Nếu như nền dân trí đủ lớn - 10.000 người mua sách thay vì 1.000 người như hiện nay - giá sách sẽ rẻ hơn rất nhiều lần.

- Xin cảm ơn anh!

Tại sao người Việt ít đọc sách?

 

Tôi khẳng định là lỗi của người lớn. Bao gồm nhà trường, gia đình, lãnh đạo và giới truyền thông. Ở Việt Nam ta chưa hề có một trường hay thậm chí một lớp nào dạy đọc sách, mà chỉ dạy đánh vần.  Tôi đang hướng dẫn mọi người đọc sách siêu tốc. Tốc độ đọc của người Việt là 200 - 240 từ/1phút (tức 1 phút đọc được khoảng 1 trang). Quá chậm! Tốc độ của tôi là 1000 từ/1 phút, tương đương với 4 trang sách. Trẻ con bây giờ chỉ đọc truyện tranh, ít đọc truyện chữ. Người lớn cũng không thích đọc cái gì nhiều chữ, ngại đọc những cuốn sách dày, vì đọc chậm. Nếu cả tháng mới xong 1 cuốn sách thì nản lắm.

Tri thức là tài sản duy nhất mà khi cho đi ta không mất đi, thậm chí lại được thêm. Bán cả đời đi tiêu không hết. Không ai lấy của ta được! Thế mà trên  80% tri thức đến từ mắt. Mọi người phải đọc. Nhất định phải đọc. Không còn sự lựa chọn nào khác!

 

(*) Hiện nay trung bình 1 người Việt Nam đọc 3 cuốn sách 1 năm - trong đó có 2,3 cuốn là sách giáo khoa. Như vậy số lượng sách tự chọn chỉ chưa đến 0,7 cuốn/1 người/1năm – sách giải trí còn đang chiếm tỉ trọng lớn trong con số 0,7  này.

-          Nguyễn Mạnh Hùng, GĐ Thái Hà Books


Hồ Hương Giang (thực hiện)