Tiana Alexandra là “người Mỹ đầu tiên bước chân
vào nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, từng phỏng vấn các lãnh đạo Việt Nam
thời trước như nguyên thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Lê Đức Thọ…
TIN BÀI KHÁC
Bộ phim Từ Hollywood đến Hà Nội của Tiana Alexandra được báo chí Mỹ và phương Tây coi là “một thành công” trong việc tham gia hàn gắn các mối quan hệ sau cuộc chiến Việt Nam.
Chị Tiana đã nhiều lần có dịp gặp gỡ Đại tướng. |
Hiện bộ phim Đại tướng và tôi, nói về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn đang được Tiana và cộng sự tiến hành. Cả Tiana và chồng chị, cố đạo diễn người Mỹ từng giành giải Oscar danh tiếng Stirling Silliphant đều mang trong mình tình yêu với Việt Nam. Nhưng riêng đối với Tiana, còn bởi một lý do: chị là một người Việt Nam chính hiệu.
Tiana Alexandra sinh năm 1961 tại Việt Nam với cái tên Thanh Nga. Năm lên 5 tuổi, chị cùng gia đình sang định cư ở Mỹ. Năm 15 tuổi, chị bước chân vào ngành công nghiệp điện ảnh ở Hollywood khi theo học võ thuật của huyền thoại Lý Tiểu Long và tham gia diễn xuất trong một số bộ phim.
Năm 1988, Tiana chuyển sang một lĩnh vực mới: làm đạo diễn phim tài liệu. Bộ phim đầu tiên chị làm cũng chính là về cuộc đời mình và chuyến trở về quê hương của mình. Trong phim, Tiana đã đến thăm gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thực hiện cuộc phỏng vấn Đại tướng.
Chính Lý Tiểu Long là người “làm mối” cho hai vợ chồng Tiana gặp nhau. Và Stirling Silliphant đã đưa Tiana đến với nghệ thuật thứ bảy. “Chồng tôi luôn nhắc tôi rằng, chúng ta không bao giờ được quay lưng với cội nguồn”, Tiana nói trên một chương trình talkshow của VTV.
Chị cũng không quên nhắc đến câu mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người từng là thầy giáo môn sử của cha Tiana, nói trong lần đầu chị gặp Đại tướng: “Con chim trước khi chết còn biết quay đầu về tổ”.
Câu nói này đã được Tiana ghi lên đầu trang web www.thegeneralandme.com giới thiệu về bộ phim Đại tướng và tôi (The general and me).
Bộ phim Từ Hollywood đến Hà Nội của Tiana được đề cử giải thưởng do Ban giám khảo tặng tại Liên hoan phim Sundance năm 1993. Phim đã được chiếu tại Hà Nội và TPHCM hồi năm 2009, với sự có mặt của chính nữ đạo diễn.
Bức thư gửi đại tướng
Ngày 25-8-2010, đúng sinh nhật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ Mỹ, Tiana đã gửi thư chúc mừng Đại tướng. Chị viết:
“Chúng con đã tổ chức lần sinh nhật thứ 100 của bác, niềm vui của chúng con xen lẫn những giọt nước mắt khi nghe tin bác đang phải nằm viện. Có thể con sẽ không còn quay phim về bác nữa nhưng hình bóng của bác vẫn sẽ sống mãi trong trái tim của con.
…Chiếc xe đạp cọt kẹt đi bên biển, chiếc xe đạp cọt kẹt trèo qua núi, mọi người lái xe lặng lẽ bên này, bên kia, tất cả đều chuyển động. Ở trong này, âm thanh ồn ào của chiếc xe Bentley màu xám mới bị bao phủ trong sương khói.Chiếc máy bay là biểu tượng MẤT MÁT của người Mỹ và chiếc xe đạp đã mang lại CHIẾN THẮNG cho nhân dân Việt Nam.
Hôm nay, chúng ở đâu? Con đang đếm xem có bao nhiêu chiếc con có thể tìm kiếm mỗi ngày. Con đang chứng kiến sự thay đổi của Hà Nội mới…
Cuối cùng, hòa bình cũng đã đến, con cảm ơn bác, không quan trọng người bên cạnh ta là ai hoặc chúng ta sẽ chọn điều gì để tranh cãi về sự chậm trễ trong bóng tối. Những nỗi đau và sự chịu đựng sẽ vẫn còn sau khi chiến tranh kết thúc. Hòa bình đã đến!?
Bác là một nhà chiến lược bậc thầy của thế kỷ, một thiên tài quân đội có thể sánh ngang hàng cùng Patton, Rommel, Napoleon. Đối với con, bác đơn giản là một thầy giáo lịch sử của cha con.
Trong 15 năm, bác đã rất độ lượng khi cho phép con quay phim về bác. Bác vẫn chào đón con khi quân Mỹ đặt bước chân đầu tiên lên quê hương bác. Bác mặc bộ đồ vest phương Tây và thì thầm với chồng con là bác đã mượn nó.
Chúng con đã rất ngạc nhiên. Con hỏi bác: tại đất nước Việt Nam bình dị (bác đã chuyển sang tiếng Pháp để giúp con rõ hơn) con có thể làm gì cho đất nước của con. Con bật khóc.
Cha con- người chống lại cộng sản đã rất thất vọng. Nhưng ông ấy khâm phục và kính trọng bác như một người thầy lịch sử. Bác đã chào đón con như một người con vừa quay trở về nhà, một con phượng hoàng vàng như lời bài hát mà nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết về con. Một quãng thời gian thật kỳ diệu!
Mọi người con gặp ở Việt Nam trong những năm của thập niên 80 đã hỏi có phải con đến từ bên kia (nước Mỹ) không. Bây giờ con đang ở đây, trong lòng đất nước này, vào một ngày thật đẹp đang kỷ niệm lần sinh nhật thứ 100 của bác.
Những đứa trẻ mang cả 2 dòng máu Việt Nam và châu Âu sẽ dạy cho con cháu chúng bằng cách nào mà bác lại làm được những điều tưởng chừng như không thể. Bác đã đối đầu và đánh bại lực lượng hùng mạnh nhất trên trái đất:? nước Mỹ - đất nước đã nuôi dưỡng con.
…Đế quốc Mỹ đã kết án bác và đội quân của bác nhưng bác đã chặn đứng được đội quân diệt chủng tàn bạo nhất của thế kỷ 20. Những người dân bị đàn áp trên khắp thế giới rất biết ơn công lao to lớn của bác.
Con cám ơn bác đã cho con biết được thế nào là sự ân cần và? tử tế, đặc biệt là khi Robert MacNamara đã rất thô lỗ ở Hà Nội. Con sẽ chia sẻ câu chuyện và những thước phim này đến cả thế giới. Bác đã dạy con không bao giờ được từ bỏ.
Con cám ơn bác đã mang con trở lại Việt Nam sau hơn 20 năm xa cách. Con đã tìm thấy mảnh đất làm tấm gương cho điều mà con cố kiếm tìm giữa chiến tranh và hòa bình, thiên đàng và trái đất. Và giữa bên này và bên kia. Con sẽ nhớ và sống để kể câu chuyện này”.
Theo Tiền Phong