Dù ít có trường hợp “cấm phim” nào được ghi nhận gần đây, nhưng trong quá khứ, nhiều bộ phim từng bị cấm vì nội dung bạo lực, tình dục, tôn giáo.

TIN BÀI KHÁC


A Clockwork Orange (1971)

                                Phim A Clockwork Orange

Chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách cùng tên của nhà văn Anthony Burgess, A Clockwork Orange (Quả cam máy móc) nằm trong danh sách những bộ phim gây tranh cãi bậc nhất của nhiều bảng xếp hạng. Bộ phim của đạo diễn bậc thầy Stanley Kubrick đặt câu chuyện ở một tương lai giả tưởng của nước Anh, kể về cậu thiếu niên 15 tuổi Alex cùng băng đảng lang thang ngoài đường phố để đánh đập những nạn nhân tình cờ và hiếp dâm phụ nữ. Bộ phim nổi tiếng vì gây ra nhiều vụ bắt chước một cách mù quáng, khiến nó bị cấm ở Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Ireland (1971 đến 2000). Nhiều người cho đây là lý do khiến đạo diễn Kubrick rút bộ phim ra khỏi hệ thống phát hành ở Anh năm 1973 và chỉ được phát hành lại bằng đĩa DVD vào năm 2000. Sau khi ông qua đời, vợ ông là bà Christiane mới tiết lộ lý do thực sự là vì cảnh sát báo động có những đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của ông và gia đình. Phim nhận được 4 đề cử Oscar cho giải phim xuất sắc, đạo diễn, biên kịch và dựng phim.

The Texas Chainsaw Massacre (1974)


                    Phim The Texas Chainsaw Massacre

Bộ phim của đạo diễn Tobe Hooper làm sởn gai ốc người xem bằng câu chuyện về năm người bạn đi viếng mộ ông nội sau khi nghe tin nó sẽ bị giải tỏa. Chuyến đi biến thành nỗi kinh hoàng khi một loạt sự kiện khiến họ rơi vào căn nhà của một gia đình chuyên ăn thịt người. The Texas Chainsaw Massacre (Vụ thảm sát bằng cưa máy ở Texas) để lại nỗi ám ảnh cho khán giả về tên sát nhân Leatherface với hung khí là chiếc cưa máy. Bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về tên sát nhân Ed Gein khoác lớp da phụ phụ nữ, nhưng không dùng cưa máy. Phim từng bị cấm ở Phần Lan, Anh quốc, Brazil, Australia, Đức, Chile, Iceland, Ireland, Na Uy, Singapore, Thụy Điển.

The Exorcist (1973)

                           Phim The Exorcist

Bộ phim kinh dị gây tranh cãi bậc nhất của mọi thời đại này kể câu chuyện về một bé gái 12 tuổi có những biểu hiện như bị quỷ ám sau khi chơi trò cầu hồn. Hai thầy tu đến để cố gắng cứu rỗi linh hồn cô bé. The Exorcist (Quỷ ám) dựa trên tiểu thuyết cùng tên của William Peter Blatty, từng bị cấm ở Anh quốc, Malaysia và Singapore. Nhưng dù vậy nó vẫn được giới phê bình đánh giá cao khi nhận được 10 đề cử Oscar và thắng hai giải nhờ âm thanh và kịch bản. Cũng như, thành công với doanh thu 441 triệu USD trên toàn cầu và ảnh hưởng tới nhiều phim “ăn theo” sau này.

Life of Brian (1979)

                                     Phim Life of Brian

Từng được một tạp chí bình chọn là phim Anh hay nhất mọi thời đại, Life of Brian (Cuộc sống của Brian) kể câu chuyện về Brian sinh ra vào ngày giáng sinh. Cậu tin mình là đấng tiên tri được thượng đế gửi xuống, nhưng vấn đề là cậu không thuyết phục được ai tin được điều này. Phim bị cấm ở Na Uy (trong hai năm 1979 – 1980), Singapore và Ireland (1979 – 1987) vì lý do nhạo báng tôn giáo nặng nề, cũng như không được các nhà hoạt động tôn giáo chấp nhận. Gần đây, một số nơi như xứ Wales, Thụy Điển cho chiếu lại bộ phim. Thậm chí, Thụy Điển còn sử dụng nhãn “gây tranh cãi” để tiếp thị tác phẩm như một “bộ phim hài hước từng bị cấm ở Na Uy”.

The Last Tango in Paris (1973)


                             Phim The Last Tango in Paris

New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Ý (1972 – 1986), Bồ Đào Nha (1973 – 1974)…là những nước đã từng cấm The Last Tango in Paris (Bản tango cuối ở Paris). Một cô gái trẻ người Paris (Maria Schneider) bị cuốn vào mối quan hệ xác thịt nhầy nhụa với một thương nhân trung niên người Mỹ (Marlon Brando), người chỉ muốn sự liên hệ giữa họ không gì hơn ngoài tình dục. Bộ phim chịu tai tiếng vì cảnh tình dục dùng bơ làm chất bôi trơn. Chính cảnh này đã trở thành nỗi ám ảnh của nữ diễn viên Schneider. Trong một lần trả lời phỏng vấn tờ New York Post vào năm 2007, cô nói: “Tôi cảm thấy nhục nhã và, thành thật mà nói, tôi cảm thấy hơi bị hiếp dâm một chút…Thật cảm ơn là chỉ đúng một cảnh…tôi không bao giờ dùng bơ để nấu món gì nữa, chỉ dùng dầu olive”.

All Quiet on the Western Front (1930)


                      Phim All Quiet on the Western Front

Dựa theo tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Đức Erich Maria Remarque, All Quiet on the Western Front (Mặt trận phía tây vẫn yên tĩnh) kể lại hành trình của một nhóm thanh niên trẻ người Đức đã lên đường đăng lính sau khi bị kích động bởi một vị giáo sư hiếu chiến cổ vũ lên đường “bảo vệ tổ quốc” trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Cuộc chiến khiến họ đối diện với thương vong, nhận ra bi kịch của chiến tranh và biết rằng mình đã nhận thức sai về kẻ thù. Bộ phim từng bị Đức quốc xã cấm chiếu sau một vài buổi chiếu hạn chế khiến một số thành viên quốc xã nổi giận ném la hét trong rạp chiếu. Lệnh cấm bị dỡ bỏ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Caligula (1979)


                            Phim Caligula

Bộ phim do Bob Guccione, “ông trùm” sáng lập tạp chí khiêu dâm Penthouse bỏ vốn ra đầu tư sản xuất, nên không lạ gì khi nó gây tranh cãi về nội dung tình dục. Caligula là một bạo chúa của đế chế La Mã cổ đại, người đã dùng bạo lực để đoạt ngôi vua. Bộ phim dõi theo hành trình khi ông còn trên đỉnh cao của sự hùng mạnh và minh mần, sau đó ngày càng mất trí trong cách cai trị đế chế bằng bạo lực và tra tấn, cũng như những ham muốn xác thịt với em gái. Bộ phim gây tranh cãi vì cách mô tả bạo lực, cũng như những cảnh khỏa thân vô cớ và những sự loạn luân của nhân vật. Phim bị cấm ở Canada và Iceland.

The Last House on the Left (1972)


                  The Last House on the Left

Hai thiếu nữ đi dự nhạc hội rock để mừng sinh nhật. Sau đó vì muốn thử chút cần sa trong thành phố, họ bị bắt cóc bởi một băng gồm những tên tâm thần vừa thoát khỏi nhà tù. Bộ phim bị cấm ở Anh quốc (1984 – 2002), Singapore, Iceland, New Zealand, Na Uy, Đức và trong suốt hơn 32 năm qua ở Úc. Đạo diễn cho bộ phim này là Wes Craven, người từng làm phim The Hills have Eyes (1977) bị cấm ở Phần Lan, A Nightmare on Elm Street (1984) và loạt phim The Scream.

Freaks (1932)


: Phim Freaks

Một nghệ sĩ nhào lộn xinh đẹp quyết định cưới người lãnh đạo gánh xiếc, người cũng đóng vai một chú lùn trong chương trình tạp kỹ của gánh. Những người bạn của ông phát hiện cô cưới ông chỉ vì quyền thừa kế. Đạo diễn Tod Browning đã làm điều khác thường là thích để các diễn viên giống như ngoài đời thực với bộ dạng xấu xí, hơn là dùng hóa trang, phục trang. Lựa chọn của ông gây sốc cho khán giả đương thời. Phim từng bị cấm ở Ý, Phần Lan và Ireland.

The Evil Dead (1983)

 Phim The Evil Dead

Năm người bạn đi du lịch tới một căn nhà gỗ treo trong rừng, nơi họ tìm thấy cuốn Sách của thần chết, vô tình gọi lên những âm hồn biến họ thành những xác sống. Bộ phim từng bị nhiều tổ chức tôn giáo khác nhau chỉ trích là “cuốn băng video dơ bẩn” vì nội dung bạo lực với sự nhấn mạnh và dẫn giải. Phim bị cấm ở Malaysia, Anh Quốc (1983 – 1990), Đức (1984), Thụy Điển, Iceland, Ireland và Singapore.

Minh Chánh