“Việt Nam có rất nhiều nhà làm phim trẻ tài năng”, đó là giới thiệu của Ban tổ chức LHP tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 4 (8-17/6 tại Hà Nội và 15-24/6/2012 tại Đà Nẵng) khi lần đầu tiên mở ra “Đêm của nhà làm phim trẻ”. Quả thực, tài năng đã phát lộ, nhưng điều đó chưa đủ cho kỳ vọng vươn xa.
TIN BÀI KHÁC
Phương Thanh: "Anh ấy đã khóc nhiều"
Madonna lại gây sốc với màn biểu diễn lộ ngực
Bài tập về nhà của Napoleon giá 8 tỉ
Nụ hôn đồng tính được yêu thích nhất
Nước mắt người đẹp nổi tiếng
14 phim tài liệu ngắn, từ 3 đến 35 phút, được trình chiếu liên tục vào tối 11/6 tại Hà Nội. Đến quá 10 giờ khuya, khán phòng của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương vẫn còn nhiều người ở lại để đặt câu hỏi, bày tỏ sự cảm kích trước các nhà làm phim trẻ thì đủ hiểu những tác phẩm được làm theo lối “điện ảnh trực tiếp” đã đáp ứng được sự trông đợi của khán giả.
Đạo diễn Trần Văn Thuỷ (giữa) và nhiều khán giả lớn tuổi theo dõi phim của người trẻ. (Ảnh: Danh Anh)
Chiếm 5 phim là cuộc sống của người trẻ tự tin, dám sống theo cách của mình, bộc lộ quan điểm riêng khá sâu sắc. Nếu như nhân vật Tạ Duy Anh, là người khuyết tật, trong phim “Động lực sống” của Chu Việt Nga, bằng hành động gắng sức đứng dậy mà không cần sự trợ giúp của bất kỳ ai để thuyết phục mọi người tin vào ý chí lạc quan vươn lên; thì nhân vật “tom boy” tên Trang bằng lời nói cho thấy bất kỳ ai, dù có là đồng tính (lesbian) hay không, cũng đều có quyền chọn sự thành thật để làm lẽ sống và đóng góp cho cộng đồng…
Chân dung của ông nội qua phim ngắn cùng tên của Thuỳ Anh, câu chuyện về cặp vợ chồng sống trên con thuyền nát ở sông Hồng (phim “Tình già” của Đỗ Thanh Hà), sự cô đơn và nỗi lòng của người con với mẹ ở tác phẩm “Vườn” (Doàn Hoàng Kiên)… bộc lộ một điều: Người làm phim trẻ không chỉ sẵn sàng lắng nghe, quan sát mà còn muốn đối thoại, kéo gần khoảng cách thế hệ với lớp người đi trước.
Một số phim không chỉ mang đến những câu chuyện và góc nhìn thú vị mà còn đã cho thấy ngôn ngữ kể chuyện hấp dẫn, những khuôn hình sáng tạo hoặc mạnh dạn thể nghiệm lối làm phim mới, khác với sự “cổ điển” đến cũ kỹ mà nhiều người vẫn nghĩ về phim tài liệu của Việt Nam.
Với những cú trượt máy trên đường ray, Trần Thanh Hiên đã ghi “ký sự đường tàu” qua những hình ảnh “khá đắt” mà không cần đến lời thoại hay lời bình. Một bộ phim khác, “Nhịp thứ 8” (Phạm Thu Hằng), thuộc dự án phim lạ mang tên “Những đường ray nhọc nhằn băng qua con sông hiền hoà” là bức tranh hiện thực, sống động của những người mưu sinh ở chân cầu Long Biên.
Cảnh phim “Phòng mạch của bác sĩ Thi”
Tâm sự của người tuần tra, giữ gìn an ninh cho cây cầu, nơi có đường săt băng qua, khiến người xem dấy lên nỗi băn khoăn: “Nếu chúng tôi xua đuổi, thì những người dân nghèo như thế biết dựa vào đâu để kiếm sống?”.
Câu chuyện “Nhọc nhằn than” mà Lê Mỹ Cường mang đến cũng về những người dân nghèo phải kiếm sống cực nhọc. Dẫu biết hàng ngày hàng giờ chìm trong sự độc hại, bấp bênh, họ vẫn nuôi hy vọng nhỏ nhoi ở tương lai xa vời nào đó.
Riêng tác phẩm dài nhất, “Phòng mạch của bác sĩ Thi”, cũng là tác phẩm duy nhất có bối cảnh ở miền Nam Trung Bộ, vẫn về cuộc sống đương đại, vượt ra khỏi sự bó hẹp về thời gian. Ở đây chứa những nhiều câu chuyện mà không chỉ người Việt Nam đã, đang và sẽ còn nói đến.
Không chỉ kể chuyện, tác giả Nguyễn Minh Kỳ còn mang đến một bộ phim đáng giá, khi gói được câu chuyện của nhiều người, của thời chiến và thời bình trong khuôn viên một phòng khám. Bác sĩ Thi – người từng tập kết ra Bắc trong những năm chiến tranh, sau ngày giải phóng trở về miền Nam làm việc trong một bệnh viện, khi về hưu, tự nguyện mở phòng khám để không chỉ chữa bệnh mà còn tâm sự, lắng nghe, chia sẻ những câu chuyện cùng các bệnh nhân mang di chứng của chiến tranh.
Có những đoạn phim rất “đắt” như một bà cụ và một bệnh nhân tuổi trung niên nằm trên hai chiếc gường nhỏ để bác sĩ Thi khám bệnh, nói chuyện với nhau về cảnh đời của mình trong thời chiến, như cả một góc hiện thực của quá khứ được tái hiện tự nhiên.
Chân dung khuyết thiếu
Khi những thức phim khép lại, đạo diễn, NSND Trần Văn Thuỷ đã đứng lên, không ngớt lời khen ngợi những nhà làm phim trẻ. Với ông, 10 nhà làm phim nữ và ba nhà làm phim nam, đã làm được những việc không dễ dàng gì, khiến ông bất ngờ và khâm phục.
Đạo diễn của Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai… nói những tác phẩm của ông và đồng nghiệp đã cũ lắm rồi và bây giờ, ông có quyền hy vọng vào tương lai với những nhà làm phim tài liệu trẻ. Đạo diễn nói, từ xưa đến nay, phim tài liệu Việt Nam thiếu nhất một thứ, đó là sự thật.
Cảnh phim “Nhọc nhằn than”
Nhiều người đã tạo ra những thước phim làm “giả” cái “thật”. Nhà làm phim trẻ không đi vào vết xe đổ đó. Một điểm yếu của người làm phim trẻ, theo nhà làm phim kỳ cựu này, là “các bạn vẫn còn hiền quá, còn mon men đứng bên ngoài những vấn đề gai góc hoặc tránh né”. Các phim ngắn được trình chiếu được điểm này thì mất điểm kia. Chưa tìm thấy tác phẩm xuất sắc. Nói như đạo diễn Trần Văn Thuỷ, kinh phí, phương tiện và kể cả sự kiểm duyệt không phải là những lý do cản trở, quyết định cho một bộ phim hay, mà quan trọng là cách làm, tài năng và trí tuệ.
Để có một thế hệ những nhà làm phim mới, thực sự tài năng, có thể đi xa, với những tác phẩm dài thì việc chỉ mô tả hiện thực, vẽ lại cuộc sống qua những thước phim, bằng cách thể hiện này hay lối kể chuyện khác, là chưa đủ. Ngay trong khuôn khổ LHP phim tài liệu châu Âu – Việt Nam năm nay và những năm trước đây, các nhà làm phim quốc tế đã đem đến những bộ phim không chỉ dừng lại ở miêu tả, thể hiện thực tế cuộc sống. Họ đã đưa ra những lý giải, phản biện và hơn thế là giải pháp cho những hoàn cảnh sống, cho những tình huống, cảnh đời mà ngỡ đã bế tắc. Những câu chuyện trong các bộ phim mà các nhà là phim trẻ mang đến như Vườn, Cầu duyên, Sống tập thể, Bạn là ai?, Tình già, Nhọc nhằn than, Mở mắt, Nhịp thứ 8… mới “đánh thức” người xem khi đem đến họ một lát cắt nhỏ của cuộc sống còn nhiều tối tăm, bức bối. Cần làm gì hơn thế? Câu hỏi đã được trả lời qua chính một số nhân vật trong phim.
Nhân vật Tạ Duy Anh trong “Động lực sống” không chấp nhận thực tế tật nguyền, thay đổi tư duy, hành động để mở ra ánh sáng cho cuộc đời mình và người khác. Nhân vật ông nội xoá nhoà ranh giới tuổi tác, sống một cuộc sống đầy ý của người già với những việc làm và lòng quyết tâm khiến cháu con phải ngỡ ngàng.
Câu trả lời khác, ít nhất cũng đã được nhân vật trong phim “Hư cấu” của Ngô Thị Thanh gợi mở. Dẫu biết mình mới chỉ là “thiếu nữ mang trải nghiệm của thiếu nhi” nhưng cô gái vẫn làm nghiên cứu về tính dục. Bộ phim đưa ra cái lý là: Có những điều bạn nhìn nhưng không thấy và chúng ta bắt đầu… hư cấu.
Nhiều khi hiện thực không dừng lại, mà được cất cánh từ trí tưởng tượng và những giấc mơ.
Danh Anh