Cuốn sách đặc sắc về văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam như ca dao, hò vè, nghệ thuật kiến trúc, các phong tục tập quán, hội xuân, các công trình địa chí cho tỉnh, xã, huyện, các  kinh nghiệm dự báo thời tiết vừa được giới thiệu với bạn đọc cả nước.

TIN BÀI KHÁC


Ngày 13/6, Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ VHTTDL  và Hội văn nghệ dân gian Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố kết quả thực hiện giai đoạn I (2008-2012) dự án "Công bố, phổ biến tài sản văn hoá-văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam" và lập kế hoạch thực hiện giai đoạn II (2013-2017).

GS Tô Ngọc Thanh cho biết, dự án đã ưu tiên lựa chọn các công trình, tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc về văn hóa, văn nghệ các dân tộc, các vùng miền. Phục vụ công tác nghiên cứu, sáng tác nhiều lĩnh vực, dự án tập trung vào các chủ đề chủ yếu của văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam như văn học dân gian (ca dao, hò vè, truyện kể, sử thi); nghệ thuật biểu diễn dân gian (ca, múa nhạc, sân khấu); nghệ thuật kiến trúc, trang trí trong nhà, trên nền vải, trên áo mũ; các phong tục tập quán, hội xuân; các công trình địa chí cho tỉnh, xã, huyện; các tri thức dân gian khác (nghề thủ công, kinh nghiệm dự báo thời tiết).

GS Tô Ngọc Thanh báo các kết quả làm được trong giai đoạn I của dự án

Các tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Kinh, Thái, Tày, Mông, Mường, Dao, Cao Lan, Sán Chay, Sán Chỉ, Kháng, Mảng, Khơ Mú, Phù Lá, Pú Nả, Bố Y, Pu Péo, Tà Ôi, Vân Kiều, Ka Tu, Kơho, Châu Ro, Chăm, Bana, Giơ rai, Êđê, Mơ Nông, Giẻ Triêng, Chăm Hroi, Bana Kriêm, Stiêng, Rơ Ngao, Sơ Đăng, Kh’Mer.

1.000 công trình của 446 tác giả nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam sẽ được phát hành miễn phí tới các thư viện từ Trung ương đến địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu, các đồn bộ đội biên phòng, hải đảo, các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế có liên quan đến văn hóa đang đóng tại Việt Nam. Tuy nhiên, tại cuộc họp GS Tô Ngọc Thanh cũng băn khoăn khi dự án có giá trị như vậy mà chỉ phát cho những đơn vị định sẵn trong khi nhiều đơn vị khác, hay cả các tổ chức nước ngoài cũng rất cần nó thì lại không có. Ông muốn xin một cơ chế để có thể bán được những công trình này lấy thu bù chi nhưng lại "lăn tăn" về việc tính thuế như thế nào các công trình này khác biệt với những cuốn sách khác.

Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Tiến Thắng, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP đánh giá: Đây là một dự án rất quan trọng, chưa có tiền lệ trong lĩnh vực văn hóa dân gian tại Việt Nam. Dự án này đã kịp thời công bố, bảo tồn một khối lượng sách quý (1000 công trình) về văn hóa dân gian các dân tộc của mọi miền đất nước, từ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đến các thành phố, thị xã của cả nước. 

Thứ trưởng VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu tại buổi họp

Đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đánh giá về việc thực hiện dự án là khá tốt. Dự án ra đời giải quyết được 5 vấn đề lớn: Giải quyết phần hồn dân tộc; Các tác giả vui mừng vì tâm huyết bao năm họ ấp ủ nay thành hiện thực; Người đọc hồ hởi đón nhận và cả những cộng đồng có liên quan tới công trình cũng phấn khích vì họ thấy dáng dấp của họ trong đó, từ đó họ sẽ cố gắng phát huy và gìn giữ những bản sắc vốn có của dân tộc mình; Đây cũng là nguồn tư liệu quý giá cho công tác sưu tầm, nó không khác gì quyển từ điển mini,....

Sau khi hoàn thành công bố 1.000 công trình giai đoạn 1, dự án đề nghị tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (2013-2017) nhằm công bố 1.500 công trình văn hóa dân gian trong số 4.000 công trình còn lại.

LT