- Rất đông
chuyên viên người Việt đang làm phim hoạt hình cho
châu Âu và Hollywood, nhưng lại chưa có ngọn cờ nào
phất lên tập hợp họ làm hoạt hình Việt.
Thuộc về thế hệ họa sĩ hoạt hình đầu tiên tại TP.HCM được đào tạo bài bản kể từ sau giải phóng, ông Tôn Thất Thạc năm nay 51 tuổi. Ông được đào tạo chuyên ngành hoạt hình 2D tại Pháp. “Thời của tôi người ta còn làm hoạt hình với những chiếc máy tính cổ lỗ đời đầu với hệ điều hành Unix được viết bằng ngôn ngữ lập trình C”, ông nhớ lại.
“Igor” – bộ phim hoạt hình có nhiều công đoạn được gia công tại TP.HCM
Ông
từng bôn ba làm nhiều năm tại Nhật và Phillipines
trong lĩnh vực hoạt hình. Nhưng đó là trước
khi Sài Gòn bắt đầu có những xưởng phim
hoạt hình nhỏ đầu tiên do nước ngoài
đầu tư để khai thác nguồn nhân lực giá
rẻ, cần cù và thông minh và các chi phí thấp khác.
Họa sĩ Sài Gòn trong
“mắt xanh” của người Pháp
Có
thể nói, xưởng phim hoạt hình Pixi Box của nhà
sáng lập người Pháp Jacques Peyrache là cái tên có mặt
vào hàng sớm nhất ở Sài Gòn. Năm 1994, nó đặt
một văn phòng nhỏ trong khu vực trung tâm thành
phố và tuyển dụng vài chục họa sĩ
đầu tiên, làm việc dưới sự điều
hành của các chuyên gia nước ngoài.
Thật đáng ngạc nhiên là sự hiện diện của Pixi Box gần như không gây được sự chú ý nào, dù nó nằm trong một mắt xích gồm nhiều xưởng phim nhỏ trên khắp thế giới tham gia vào các khâu gia công sản xuất nhiều phim hoạt hình cho châu Âu và Hollywood như: “Spirou”, “A Goofy Movie”…. Thực tế, Pixi Box âm thầm gia công cho thế giới và chẳng có gì để tham gia (dù là góp vui) với một thành phố mà ngành hoạt hình địa phương gần như là số 0!
Nhưng
dù sao, Pixi Box đã từng là một cơ hội giúp ông
Thạc và nhiều người Việt khác học về
hoạt hình trên khắp thế giới, có thể trở
về quê nhà làm việc. Đây cũng chính là thời
điểm mà các xưởng phim hoạt hình trên khắp
thế giới đồng loạt lao vào bước
chuyển từ công nghệ đồ họa 2D sang đồ
họa 3D. Những nhân viên người Việt trong Pixi Box
lần đầu được đào tạo cho
những thay đổi này. “3D mang lại cho hình ảnh
những hình khối và không gian, giống như bạn
điêu khắc một bức tượng ngoài đời
thì chúng tôi làm công việc “điêu khắc” này trên máy tính”,
ông Thạc giải thích.
Những xưởng phim ngoại như Pixi Pox, Hahn Film, Spart*, và cả Virtuos-Spart* sau này, có thể nói, đã đào tạo được nhiều lớp chuyên viên, kỹ thuật viên người Việt có tay nghề cao và khéo léo ở rất nhiều khâu khác nhau của công nghệ làm hoạt hình, từ dựng cảnh, thiết kế nhân vật cho tới kết xuất hình ảnh, làm âm thanh, ánh sáng…
“Mickey's Twice Upon a Christmas”
với nhiều công sức của họa sĩ VN
Khi
xem những bộ phim hoạt hình như “Igor”, “Mickey's Twice
Upon a Christmas”, “Fairy Tale Fights”…, khán giả khó thấy
được công sức đằng sau của các họa
sĩ người Việt bởi khi phát hành, chúng đã mang
quốc tịch của hãng sản xuất bộ phim
tại Bắc Mỹ hay châu Âu. Danh sách đoàn làm phim
lại luôn bắt đầu từ các thành phần sáng
tạo tại quê hương bộ phim, trước khi kéo
dài tới nhóm chuyên viên người Việt đã góp công
biến những hình ảnh story board (phim trên giấy)
được gửi sang để gia công khâu các khâu
diễn xuất hay dựng cảnh…
Chẳng
hạn như với phim “Igor” (hãng sản xuất Exodus),
người ta rõ ràng chỉ quan tâm câu chuyện và ngôi sao
tham gia lồng tiếng là John Cusack (phim “2012”, “Shangai”,
“1408”…). Nhưng đằng sau nó, các họa sĩ
người Việt tại Sparx* đã tạo ra 70 bối
cảnh, 250 đồ vật, cũng như dựng
phần layout và phần animation cho hơn 1300 cảnh quay.
Theo
ông Thạc, để tạo được diễn
xuất cho nhân vật hoạt hình, một họa sĩ
phải am hiểu và thuộc lòng tính cách nhân vật. “Khi làm
3D, máy tính chỉ như một công cụ, còn đẹp hay
xấu, hay hoặc dở là nằm ở cái đầu
họa sĩ”, ông nói.
Một đội
ngũ “đánh thuê” đang lớn mạnh
Nhưng nếu bàn rộng hơn về nguồn nhân lực Việt đang làm thuê cho các xưởng phim hoạt hình nước ngoài, có lẽ lực lượng đông đảo nhất không đâu bằng tại chính…Hollywood, nơi rất gần về mặt địa lý với cộng đồng người Việt lớn nhất tại Mỹ. Khán giả dễ phát hiện sự có mặt của họ qua những cái tên Việt như Huy Nguyen, Quan Tran, John Truong, Dennis Duong…trong phần giới thiệu đoàn làm phim của những bộ phim hoạt hình nổi tiếng nhất như “Madagascar”, “Ice Age” hay “Brave”…
Những bộ phim hoạt hình lớn nhất của Hollywood như “Ice Age” cũng thường có sự tham gia của người Việt sống tại Mỹ.
Hơn 10 năm thăng trầm, những xưởng phim hoạt hình “con” đóng tại TP.HCM phụ thuộc rất nhiều vào sự tồn tại của xưởng phim “mẹ” tại nước ngoài. Cuối năm 2011, có một sự kiện mà giới điện ảnh trong nước ít ai để ý. Đó là việc nhà cung cấp dịch vụ gia công phần mềm sản xuất sản phẩm giải trí kỹ thuật số vào hàng lớn nhất thế giới Virtuos Group (công ty từng tham gia làm phim hoạt hình Rango đoạt giải Oscar năm vừa rồi), đã mua lại xưởng phim Sparx* tại TP.HCM và đổi tên của nó thành Virtuos-Sparx*. Xưởng phim này nằm trong chuỗi các xưởng phim của Virtuos, đặt tại Thượng Hải, Thành Đô (Trung Quốc), Paris và Tokyo, hiện là nơi làm việc của khoảng 100 chuyên viên VN.
Những phác thảo trên cho thấy đội ngũ làm phim hoạt hình người Việt không phải là ít và có tay nghề chuyên môn cao. Nhưng liệu ngọn cờ nào có đủ sức mạnh và tâm huyết để giương cao tập hợp đội ngũ này trong cùng chung ý chí xây dựng nền công nghiệp hoạt hình VN? “Tiếc rằng đây lại chính là điểm yếu nhất của người Việt, nhất là trong lĩnh vực mỹ thuật, không ai chịu thua ai cả”, ông Thạc nhận xét.
Bài cuối: Bỏ tiền tỉ làm phim để mua vui
Khải Trí