Nửa thập kỷ lìa trần, nhưng Kim Lân vẫn sống trong ký ức những người yêu mến ông, độc giả của ông. Từ làng Chợ Giàu Phù Lưu, hôm nay đúng ngày giỗ thứ 5 (7/6 âm lịch), tôi như thấy ông “bay” về Hà Nội, nơi có hai chốn dành cho ông, để ông đến với mọi người.


1. “Em yêu ai?/ Em yêu thầy mấy lị u/ Em phải nhớ, quê mình là làng Chợ Giàu” (trích Làng). Làng duy nhất Việt Nam còn giữ những con đường lát đá xanh, đất văn nhân, phong lưu nức tiếng. Phù Lưu với Kim Lân, là làng đẹp nhất. Hiện thuộc thị xã Từ Sơn, xưa thuộc vùng Đông Ngàn, Phù Lưu “Đất hun tú khí, đời tạo văn nhân/ Văn vật rỡ ràng, nhân tài nảy nở” (trích Văn cổ nhập tịch làng Chợ Giàu).


Phù Lưu, Kim Lân sinh ra lớn lên, lấy vợ cùng làng. Ông là con bà ba. Cha ông thuộc hàng khá giả, dù sau gia cảnh có sa sút, ông vẫn giữ những thú chơi tao nhã chơi hoa, chơi chim, chơi mà “mát tay” lắm.

Không chỉ trong truyện ngắn Đứa con người vợ lẽ ông viết về thân phận mình, tác phẩm nào của ông cũng chứa tình làng và hy vọng, dẫu thiếu thốn, buồn tủi, cô đơn. Những thú chơi của ông không quá cầu kỳ, tốn kém tiền của, song cần dụng công tinh tế. Những thú chơi ông đã tham gia ngày trẻ hay  chỉ có thể nhớ lại khi về già, là một mảng kí ức sống động của ông, vỗ về những nỗi buồn. Tình yêu thiên nhiên, loài vật chỉ có ở người tâm hồn lãng mạn, đôn hậu.

Từ con đường đá xanh Phù Lưu, Kim Lân bước theo kháng chiến, lên Yên Thế Bắc Giang, sang Hạ Hoà Phú Thọ hồi chống Pháp; vào sân bay Ái Tử (Quảng Trị) thời chống Mỹ. Trên đường đời ấy, ông cống hiến cho văn chương và điện ảnh. Vai Pụ Pạng phim Vợ chồng A Phủ (ĐD Mai Lộc – Hoàng Thái), cùng Nguyễn Tuân đóng phim Chị Dậu của ĐD Phạm Văn Khoa. Chính “mắt xanh” của NSND Phạm Văn Khoa đã chọn và giao Kim Lân đóng Lão Hạc, trong Làng Vũ Đại ngày ấy, một vai bất hủ. Nhưng Kim Lân của văn chương chính là độc đáo quý giá nhất. Người ta nói nhiều đến ông là một nhà văn của những số phận thiệt thòi. Nhưng không phải là cái nghèo khốn cùng, kêu ca ai oán. Dù nghèo, nhân vật của Kim Lân vẫn biết những thú chơi. Ông chính là một nhà tiểu thuyết phong tục có thứ hạng. Những thú chơi, phong tục vùng Kinh Bắc, qua trải nghiệm của ông, được miêu tả tinh sành, bút danh Kim Lân từ một nhân vật tuồng. Ông lão hàng xóm là truyện về kép tuồng già. Bố ông chơi chim giỏi, ông hưởng gen này mà viết Đôi chim thành, Tông chim Cả Chuống; thú chọi gà - Con Mã Mái; chơi chó Chó săn; đánh vật đánh võ Trạng vật, Trả lại đòn, Ông Cản Ngũ; chơi pháo - Ông pháo (về hội pháo Đồng Kỵ). Xuất thân thợ sơn guốc, Kim Lân đã thành một nhà văn, viết không nhiều nhưng đa số chất lượng. Làng, Vợ nhặt là đỉnh cao sáng tạo của đời ông, của truyện ngắn Việt Nam thế kỷ XX.

2. Nhà lưu niệm Kim Lân, trong nguyện vọng của con gái cả, hoạ sĩ (HS) Nguyễn Thị Hiền sẽ chính ngôi nhà họ đã sống từ 1958 – số 6 Hạ Hồi, quận Hoàn Kiếm. Vợ chồng nhà văn và 7 người con ở diện tích 38m2, có gác xép và mảnh vườn nhỏ. Ông mất 20/7/2007, thì 2010 ngôi nhà đành bán đi, trưởng nam và trưởng nữ đều không thể cố giữ được nơi nảy sinh kỷ niệm vô giá ấy. Đó là mấy phòng tầng trệt của ngôi biệt thự thời Pháp.

Nhà lưu niệm Kim Lân khánh thành hôm 5/1/2012 tại số 35 ngõ 424 Trần Khát Chân, Hà Nội chính là tầng 4 và 5 của nhà riêng HS Nguyễn Thị Hiền. Hầu hết kỷ vật, bút tích, đồ dùng của nhà văn, hàng trăm bộ ấm chén, lọ, bình men rạn của người mê uống trà, cũng được HS Nguyễn Thị Hiền và các em dày công bảo quản, chăm chút. Đặc biệt, tư liệu gia đình, hình ảnh và thủ bút của cha được người con gái cả gìn giữ mấy chục năm. Nhà lưu niệm tái hiện lại không gian sống ở nhà cũ Hạ Hồi.


 Cha con nhà văn Kim Lân – Thành Chương tại Việt Phủ 2005. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

3. Chiều 24/7/2012, tại Việt Phủ Thành Chương, dốc Dây Diều, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn ,  trưởng nam của nhà văn, mời các nghệ sĩ, bạn bè thân hữu đến dự buổi ra mắt “Không gian tưởng niệm nhà văn Kim Lân”.

Đau đáu vì sinh thời, cha chưa có được căn nhà đẹp, ngôi nhà thơ ấu ở làng bịt lối vào, mục nát, đổ vỡ, HS Thành Chương đã thiết kế mộ cho thầy u theo hình ảnh 3 gian 2 chái, để thầy u được yên nghỉ trong ngôi nhà đẹp. Và giờ đây, tại Phủ của mình, HS tái hiện nhà cổ làng Phù Lưu. Thuộc khu nhà Tường Vân 5 tầng, phần “hậu cung” để thờ tự, HS xây 5 gian nhà bằng gỗ xoan, lợp ngói vẩy cá tượng trưng ngũ phúc: Phúc – Lộc – Thọ – Khang – Ninh. Công trình thực hiện liên tục trong nửa năm, sau khi HS nung nấu ý tưởng. Thành Chương tuổi 64, cật lực làm ngôi nhà đẹp cho cha, cũng là người thày đầu tiên dạy chữ, đưa chị em ông đến với hội hoạ.


Màu trắng chủ đạo chiếm lĩnh toàn bộ không gian, biến “miền trắng” thành vùng nổi bật của Phủ. Nơi đây, thế giới riêng ấy là thánh đường chữ nghĩa mang hồn vía Kim Lân và nhà văn Kinh Bắc tài hoa, người say mê, đau đáu bảo tồn quan họ, là linh hồn, “Thành hoàng” của Phủ.

Nghệ thuật sắp đặt được sử dụng tạo dựng “Không gian Kim Lân”. Hai chậu lan đất bày ngay tiền sảnh, giường tre, quạt lá cọ. Cái mâm gỗ cũ kỹ bày nậm rượu, bát sứt, đũa tre, đèn dầu, “tứ” lấy từ một cảnh trong Vợ nhặt, bữa ăn nhà bà cụ Từ, khi Tràng “nhặt” được vợ về, bữa cơm nghèo của làng quê Bắc Bộ. Bút tích nhà văn Đỗ Chu, người coi Kim Lân như cha được phóng lên gỗ: “Nơi tưởng niệm nhà văn Kim Lân yêu dấu, một tài năng, một nhân cách, một đời người giản dị mà cao khiết gần gũi”.


Tiếng chim cu gáy trong lồng treo bên hiên nhà, gió đưa mùi hoa vờn tóc giục ta trút bỏ ồn ã bộn bề để tĩnh lòng đến với Kim Lân. Thành Chương đã “bẻ ghi” cho tâm trạng người xem khi thiết kế lối vào hẹp, chỉ lọt một người, bước thẳng, đồ đạc giày dép bỏ bên ngoài. Theo lối đi có bậc khấc hút sâu, ta đến một thế giới khác, thế giới của trong trắng, thanh cao. Tài sản không có, nhà văn để lại tác phẩm và nhân cách. Di sản chữ của ông là tinh tuý vô giá. Những tác phẩm được con trai trưởng in ra giấy, các cỡ, font chữ khác nhau, bồi kín các bức tường, vòm của 4 gian nhà cột kèo, rui mè đều sơn trắng. Riêng tên Làng, Vợ nhặt – dấu son của đời văn Kim Lân được Thành Chương dùng sơn đỏ viết lên chữ đen tường trắng – cũng là “giấy trắng mực đen” có ấn tín một văn tài “thần mượn tay người để viết” (câu của nhà văn Nguyễn Khải đánh giá về hai tuyệt tác của Kim Lân). Màu trắng ấy tạo sự hư – thực, gần gũi mà huyền ảo, tường minh mà vô cùng. Màu trắng và nghệ thuật sắp đặt kết hợp với cách bài trí gian thờ, kiến trúc nhà truyền thống, là sự giao thoa cổ điển và hiện đại, thuần khiết và phá cách đúng tinh thần sống của Kim Lân. Chữ “Mặc hương” (mực thơm) treo gần ảnh đen trắng nhà văn cầm quạt cọ, mặc bộ đũi trắng ngoài tiền sảnh. Dùng mực đen giấy trắng, cốt cách nhân hậu, tình nghĩa, ngay thẳng – hồn cốt nhà văn đã được con trai hiểu để truyền tải “Kim Lân nhất”, làm nên sự đột phá có một không hai. Không phải nhà lưu niệm hay bảo tàng cần bày/ gắn với hiện vật, nơi đây chỉ tôn vinh chữ trong một miền trắng trong, thánh thiện.


Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo

Ở đó, người xem đọc lại tác phẩm Kim Lân, những gì ông viết cho bạn bè và mọi người viết về ông. Tác giả và độc giả gặp nhau thật gần gũi, đích thực. Gian chính là gian thờ nhà văn. Tấm ảnh màu Thành Chương chụp cha lần cuối về làng đặt trang trọng giữa các vật dụng thờ bằng gỗ cổ thuần Việt sau rèm nhung đỏ, ánh đèn vàng rọi ấm áp, thân thương. Ông lão hiền từ, hóm hỉnh, mắt buồn mà miệng cười, tóc bạc, râu bạc, chống gậy chậm rãi vẫn quyến luyến trần gian bằng hình ảnh, bằng câu chữ qua mắt nhìn, qua nỗi nhớ của người đọc các thế hệ.

Thành Chương báo hiếu cha, dùng nghệ thuật tôn vinh di sản chữ cũng là một cách sang trọng và chính đáng góp phần nối dài sức sống của một cây bút chân tài. Những ai yêu mến, tưởng nhớ Kim Lân, hâm mộ nghệ thuật có thể đến thăm công trình này, miễn phí. Đây chính là tấm lòng rộng mở của cha con Kim Lân dành cho mọi người trong sự cống hiến tiếp diễn. Sự cống hiến, sáng tạo ấy không hề bị cách ngăn dù nhà văn đã sang bên kia thế giới, lại vẫn về những không gian đằm thắm của mình.

Vi Thùy Linh