- "Quẩn quanh trong tổ" mang đến một dạng sức mạnh của ngôn ngữ trong biểu đạt như thế. Tác giả đã dụng công với những triền miên của liên tưởng và tung hứng, đã miêu tả lại một cách xuất sắc và linh hoạt từ cảm xúc đến hiện thực. Rất gần với hiện thực.
ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN
Cô gái mong manh và người chồng mang khuôn mặt đẹp
"Hai con bú dù" - Quán cà phê "nổi loạn"
Scandal của một triết gia
Cảm xúc, trí tuệ... đến từ đâu?
Những tin tức xấu chờ phản ứng của bạn!
Khi tôi còn học trong trường đại học, thầy giáo giảng bài nói về nhân công giá rẻ như một trong những lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Nhiều sinh viên đã nghĩ với một niềm tin ngây thơ, rằng: có được một lợi thế thì thật tốt!... Sau này, tôi không còn hiểu "Việt Nam - nhân công giá rẻ" như một niềm tự hào hay sự hài lòng - thay vào đó là cảm giác bị coi thường và sỉ nhục. |
Trong một số tác phẩm văn học được xuất bản gần đây, có "Lolita" (2012) - sự nhảy múa của ngôn ngữ, "Hủy hoại vì yêu" (2012) - với "ngôn từ đã chia cắt tôi khỏi cô ấy", và trước đó là "Suối nguồn" (2008) - nhân vật Toohey giàu khả năng hùng biện lẫn xảo ngôn ... Chúng đều chứng tỏ sức biểu đạt của ngôn ngữ thật mạnh mẽ với ai làm chủ nó nhuần nhuyễn và thuần thục.
Năm 2011, một cuốn sách tiếng Việt được nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bình luận "Chữ như tuôn ra chảy tràn trên những ngón tay". Tác phẩm "Quẩn quanh trong tổ" mang đến một dạng sức mạnh của ngôn ngữ trong biểu đạt như thế. Tác giả đã dụng công với những triền miên của liên tưởng và tung hứng, đã miêu tả lại một cách xuất sắc và linh hoạt từ cảm xúc đến hiện thực. Rất gần với hiện thực.
Nhưng, dù biến ảo khôn lường trong tác phẩm, ngôn ngữ vẫn bất lực.
Ngôn ngữ đã phô bày những giới hạn của nó. Ngôn ngữ có thể phản ánh mọi điều, nhưng không thể trực tiếp kiến tạo vật chất hay làm nên sự thay đổi. Để thay đổi, người ta cần hành động. Ngay cả với những người giỏi nhất, ngôn ngữ cũng không phải là công cụ toàn năng cho các vấn đề.
Đoạn trích dưới đây nằm trong cuốn sách "Quẩn quanh trong tổ" của tác giả Phan An |
***
Em, anh hoàn toàn mù tịt về kinh tế tài chính và đối ngoại. Anh thậm ngu si dốt nát về số má, anh chẳng biết chữ đui về giá vàng giá đô gì cả.
Nghe cụm mĩ từ GDP anh nghĩ đến chuyện ông nông dân và một trăm con gà (*). Nghe Cái Đuôi Dài anh tưởng người ta nói chuyện sở thú chim công trĩ nội và ngoại. Anh lầm cổ tức với một loại bệnh thông thường mà nhưng người thiếu i-ốt chúng ta thường hay phải gánh chịu. Anh ngỡ bluechip là bộ vi xử lý Intel Inside đa nhân siêu phân luồng. Vĩ mô và vi mô đối với anh là món vây cá bào ngư anh chỉ mới nghe tiếng chứ chưa bao giờ được nếm thử. Người khổng lồ xanh anh cho là The Hulk suốt ngày bẻ đôi xe hơi ném xe buýt vào nhà chọc trời chứ không phải Big Blue hay Big Black.
Anh nhầm Dow Jones với Don Juan tức Đông Gioăng cái tên đọc líu cả lưỡi, thằng cha Sở Khanh xứ đấu bò chuyên môn lừa gạt phụ nữ ngu như bò. Anh ngạc nhiên thấy người ta không cần lít nước phông tên nào cũng thả nổi được tiền tệ. Anh cũng biết ở những vùng đất em đã đi qua từ thời Leonardo da Vinci còn ngồi vẽ mô hình máy bay đã có những người lang thang trên đường phố đánh đàn măng đô lin, có người ngồi cạnh công viên thổi kèn túi, có những người hát rong, có khu phố đèn đỏ, có khách sạn tình đi vào công trước đi ra ngõ sau, có nọ có kia cũng vui lắm xôm tụ lắm.
Em, nhưng anh mang máng thấy trong cái hay hay và vui vui và xôm tụ anh vẫn thấy ở cái góc phố này, khi Bùi Xuân Phái đã chết được hơn hai mươi năm rồi, có cái gì đó không đúng.
Có cái gì đó khổ sở, có cái gì đó ray rứt, có cái gì đó làm cổ họng anh nghèn nghẹn khó nuốt, có cái gì đó làm anh phải chui vào toi lét ói quặn cả ruột, nước dãi anh trong suốt chảy ròng ròng như chó vào mùa dại mà mắt anh thì đỏ ngầu như lòng đèn treo lủng lẳng vào những mùa Trung thu trăng tròn có múa lân và ông Địa cười nhăn nhở trong nhịp trống chiêng tùng xèng tùng xoèng tùng xoyèng.
Thôi em đừng lòe anh về giao thoa văn hóa và hội nhập thế giới, về nguồn thu nhập khổng lồ từ dịch vụ và du lịch, về bức tranh cuộc đời nhiều mảnh lắm màu sắc, về ánh gốm ánh đồng lấp lánh ánh kim long lanh ánh thép nữa, anh chẳng muốn nghe. Anh nhổ toèn toẹt vào. Toèn toẹt. Có gì đó sai, rất rất sai ở đây. Một cái gì đó anh không tài nào định nghĩa được mà thằng Văn vẫn gọi là "đau em", ...., còn anh thì đơn giản gọn gàng nhẹ nhàng tình cảm gọi là "thối".
Làm thế nào để anh có thể giải thích cho em hiểu tại sao anh nhắm mắt làm ngơ, mặc kệ những lạc đà hai bướu và cá vảy chân và đỉnh núi tuyết và chim cánh cụt nhảy và đà điểu bay, tại sao giữa bao nhiêu cái hay cái đẹp dưới ánh mặt trời chói chang và ánh đèn đường vàng vọt và cơn mùa đầu mùa cuối mùa giữa xối xả anh chỉ nhìn thấy những ăn mày ăn nhặt, những người điên lang thang, những người nghèo khổ vì kế sinh nhai mà phải chịu đau đớn rách họng cháy mồm ngậm lửa nuốt dao, những ông bà già rách rưới bẩn thỉu bới rác dưới gầm cầu chữ Y, những đứa bé mặc đồng phục học sinh đi bán hoa lúc mười một giờ đêm, những thằng nhóc nằm co ro bên vỉa hè giữa trời khuya khoắt, những gái đĩ mắt xanh mỏ đỏ đong Tây ba lô đu Tàu bốn bị, những rốn lồi phễnh lên trời cùng với nước bọt đờm dãi văng xuống đất?
Nếu anh đang ngồi điềm tĩnh rít thuốc phì phèo bỗng nhiên đứng dậy tát một cái Bốp vào mặt em mà gào to lên rằng một ngày nào đó chắc em phải rũ bớt những tự hào tự mãn điên khùng hãnh tiến mù quáng vô lối mà ngẫm lại thân phận đói nghèo nhược tiểu của mình đi rồi họa chăng mới dần dà khá lên được, liệu em còn xuýt xoa ôm cái má sưng vù vừa gật gù mà hiểu cho anh không, hay em lại nhảy chồm chồm lên trên đôi giày high heel màu da cam có quai xanh lá cây mà nhiếc móc anh chó đẻ, ngu xuẩn, khốn nạn...
Nói gì thì nói, lần sau nếu em có gặp lạc đà hai bướu thì đừng quên giương Nikon lên mà làm vài bô gửi cho anh.
Cảm ơn em,
-----------
(*) Nếu em chưa nghe chuyện này thì anh giải thích luôn. Có một trăm con gà. Một ông quan ăn chín mươi chín con. Chín mươi chín ông nông dân xâu xé những cổ, cánh, sườn, lông, lá, tù hủ của con còn lại. Theo luật Trung Bình Cộng của môn Toán Học vĩ đại có từ trước cả thời văn minh Lưỡng Hà và Ai Cập cổ đại, ta lấy một trăm chia cho một trăm và suy ra mỗi người ăn số nguyên một con gà.